Thị trường Thứ năm, 16/09/2021, 09:36 GMT+7
Phong tỏa vì Covid ở Việt Nam có thể khiến giá cà phê "tương đối cao" trong cả năm 2022

Phong tỏa vì Covid-19 ở Việt Nam làm hạn chế nguồn cung cà phê toàn cầu - và giá cà phê có thể vẫn “tương đối cao” trong cả năm 2022, theo Fitch Solutions.

s16 coffee1

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và đang phải chống chọi với đợt bùng phát Covid tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Và trung tâm xuất khẩu, Thành phố Hồ Chí Minh, phải phong tỏa ảnh hưởng đến các lô hàng cà phê và những hàng hóa khác xuất ra nước ngoài.

Trong tháng Tám, xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm 8.7% so với tháng Bảy xuống còn 111,697 tấn, Reuters đưa tin, trích dữ liệu hải quan. Hãng tin cho biết từ tháng Một đến tháng Tám, Việt Nam xuất khẩu 1.1 triệu tấn cà phê - thấp hơn 6.4% so với một năm trước, nhưng doanh thu xuất khẩu cà phê tăng 2% lên khoảng 2 tỷ USD.

Xuất khẩu của Việt Nam đi xuống và sản lượng của các nhà sản xuất hàng đầu khác sụt giảm thúc đẩy giá cà phê toàn cầu. Theo dữ liệu của Refinitiv, giá cà phê arabica giao sau đã tăng khoảng 45.8% trong năm nay, trong khi cà phê robusta giao sau tăng 52.2%.

Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, đã trải qua những đợt băng giá và hạn hán khiến mùa màng thất bát. Thời tiết xấu cũng ảnh hưởng đến thu hoạch của Colombia và sự xuất hiện của biến thể virus corona “mu” ở nước này có thể kéo dài các hạn chế và tình trạng thiếu lao động, khiến sản xuất tồi tệ hơn, theo một báo cáo của Fitch Solutions vào tuần trước.

“Đồng thời, chúng tôi cho rằng nhu cầu, ít nhất là ở châu Âu và Mỹ, sẽ tăng trong những tháng tới khi các hạn chế vì Covid-19 được dỡ bỏ, cho phép các quán cà phê mở cửa lại.”

Hãng tư vấn đã nâng dự báo giá năm 2021 đối với cà phê arabica trung bình từ $1.35/pound lên $1.60/pound. Họ cũng điều chỉnh tăng dự báo cho năm 2022 từ $1.25/pound lên $1.50/ pound.

Tình hình Covid ở Việt Nam

Việt Nam - quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc - năm ngoái chỉ ghi nhận 1,465 ca nhiễm Covid và 35 trường hợp tử vong, theo số liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp. Nhưng số ca nhiễm bệnh của Việt Nam đã lên hơn 635,000 ca vào thứ Ba, 15/9, với hơn 15,900 ca tử vong.

Giống như nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, Việt Nam đang phải vật lộn để ngăn chặn biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Chỉ 5.7% dân số Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ, theo thống kê chính thức do Our World in Data tổng hợp.

Các nhà chức trách hôm thứ Hai đã thông báo kéo dài thêm hai tuần các hạn chế tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh doanh của Việt Nam và tâm chấn của ổ dịch Covid.

Việt Nam có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Hạn chế đi lại và đóng cửa nhà máy để chống Covid đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của đất nước – tác động đến nguồn cung hàng hóa toàn cầu từ cà phê đến quần áo và chất bán dẫn.

Các hãng sản xuất trang phục thể thao lớn Nike, Under Armour và Lululemon; cũng như hãng sản xuất chip Samsung Electronics nằm trong số những các công ty toàn cầu phải đối mặt với các gián đoạn tại Việt Nam.

Triển vọng cho cà phê

Theo Fitch Solutions, các hạn chế vì Covid có thể sớm được dỡ bỏ dần, do đó, sự gián đoạn đối với xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể sẽ không kéo dài.

Ngoài ra, sản lượng cà phê của Brazil cũng sẽ phục hồi “khá nhanh” nếu điều kiện thời tiết bất lợi không trở lại.

Điều đó có nghĩa nguồn cung cà phê toàn cầu có thể bắt đầu phục hồi trong niên vụ 2022/2023, với giá cà phê arabica trung bình hàng năm giảm xuống còn $1.20/pound trong năm 2023, Fitch Solutions dự đoán.

Fitch Solutions cho biết: “Các chương trình hỗ trợ của chính phủ sẽ hỗ trợ sản xuất cho nhiều quốc gia sản xuất châu Á và Mỹ Latin chủ chốt, trong đó có Colombia và Việt Nam”.

“Đồng thời, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ dường như đang đạt đỉnh tại nhiều thị trường tiêu dùng chính lớn, như EU-27 và Nhật Bản.”

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1