Thị trường Thứ tư, 29/09/2021, 11:28 GMT+7
Niềm tin người tiêu dùng Mỹ chạm mức thấp nhất trong bảy tháng; thâm hụt thương mại hàng hóa mở rộng

Niềm tin người tiêu dùng Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tháng vào tháng Chín khi các ca nhiễm COVID-19 không ngừng tăng làm sâu sắc thêm những quan ngại về triển vọng trong ngắn hạn của nền kinh tế, phù hợp với dự kiến tăng trưởng chậm lại trong quý thứ ba.

s29 usconsumer

Cuộc khảo sát từ Conference Board hôm thứ Ba, 28/9, cho thấy người tiêu dùng ít quan tâm đến việc mua nhà và các mặt hàng đắc tiền như xe có động cơ và các thiết bị gia dụng lớn trong sáu tháng tới. Người tiêu dùng cũng không lạc quan về thị trường lao động như trong tháng trước.

Hoạt động kinh tế đã hạ nhiệt trong những tháng gần đây khi tác động từ khoản tiền cứu trợ đại dịch nhạt dần và các ca nhiễm bùng phát do biến thể rất dễ lây lan của virus corona.

“Nhưng dù làn sóng đó dường như đang gia tăng, hy vọng niềm tin đã chạm đáy. Giả sử các dự đoán về tác động của biến thể Delta là đúng, mức lùi này có thể là đáy ba tháng trong đợt phục hồi,” theo Robert Frick, nhà kinh tế doanh nghiệp tại Navy Federal Credit Union ở Vienna, Virginia.

Conference Board cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng của họ đã giảm xuống 109.3 trong tháng này so với 115.2 trong tháng Tám. Lần giảm thứ ba liên tiếp hàng tháng đã đẩy chỉ số này xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai.

Chỉ số này, tập trung nhiều hơn vào thị trường lao động, đã giảm 19.6 điểm so với mức đỉnh 128.9 trong tháng Sáu. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự báo chỉ số này sẽ tăng lên 114.5.

“Những sụt giảm liên tiếp này cho thấy người tiêu dùng đã trở nên thận trọng hơn và có khả năng cắt giảm chi tiêu trong tương lai,” theo Lynn Franco, Giám đốc cấp cao về các chỉ số kinh tế tại Conference Board ở Washington.

Kỳ vọng lạm phát người tiêu dùng trong 12 tháng tới đã giảm xuống 6.5% so với 6.7% của tháng trước. Cục Dự trữ Liên bang tuần trước dự đoán chỉ số lạm phát quan trọng của mình ở mức 3.7% trong năm nay, tăng so với mức trung bình 3.0% ngân hàng trung ương Hoa Kỳ dự kiến hồi tháng Sáu. Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ có mục tiêu lạm phát 2% linh hoạt.

Chỉ số sự khác biệt trên thị trường lao động của Conference Board, từ dữ liệu về quan điểm của những người được hỏi đối với việc liệu việc làm đang có nhiều hay khó kiếm, đã giảm xuống 42.5 trong tháng này so với 44.4 trong tháng Tám.

Chỉ số này tương quan chặt chẽ với tỷ lệ thất nghiệp trong báo cáo việc làm được theo dõi chặt của Bộ Lao động Hoa Kỳ. Báo cáo việc làm của tháng Chín sẽ có vào thứ Sáu tới.

Giá nhà tăng vọt

Trong tháng này, ít hộ gia đình Mỹ có ý định mua các mặt hàng dài hạn như xe có động cơ và thiết bị gia dụng như máy giặt và máy sấy quần áo. Điều này củng cố dự kiến chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh trong quý và cuối cùng sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Các ước tính tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trong quý ba hầu hết đều dưới 5% hàng năm. Kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng với tốc độ 6.6% trong quý hai.

Dự kiến tăng trưởng GDP chậm hơn được củng cố bởi một báo cáo riêng từ Bộ Thương mại hôm thứ Ba, cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa tăng 0.9% lên 87.6 tỷ USD trong tháng Tám do các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều sản phẩm hơn để bổ sung hàng tồn kho. Thương mại đã ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP trong bốn quý liên tiếp.

Nhập khẩu hàng hóa tăng 0.8% lên 236.6 tỷ USD, do hàng tiêu dùng và vật tư công nghiệp tăng. Nhưng nhập khẩu lương thực, tư liệu sản xuất và xe có động cơ giảm. Nhập khẩu xe có động cơ có thể bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu bán dẫn trên toàn cầu đang ảnh hưởng đến sản xuất.

Nhập khẩu tăng lấn át khoản tăng trong xuất khẩu hàng hóa, tăng 0.7% lên 149.0 tỷ USD, được hỗ trợ bởi vật tư công nghiệp và hàng tiêu dùng. Nhưng Hoa Kỳ ghi nhận xuất khẩu tư liệu sản xuất, xe có động cơ và các sản phẩm thực phẩm đi xuống. Xuất khẩu đang tăng khi các nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi sau đại dịch.

Một phần lượng hàng nhập khẩu tăng được chuyển đến kho của các nhà bán buôn và bán lẻ. Tồn kho bán buôn tăng 1.2% trong tháng trước sau khi tăng 0.6% trong tháng Bảy. Tồn kho tại các nhà bán lẻ tăng 0.1% sau khi tăng 0.4% trong tháng Bảy. Tồn kho bán lẻ không tăng nhiều do tồn kho các loại xe có động cơ giảm 1.5%. Khoản giảm này, sau khi tăng 0.2% trong tháng Bảy, phản ánh tình trạng thiếu hụt liên quan đến sự khan hiếm microchip.

Tồn kho bán lẻ không bao gồm ô tô, được tính vào GDP, tăng 0.6% sau khi tăng 0.5% trong tháng trước. Hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm mạnh trong nửa đầu năm. Mức tăng của tháng trước sẽ làm dịu tác động lên tăng trưởng GDP do thâm hụt thương mại hàng hóa ngày càng mở rộng.

Tin tức về thị trường nhà ở không khả quan cho lắm. Khảo sát của Conference Board cho thấy người tiêu dùng sẽ ít nhiệt tình mua nhà hơn trong sáu tháng tới do giá nhà cao hơn. Điều này đang đẩy việc sở hữu nhà ra khỏi tầm tay của nhiều người.

Một báo cáo thứ ba vào thứ Ba cho thấy chỉ số giá nhà quốc gia S&P CoreLogic Case-Shiller tăng kỷ lục 19.7% trong tháng Bảy so với một năm trước sau khi tăng 18.7% trong tháng Sáu.

Lạm phát giá nhà liên tục được chứng thực bởi một báo cáo thứ tư từ Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang (FHFA), cho thấy giá nhà đã tăng kỷ lục 19.2% trong 12 tháng tính đến tháng Bảy, sau khi tăng 18.9% trong tháng Sáu.

Trường Sơn lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1