Thị trường Thứ hai, 07/03/2022, 13:18 GMT+7
Giá dầu tăng lên mức cao nhất năm 2008 khi Mỹ, Châu Âu xem xét lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, thảo luận với Iran trì hoãn

Giá dầu tăng hơn 6%, chạm mức cao nhất kể từ năm 2008 vào thứ Hai, 7/3, sau khi Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu xem xét lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga trong khi các trì hoãn trong việc đưa dầu thô Iran trở lại thị trường toàn cầu làm dấy lên lo ngại nguồn cung thắt chặt.

m7 oil1

Dầu thô Brent giao sau tăng $8.46 (7.5%) lên $126.57/thùng lúc 0128 GMT, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng $7.65 (6.6%) lên $123.33.

Trong vài phút giao dịch đầu tiên vào thứ Hai, cả hai giá chuẩn đều tăng vọt hơn $10/thùng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 với dầu Brent ở mức $139.13 và WTI ở mức $130.50.

Mức cao nhất trong ngày thứ Hai gần với kỷ lục vào tháng 7/2008 khi dầu Brent đạt $147.50/thùng và WTI chạm mức $147.27.

Hôm Chủ nhật ông Blinken cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu đang xem xét việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, và Nhà Trắng đã phối hợp với các ủy ban quan trọng của Quốc hội tiến hành lệnh cấm của chính họ.

“Một cuộc tẩy chay sẽ gây áp lực rất lớn lên nguồn cung dầu và khí đốt vốn đã chịu tác động từ nhu cầu ngày càng tăng,” theo các nhà phân tích CMC Markets.

"Giá có khả năng tăng trong ngắn hạn, hướng tới $150/thùng."

"Giá tăng như thế sẽ gây thêm áp lực lên các nền kinh tế toàn cầu, đẩy lạm phát lên cao hơn, khiến các ngân hàng trung ương tranh luận về việc nên tăng lãi suất nhanh chóng như thế nào."

Giá dầu toàn cầu đã tăng 65% kể từ đầu năm 2022, cùng với các mặt hàng khác, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới và đình phát. Trung Quốc, nền kinh tế số hai thế giới, đã đặt mục tiêu tăng trưởng chậm hơn 5.5% trong năm nay.

Giá nhiên liệu đã vượt các kỷ lục năm 2008 với giá xăng Mỹ $3.890/gallon và dầu sưởi giao sau ở $4.2373/gallon.

Các nhà phân tích tại Bank of America cho rằng nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị loại bỏ, có thể thiếu đến 5 triệu thùng hoặc nhiều hơn, và nghĩa là giá dầu có thể tăng gấp đôi từ $100 lên $200/thùng, dù các nhà phân tích của JP Morgan cho rằng dầu có thể tăng lên $185/thùng trong năm nay.

Nga là nước xuất khẩu các sản phẩm dầu thô và dầu mỏ hàng đầu thế giới, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng/ngày, chiếm 7% tổng nguồn cung toàn cầu. Một số dầu xuất khẩu của Kazakhstan từ các cảng của Nga cũng gặp rắc rối.

Bất chấp giá dầu tăng, các công ty năng lượng của Mỹ đã giảm số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động vào tuần trước, càng nhấn mạnh những quan ngại về nguồn cung. Tại Libya, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (NOC) hôm Chủ Nhật cho biết các mỏ dầu El Feel và Sharara đóng cửa làm  mất 330,000 thùng mỗi ngày, hơn 25% sản lượng của họ trong năm 2021.

IRAN

Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới bị sa lầy vào Chủ nhật sau khi Nga yêu cầu Mỹ đảm bảo các lệnh trừng phạt nước này phải đối mặt trong cuộc xung đột Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến thương mại của họ với Tehran. Theo các nguồn tin, Trung Quốc cũng đưa ra các yêu cầu mới.

Đáp lại yêu cầu của Nga, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm Chủ nhật cho biết các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga vì xâm lược Ukraine không liên quan gì đến thỏa thuận hạt nhân tiềm năng với Iran.

“Iran là yếu tố khiến giá đi xuống thực sự duy nhất trên thị trường nhưng nếu hiện tại thỏa thuận Iran bị trì hoãn, chúng ta có thể cạn dầu nhanh hơn rất nhiều, đặc biệt là nếu dầu Nga vẫn còn lâu mới xuất hiện trên thị trường," theo Amrita Sen, đồng sáng lập của Energy Aspects, một tổ chức nghiên cứu.

Eurasia Group cho biết các yêu cầu mới của Nga có thể làm gián đoạn các đàm phán hạt nhân dù họ vẫn giữ tỷ lệ thành công ở mức 70%.

"Nga có thể có ý định sử dụng Iran như một con đường để vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây. Một văn bản đảm bảo cho phép Nga làm như vậy có thể nằm ngoài phạm vi những gì Washington có thể đưa ra trong cuộc chiến toàn diện ở Ukraine," theo Henry Rome của Eurasia.

Các nhà phân tích cho rằng Iran sẽ mất vài tháng để khôi phục dòng chảy dầu ngay cả khi đạt được thỏa thuận hạt nhân.

Ngoài ra, các quan chức Mỹ và Venezuela đã thảo luận về khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt dầu đối với Venezuela nhưng chỉ đạt được rất ít tiến bộ để tiến đến một thỏa thuận trong các cuộc đàm phán song phương cấp cao đầu tiên trong nhiều năm, do Washington tìm cách chia tách Nga khỏi một trong những các đồng minh quan trọng của nước này.

Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1