Doanh nghiệp Thứ năm, 22/07/2021, 11:14 GMT+7
Các trang trại đang lãng phí 1 tỷ tấn lương thực, một thảm họa đối với khí hậu

Khoảng 2.5 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí trên khắp thế giới mỗi năm, gần một nửa trong số đó nằm ở các trang trại, cả ở châu Âu và Hoa Kỳ. Điều này sẽ có tác động rất lớn đến khí hậu.

jl22 waste1

Một báo cáo được Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới và nhà bán lẻ bách hóa Tesco (TSCDF) của Vương quốc Anh công bố hôm thứ Tư, 21/7, tiết lộ lượng thực phẩm bị mất gần gấp đôi ước tính trước đó của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, vốn đã tiến hành phân tích tổng lượng rác thải từ trang trại đến bàn ăn năm 2011.

Lượng lương thực thất thoát tại các trang trại lên tới 1.2 tỷ tấn, và 931 triệu tấn nữa bị lãng phí bởi các nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Phần còn lại bị mất trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sản xuất và chế biến.

Số liệu cập nhật chỉ ra 40% tổng số thực phẩm được sản xuất ra không được tiêu thụ, theo nghiên cứu vốn cố gắng định lượng lượng thực phẩm bị lãng phí tại các trang trại lần đầu tiên trong một thập kỷ.

Pete Pearson, người đứng đầu sáng kiến thất thoát và lãng phí lương thực toàn cầu tại WWF cho biết: “Trong nhiều năm chúng ta đã biết thất thoát và lãng phí lương thực là vấn đề rất lớn có thể được giảm thiểu, do đó có thể giảm tác động của hệ thống lương thực lên thiên nhiên và khí hậu.”

"Báo cáo này cho chúng ta thấy vấn đề có thể lớn hơn chúng ta từng nghĩ," ông nói thêm.

Theo nghiên cứu, rác thải thực phẩm chiếm 10% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cao hơn so với ước tính 8% trước đây.

Con số này tương đương gần gấp đôi lượng khí thải hàng năm từ tất cả ô tô chạy ở Hoa Kỳ và châu Âu, nơi những ngày gần đây cháy rừng hoành hành và lũ lụt thảm khốc là một lời nhắc nhở đau đớn về những mối đe dọa nghiêm trọng do khủng hoảng khí hậu gây ra.

Báo cáo cho biết: “Sản xuất thực phẩm sử dụng một lượng lớn đất, nước và năng lượng, do đó thực phẩm bị lãng phí tác động đáng kể đến biến đổi khí hậu.”

Bất chấp tác động cực lớn đến môi trường, chỉ 11 trong số các kế hoạch carbon quốc gia được 192 bên ký kết hiệp định khí hậu Paris đệ trình có các biện pháp giải quyết tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực.

Hầu hết các kế hoạch đến từ các quốc gia châu Phi nhằm giải quyết thất thoát sau thu hoạch, dù canh tác ở các quốc gia công nghiệp hóa hơn, với mức độ cơ giới hóa cao hơn, là nguyên nhân góp phần gây lãng phí thực phẩm nhiều hơn người ta tưởng.

Những quốc gia giàu có hơn ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á chiếm đến 58% thu hoạch lãng phí trên toàn cầu dù chỉ có 37% dân số toàn cầu, theo báo cáo. Tuy nhiên, nỗ lực giảm lãng phí thực phẩm ở các nước giàu có xu hướng tập trung vào bán lẻ và tiêu dùng.

Báo cáo cho biết: “Thất thoát thực phẩm ở giai đoạn trang trại rất đáng kể nhưng lại là một điểm nóng bị bỏ qua. Lý do của sự lãng phí gồm sự mất kết nối giữa thị trường và nông dân, có thể dẫn đến khối lượng sản xuất, loại cây trồng và thời điểm thu hoạch không phù hợp.

Những hành vi buôn bán không lành mạnh và ưu tiên cao hơn đối với cây trồng xuất khẩu của nông dân và chính phủ so với cây trồng tiêu thụ nội địa cũng là những yếu tố góp phần gây lãng phí.

Báo cáo kêu gọi các chính phủ và ngành thực phẩm đặt ra mục tiêu giảm thiểu rác thải thực phẩm, đo lường và báo cáo rác thải cũng như đề ra chiến lược nhằm giải quyết vấn đề này trong các hoạt động và chuỗi cung ứng.

Theo Giám đốc điều hành Tesco, ông Ken Murphy, một số nhà cung cấp của nhà bán lẻ sẽ lần đầu tiên báo cáo về tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm trang trại trong năm nay, "giúp chúng tôi giải quyết lãng phí từ những giai đoạn sớm nhất trong chuỗi cung ứng của mình." Ông Murphy cho biết thêm, công ty đã làm việc với 71 trong số các nhà cung cấp toàn cầu lớn nhất của mình để giảm lãng phí thực phẩm, ghi nhận mức giảm hơn 40% so với mức cơ sở năm 2016-2017.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1