Thị trường Thứ sáu, 16/11/2018, 13:40 GMT+7
OPEC cảnh báo ông Trump về mối nguy dầu giá rẻ

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn giá dầu tiếp tục đi xuống. OPEC cảnh báo ông Trump nên cẩn thận với điều ông muốn.

nov16 opec

Đó là vì giá dầu thấp khi sản xuất trước kia đã ảnh hưởng đến việc làm trong ngành sản xuất dầu Mỹ, theo Tổng thư ký OPEC, ông Mohammad Barkindo.

Như một câu chuyện cảnh báo, ông Barkindo chỉ ra đợt giá dầu lao dốc những năm 2014-2016 đã gây khó khăn như thế nào cho công nhân dầu của Mỹ. Ông lưu ý hơn 100 công ty dầu Mỹ đã phá sản và hàng ngàn việc làm đã mất đi trong thời kỳ suy thoái này.

Tuy nhiên, một khi đợt lao dốc kết thúc, giá dầu phục hồi trở thành thắng lợi lớn cho những bang sản xuất năng lượng như Texas, New Mexico, Colorado và North Dakota. Vùng lòng chảo Permian của Tây Texas trở thành một trong những khu mỏ sung mãn nhất trên thế giới.

Ngành năng lượng của Mỹ “được lợi cực lớn” từ những khoản phối hợp cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh, ông Barkindo nói.

“Nếu nhìn vào số công việc được tạo ra ở những vùng lòng chảo, bạn sẽ đanh giá cao những gì OPEC và các nước không thuộc OPEC cùng thực hiện để làm lợi cho Hoa Kỳ.”

Những việc làm này có thể bị đe dọa nếu giá dầu tiếp tục lao dốc như ông Trump muốn.

Nổi lo về một đợt thừa cung mới tuần trước đã đẩy giá dầu vào vùng xuống giá. Lực bán tăng mạnh vào thứ Ba, 13/11, khi giá dầu thô giảm đến 7%, ngày tồi tệ nhất của giá dầu trong ba năm.

Những bình luận của OPEC là lời nhắc nhở ông Trump rằng giá dầu rẻ sẽ là con dao hai lưỡi đối với nước Mỹ. Cánh lái xe Mỹ sẽ tiết kiệm được khi đổ xăng, nhưng đời sống công nhân ngành dầu sẽ bị đe dọa.

Đây là một thực tế đối với Hoa Kỳ, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

“Cuối cùng, bất kỳ quyết định nào của chúng tôi cũng là vì lợi ích của Hoa Kỳ,” ông Barkindo nói. “Tôi chắc chắn ông Trump sẽ chấp nhận thực tế.”

OPEC cam kết sẽ làm “bất kỳ điều gì cần thiết”

Vào thứ Hai, OPEC đã khiến ông Trump thất vọng khi tỏ dấu hiệu họ sẽ xem xét cắt giảm sản xuất nhằm đối phó với nguồn cung dư thứa.

Dù giá dầu lao dốc, ông Trump vẫn hối thúc OPEC không thu hẹp sản lượng.

Ông viết trên Twitter, “Hy vọng Saudi Arabia và OPEC sẽ không giảm sản xuất dầu. Giá dầu nên thấp hơn nhiều dựa trên nguồn cung!”

Ông Barkindo kêu gọi ông Trump đối thoại trực tiếp với OPEC. “Chúng tôi muốn có một cuộc đối thoại trực tiếp với nội các của ông Trump,” ông nói.

Nhưng dù sao OPEC cũng có thể tiến hành các cắt giảm khi nhóm này họp tại Vienna vào tháng sau.

“Chúng tôi sẽ làm bất kỳ điều gì để duy trì sự ổn định đã đạt được,” ông Barkindo nói. “Tiến vào năm 2019, có những dấu hiệu tình trạng mất cân bằng tái xuất hiện và chúng tôi kiên quyết giữ nguyên hướng đi.”

Những bình luận này giúp giá dầu Mỹ tăng 2% vào thứ Hai, khiến giá dầu có xu hướng kết thúc lần giảm giá kỷ lục kéo dài 12 ngày.

Dĩ nhiên, OPEC đã có vai trò rất lớn trong đợt giá dầu lao dốc những năm 2014-2016.

Bất chấp khoản thừa cung khổng lồ, OPEC vẫn mạnh tay sản xuất dầu trong nỗ lực lấy lại thị phần từ Mỹ và những nước sản xuất với chi phí cao khác. Nhóm này không đồng ý thực hiện cắt giảm sản xuất cho tới tháng 9/2016, khi tác động vì giá lao dốc ảnh hưởng đến tài chính của Saudi Arabia và những quốc gia OPEC khác.

OPEC khó có khả năng giữ nguyên sản xuất lần này vì điều này sẽ khiến “giá thấp hơn đáng kể,” theo Jeffrey Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs. Ông Currie lập luận giá dầu chuẩn bị “trở đầu” vì đợt bán tháo này không hợp lý.

Cú giật từ Iran

Nội các ông Trump cũng có trách nhiệm trong đợt giá dầu lên xuống mới nhất này.

Giá tăng mạnh đầu năm nay sau khi các quan chức của ông Trump tỏ dấu hiệu muốn chặn tất cả dầu xuất khẩu từ Iran, nhưng sau đó họ lại xử lý các cấm vận Iran nhẹ nhành hơn vì e ngại các cấm vận có thể khiến dầu tăng vọt lên $100/thùng. Các quan chức Mỹ đã cấp các khoản miễn trừ tạm thời cho phép Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác vẫn tiếp tục mua dầu từ Iran.

Nhưng Saudi Arabia, Nga và Mỹ đã đẩy mạnh sản xuất trong những tháng gần đây nhằm tránh một đợt thiếu hụt vì Iran.

Sản xuất dầu Mỹ đặc biệt mạnh, dẫn đầu là lòng chảo Permian. Gần đây Hoa Kỳ đã vượt qua cả Nga và Saudi Arabia, trở thành nước sản xuất dầu số 1 thế giới lần đầu tiên kể từ năm 1973.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1