Cú sốc giá thực phẩm mới nhất: Giá dầu cọ tăng mạnh |
Giá dầu cọ tăng vọt trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine khi các thị trường cố gắng tìm giải pháp thay thế để vận chuyển các lô hàng dầu hướng dương mắc kẹt tại các cảng Biển Đen. Giá dầu cọ kỳ hạn tại Indonesia - nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới - đã tăng hơn 18% kể từ thứ Tư tuần trước, một ngày trước khi Nga tiến hành cuộc tấn công, theo dữ liệu từ Refinitiv. Cuộc chiến ở Ukraine làm gia tăng sự không chắc chắn về việc liệu các cảng đóng cửa và chậm trễ vận chuyển có hạn chế các chuyến giao hàng dầu hướng dương hay không. Theo dữ liệu của S&P Global Platts, giá dầu hướng dương Ukraine tăng 32% trong những ngày đầu của cuộc xâm lược. Dầu cọ là một thành phần phổ biến trong nhiều loại thực phẩm và mỹ phẩm trên thế giới. Dầu cọ cũng được sử dụng để nấu ăn ở Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu hàng đầu thế giới. Theo James Fry, chủ tịch công ty tư vấn LMC International, người tiêu dùng ở Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh và các quốc gia ở Bắc Phi cũng sẽ cảm thấy khó khăn. “Mọi người - nếu có thể mua được dầu - sẽ phải trả nhiều tiền hơn,” ông nói. "Họ sẽ buộc phải giảm lượng dầu tiêu thụ. Họ sẽ không đủ khả năng chi trả. Đặc biệt nếu những thứ như lúa mì cũng đắt hơn nhiều," ông Fry nói thêm. Theo ông Fry, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine "xảy ra thật không đúng lúc" khi thị trường dầu thực vật đang cực kỳ eo hẹp. Trong tháng Giêng, Bộ Thương mại Indonesia cho biết họ sẽ giới hạn các lô hàng - chiếm khoảng 55% kim ngạch xuất khẩu của thế giới - để cố gắng kìm hãm giá nội địa đang tăng. Malaysia là nước xuất khẩu lớn thứ hai, nhưng tình trạng thiếu lao động trong đại dịch đã hạn chế sản xuất. Theo dữ liệu của S&P Global, giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn đã tăng 76% từ đầu năm nay. Những người mua dầu cọ không còn có thể dựa vào dầu hướng dương của Ukraine, vốn thường chiếm 1/3 sản lượng toàn cầu và một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu, để giúp thu hẹp khoảng cách khi thương mại bị gián đoạn do chiến tranh. Người mua có thể chuyển sang dầu đậu nành, ông Fry nói, nhưng sản lượng khó có thể tăng đủ để đáp ứng nhu cầu khi gấp rút như thế. “Thị trường dầu thực vật toàn cầu đang trong tình trạng rất căng thẳng và bấp bênh trước bất cứ điều gì xảy ra ở Biển Đen,” theo Paul Hughes, nhà kinh tế nông nghiệp trưởng tại S&P Global. Ông Hughes cho rằng tác động tổng hợp từ cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga nghĩa là "thị trường đang cho rằng nguồn cung bị mất sẽ kéo dài." Ngay cả khi xung đột giảm bớt, người mua dầu hướng dương có thể phải trả phí bảo hiểm rủi ro lớn cho việc vận chuyển trong khu vực. "Người Nga đã phá hủy các cơ sở... người mua có thể rất thận trọng với việc cam kết mua số lượng lớn nếu họ không biết liệu hàng sẽ được giao hay không," ông nói. Giá lương thực toàn cầu tăng 28% trong năm ngoái, một phần do gián đoạn chuỗi cung ứng, theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc. Việc Nga tấn công Ukraine, và tác động của điều này đối với nguồn cung các mặt hàng như lúa mì và dầu, có thể đẩy giá lên cao hơn nữa và làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực. Giá lúa mì kỳ hạn tăng hơn 4% vào thứ Tư, 2/3, đạt mức cao nhất trong 14 năm. Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|