Thị trường Thứ hai, 05/07/2021, 10:46 GMT+7
Câu chuyện của OPEC làm dấy lên bóng ma giá xăng cao hơn

OPEC và các đồng minh đang sa lầy trong bế tắc. Các tài xế Mỹ có thể phải trả giá.

jl5 opec

Trong ngày thứ hai liên tiếp, OPEC+ đã gây bất ngờ cho các nhà quan sát vào thứ Sáu khi không đạt được thỏa thuận về việc có nên bổ sung dầu vào một thị trường đang rất cần thêm nguồn cung hay không.

Nhóm cho biết họ sẽ cố gắng một lần nữa vào thứ Hai, 5/7, để xây dựng được một thỏa thuận, khiến cuộc họp dự kiến một ngày kéo dài ít nhất ba ngày.

Theo Robert McNally, chủ tịch hãng tư vấn Rapidan Energy Group: “Đây là một bế tắc lớn.”

Kịch tính xảy ra khi người Mỹ đi du lịch trong kỳ nghỉ ngày 4/7, phải chịu giá xăng cao trong bảy năm, làm tăng thêm các vấn đề về lạm phát vốn đã ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Các nhà phân tích Phố Wall cho rằng chỉ có OPEC+ mới có thể giải cứu bằng cách sản xuất thêm dầu đáp ứng nhu cầu đang tăng cao. Tuy nhiên, nhóm này rõ ràng đang gặp khó khăn để thống nhất các điều khoản nhằm thực hiện điều đó.

Trong khi Nga lên tiếng về sự cần thiết phải sản xuất thêm dầu, theo các nhà phân tích, cho đến nay thỏa thuận bị ngăn cản bởi những lo ngại từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất về cấu trúc của thỏa thuận.

“Bất đồng ở các cấp làm nổi bật mối quan hệ khó khăn trong nhóm. UAE đang chăm lo cho lợi ích của riêng mình, thay vì hướng tới đường lối cốt lõi của OPEC," theo Matt Smith, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData.

Giá dầu thô đi từ -$40 lên $75

Giá dầu Mỹ đạt trên $75/thùng vào thứ Năm lần đầu tiên sau gần ba năm, phục hồi đáng kể so với tháng 4/2020 khi dầu thô giảm xuống âm $40/thùng.

Sự phục hồi được thúc đẩy một phần do nhu cầu xăng và nhiên liệu máy bay tăng cao khi đại dịch giảm dần và các hạn chế về sức khỏe được nới lỏng.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, nguồn cung vẫn đang bị hạn chế.

OPEC + chỉ dần dần bổ sung trở lại sản lượng tổ chức này đã tích cực rút đi sau khi giá dầu lao dốc năm ngoái. Và sau nhiều năm hoạt động tài chính kém, các hãng khoan dầu đá phiến của Mỹ đang chịu áp lực từ Phố Wall phải thực hiện các biện pháp kiềm chế trước khi tăng thêm sản lượng.

Nếu OPEC+ không đạt được thỏa thuận, giá cả có thể bị tác động đáng kể - theo cả hai hướng.

Kịch bản tăng giá được các nhà phân tích đưa ra là OPEC+ đồng ý không bơm thêm bất kỳ thùng dầu nào, giữ nguyên nguồn cung. Do nhu cầu đang tăng, điều đó rất có thể sẽ khiến giá dầu tăng mạnh. Các nhà đầu tư từng dự đoán sẽ có thêm sản lượng.

Nhưng cũng có nguy cơ sự bất đồng hiện tại sẽ khiến liên minh sụp đổ hoàn toàn, dẫn đến tình trạng tự do hỗn loạn khi các quốc gia đưa thêm vào thị trường quá nhiều dầu, lặp lại cuộc chiến giá mùa xuân năm ngoái giữa Saudi Arabia và Nga khiến giá cả lao dốc.

Theo ông McNally: “Ngay cả một chút hỗn loạn cũng có thể khiến giá dầu đi xuống. Khi mọi thứ với OPEC đi chệch hướng, sẽ có rất nhiều hệ quả. Đó là sự rối loạn và kịch tính cấp độ Netflix."

Helima Croft, người đứng đầu toàn cầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets, cho rằng 6 triệu thùng dầu đột ngột được đưa trở lại thị trường sẽ "rõ ràng đẩy giá xuống" trong thị trường.

Trong nhiều năm, UAE và Saudi Arabia là những đối tác thân thiết, tạo thành liên minh quan trọng nhất của khu vực và là cường quốc bên trong OPEC. Saudi Arabia là lãnh đạo trên thực tế của OPEC và UAE là nhà sản xuất lớn thứ ba của khối này trong năm 2020.

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai quốc gia gần đây đã căng thẳng hơn và các nhà phân tích cho rằng điều đó có thể dẫn đến bế tắc hiện tại của OPEC. Trên thực tế, một số người theo dõi OPEC nhận thấy nguy cơ UAE có thể rời bỏ nhóm hoàn toàn.

Nhà Trắng: ông Biden lo ngại vì giá xăng cao

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm thứ Sáu thừa nhận Tổng thống Joe Biden “rất lo ngại” về giá xăng tăng. Tuy nhiên, bà Psaki bày tỏ tin tưởng có đủ năng lực sản xuất dầu dự phòng trên khắp thế giới để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

“Bất chấp tất cả những thảo luận xung quanh việc chuyển đổi năng lượng, không có gì khiến một tổng thống được bầu của Mỹ kinh hoàng hơn giá xăng dầu tăng vọt. Ít có điều gì khiến người Mỹ tức giận hơn thế," theo McNally, một cựu quan chức năng lượng dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Đôi khi trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, cựu Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích OPEC vì không sản xuất đủ dầu hoặc sản xuất quá nhiều.

Bà Psaki, thư ký báo chí Nhà Trắng, hôm thứ Sáu cho biết bà không thể nói liệu chính quyền có liên hệ với các quan chức OPEC hay không.

McNally nói: “Chính quyền Biden, không có gì phải bàn cãi, đang áp dụng cách tiếp cận buông tay và cầu may.”

Tất nhiên, giá dầu $80 có thể thay đổi suy nghĩ đó.

"Liệu ông Biden có phải học từ Trump và kích hoạt đường dây nóng với OPEC không?"

Trường Sơn lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1