Thị trường Thứ tư, 02/03/2022, 13:24 GMT+7
Mỹ và 30 quốc gia đồng minh sẽ giải phóng 60 triệu thùng dầu trong bối cảnh giá tăng

Quyết định phối hợp, quyết định thứ tư trong lịch sử của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, được đưa ra khi Nga tiếp tục bao vây Kyiv

m2 us

Bộ Năng lượng Hoa Kỳ hôm thứ Ba, 1/3, cho biết Hoa Kỳ và 30 quốc gia đã đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược để ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, khi giá dầu tăng lên mức cao nhất trong bảy năm.

Động thái này, trước khi tổng thống Joe Biden phát biểu trước Quốc hội Mỹ, đã không thể xoa dịu lo ngại về gián đoạn nguồn cung từ cuộc khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt chống Nga. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh ngay cả sau khi có thông tin trên.

Giá dầu tăng sau thông báo này, trong đó dầu thô của Mỹ chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2014.

Dầu thô kỳ hạn WTI tăng 11.3% lên $106.50/thùng trước khi giảm trở lại còn $105. Dầu thô Brent chuẩn quốc tế tăng 9.5% lên $107 - mức cao nhất kể từ tháng 7/2014 - trước khi giảm xuống $103.

Giá tăng đánh dấu sự trở lại của việc giá dầu vượt mốc $100 từ thứ Năm tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine. Một số nhà phân tích lo ngại giá dầu có thể lên tới $150 trong những tháng tới.

Tổng thống Biden đã nhiều lần tìm cách chuẩn bị cho người tiêu dùng Mỹ khi giá xăng cao hơn. “Tôi sẽ không giả vờ rằng điều này sẽ không gây ảnh hưởng gì,” ông nói hôm thứ Ba, và cho biết thêm chính quyền của ông đã “chuẩn bị triển khai tất cả các công cụ và quyền hạn để hỗ trợ tại trạm xăng.”

OPEC và các đồng minh sản xuất dầu, trong đó có Nga, sẽ gặp nhau trong tuần này để thảo luận về sản lượng cho tháng Tư.

Morgan Stanley đã nâng dự báo giá dầu trong ngắn hạn, cho biết các sự kiện ở Ukraine đã đưa ra “phần bù rủi ro trong giá dầu có khả năng kéo dài trong những tháng tới.”

Ngân hàng hiện dự kiến dầu Brent đạt trung bình $110 trong quý hai, tăng so với dự báo $100 trước đó. Theo kịch bản lạc quan nhất, giá sẽ tăng lên $125. “Trong bối cảnh thị trường thắt chặt, ngay cả những gián đoạn nhỏ cũng có thể có tác động lớn đến giá.”

Quyết định phối hợp - nỗ lực thứ tư trong lịch sử của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - nhằm giải phóng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ toàn cầu khó có thể tác động ngay đến giá dầu.

Dự trữ chiến lược của Hoa Kỳ được giữ trong các hang động ở Texas, và các nhà máy lọc dầu không thể tiếp cận nguồn này ngay lập tức. Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm cho biết Hoa Kỳ, đã giải phóng 30 triệu thùng dầu, “chuẩn bị thực hiện các biện pháp bổ sung nếu các điều kiện đảm bảo.”

“Tình hình thị trường năng lượng rất nghiêm trọng và đòi hỏi sự chú tâm hoàn toàn của chúng ta. An ninh năng lượng toàn cầu đang bị đe dọa, khiến nền kinh tế thế giới gặp rủi ro trong giai đoạn phục hồi mong manh,” theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol.

Theo IEA, việc giải phóng 60 triệu thùng dầu chiếm 4% trong kho dự trữ khẩn cấp 1.5 tỷ thùng của các thành viên, tương đương với khoảng sáu ngày sản xuất của Nga và khoảng 12 ngày xuất khẩu của Nga.

“60 triệu thùng không phải là nhiều,” theo Bob Yawger, giám đốc bộ phận hợp đồng tương lai tại Mizuho Securities USA. Ông lưu ý 60 triệu thùng không thật sự thay đổi được cán cân và không đủ để bù cho nguồn cung bị mất từ Nga.

Tuy nhiên, Rebecca Babin, nhà kinh doanh năng lượng cấp cao tại CIBC Private Wealth, cho rằng động thái này có thể mang đến một “vùng đệm khiêm tốn trong ngắn hạn.”

“Điều này không phải là vô nghĩa, nó chỉ khá mờ nhạt khi so với gián đoạn nguồn cung thực sự từ Nga,” bà Babin nói thêm.

Các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ và châu Âu đối với Nga miễn trừ năng lượng, khi khoảng 1/3 lượng dầu và khí đốt nhập khẩu của châu Âu nói chung phụ thuộc hoàn toàn vào Nga.

Nhưng một thỏa thuận gần đây giữa Moscow và Bắc Kinh nhằm cung cấp khí đốt dư thừa của Nga cho Trung Quốc cho thấy có cách né tránh nếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây mở rộng sang lĩnh vực năng lượng.

Ngày 2/2, Nga và Trung Quốc đã đồng ý một hợp đồng 30 năm cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua một đường ống mới và sẽ thanh toán việc bán khí đốt mới bằng đồng euro. Thỏa thuận, giữa Gazprom và tập đoàn năng lượng nhà nước Trung Quốc CNPC, là 10 tỷ metre khối khí đốt mỗi năm.

Theo các thỏa thuận trước đó, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 bcm khí đốt bằng đường ống đến năm 2025. Nhưng thỏa thuận mới, được ký trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, làm tăng thêm cam kết.

Năm ngoái, Nga đã xuất khẩu 16.5 bcm khí đốt sang Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia, bắt đầu bơm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) năm 2019. Một đường ống mới kết nối khu vực Viễn Đông của Nga với Đông Bắc Trung Quốc sẽ bắt đầu được truyền tải sau hai đến ba năm.

Trong trường hợp phương Tây áp lệnh trừng phạt đối với dầu Nga, các công ty Trung Quốc được cho là sẽ tận dụng lợi thế từ việc giảm giá dầu của Nga. Nga hiện là nhà cung cấp dầu thô đường biển lớn thứ ba của Trung Quốc sau Saudi Arabia và Iraq, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Trong tháng Một, nhập khẩu trung bình đạt 811.000 thùng/ngày.

Ukraine đã kêu gọi ngừng bán mua dầu và khí đốt, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba kêu gọi một lệnh cấm vận. Hôm thứ Hai, BP cho biết họ sẽ bán cổ phần của mình trong Rosneft PJSC và Shell sẽ từ bỏ một dự án khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích năng lượng, Trung Quốc không lạ gì trong việc nghĩ ra cách tránh né các lệnh trừng phạt của phương Tây, bao gồm cả việc mua dầu giá rẻ từ các chế độ bị Mỹ trừng phạt ở Iran và Venezuela.

“Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục mua dầu thô của Nga cho cả nhu cầu hoạt động và dự trữ,” theo Michal Meidan, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford.

“Ngay cả khi bị trừng phạt, họ có thể thanh toán dầu bằng đồng nhân dân tệ hoặc đồng rouble, như chúng ta đã thấy với Iran và Venezuela, một số người mua không có mối quan hệ quốc tế có thể né tránh các biện pháp trừng phạt.

Khánh Lâm lược dịch
Theo The Guardian

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1