Thị trường Thứ sáu, 28/01/2022, 09:44 GMT+7
Khủng hoảng năng lượng: Khí đốt của châu Âu có thể đến từ đâu nếu Nga ngừng xuất khẩu?

Mối đe dọa chiến tranh với Ukraine đã dẫn đến lo ngại thiếu khí đốt ở châu Âu, nhưng vẫn có nguồn cung thay thế

j28 eu 

Căng thẳng gia tăng ở biên giới Nga-Ukraine làm dấy lên lo ngại cuộc khủng hoảng cung cấp khí đốt của châu Âu có thể trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Giá gas thị trường đã vượt mức cao kỷ lục và đe dọa các hộ gia đình châu Âu với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu, trong đó một phần ba chảy qua các đường ống dẫn khí đốt của Ukraine đến các quốc gia trên khắp lục địa. Dòng chảy khí đốt của Nga đã thấp hơn một phần tư so với thông thường trong năm qua, nhưng các lãnh đạo châu Âu hiện lo ngại việc Nga tiến vào Ukraine có thể gây ra thảm họa năng lượng nếu nguồn xuất khẩu khí đốt bị cắt giảm.

Các quan chức Nhà Trắng trong tuần này cho biết chính quyền Biden đang chuẩn bị hoàn tất một thỏa thuận để "đảm bảo châu Âu có thể vượt qua mùa đông và mùa xuân" bằng cách môi giới một thỏa thuận để các nước sản xuất khí đốt lớn đưa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng tàu chở dầu đến Châu Âu. Đây không phải là kế hoạch không có thách thức.

Nhưng các cuộc đàm phán có thể sẽ tập trung vào Qatar, một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai sau Australia. Qatar là một đồng minh phương Tây mạnh mẽ ở Trung Đông và đã cung cấp LNG cho Vương quốc Anh và các nước châu Âu khác trong nhiều năm, vận chuyển khí siêu lạnh bằng tàu chở dầu. Libya cũng có thể trợ giúp nhờ sản lượng khí đốt mạnh và ở gần châu Âu.

Bản thân Hoa Kỳ cũng có thể đóng một vai trò trực tiếp trong tăng cường nguồn cung khí đốt của châu Âu. Một số lượng kỷ lục các lô hàng LNG đã rời Mỹ đến các cảng châu Âu trong tháng trước và Mỹ có động cơ lâu dài mạnh mẽ để khuyến khích châu Âu từ bỏ sự phụ thuộc vào Nga - và dự án đường ống Nord Stream 2 - ủng hộ trữ lượng khí đá phiến riêng của chính họ.

Châu Âu cần bao nhiêu khí đốt khẩn cấp?

Quy mô của thách thức cung cấp khí đốt cho châu Âu sẽ phụ thuộc vào mức độ leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Nga ước tính đưa khoảng 230 triệu mét khối khí đốt sang châu Âu mỗi ngày, trong đó khoảng một phần ba đi về phía tây qua Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường đang phân vân liệu Nga có khả năng làm gián đoạn toàn bộ hoạt động xuất khẩu khí đốt sang châu Âu hay chỉ những nước phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt của Ukraine. Những người khác hoài nghi liệu Điện Kremlin có thắt chặt các vòi khí đốt của Nga hay không.

“Nếu Nga vũ khí hóa hoạt động xuất khẩu năng lượng của mình họ sẽ ngừng xuất khẩu bao nhiêu năng lượng? Thật khó để lập kịch bản cho điều này,” theo Helima Croft, người đứng đầu toàn cầu bộ phận hàng hóa tại RBC Capital. Nhưng câu hỏi đặt ra không phải là liệu Mỹ có thể tạo khó khăn cho nguồn cung khí đốt của Nga hay không mà là liệu nước này có thể cung cấp khí đốt để giúp giảm thiểu bất kỳ sự gián đoạn nào hay không, bà nói.

Có đủ khí đốt dự phòng để lấp đầy khoảng trống không?

Theo nhà phân tích Xi Nan từ Rystad Energy, cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt toàn cầu xuất hiện khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đợt suy thoái vì Covid-19, đồng nghĩa với việc có rất ít khí dự phòng để sử dụng.

Hoa Kỳ cho biết họ có các cuộc đối thoại “thực sự rộng rãi, với rất nhiều công ty và quốc gia trên thế giới” nên không cần “yêu cầu bất kỳ một công ty hoặc quốc gia đơn lẻ nào tăng cường xuất khẩu với khối lượng đáng kể, mà thay vào đó là khối lượng nhỏ hơn từ rất nhiều nguồn.”

“Câu hỏi đặt ra là liệu Hoa Kỳ có thể tìm ra bất kỳ điểm nới lỏng nào trong hệ thống không.”

Qatar hiện sản xuất 77 triệu tấn/năm (Mtpa) LNG, nhưng đã ký hợp đồng khoảng 97 triệu tấn/năm với những người mua ở Châu Á, Châu Âu, Kuwait và những công ty năng lượng lớn có thể chọn nơi họ gửi hàng tới. Mỹ cũng đã cam kết sản xuất 80 triệu tấn LNG cho các khách hàng ở Châu Á, Châu Âu và các “bên đầu tư danh mục.”

Nhưng có khả năng một số hàng hóa theo hợp đồng dành cho châu Á có thể được chuyển hướng sang châu Âu do nhiệt độ mùa đông ôn hòa trong khu vực làm giảm nhu cầu khí đốt.

Croft nói thêm cần có các cuộc thảo luận “tế nhị” giữa các nhà sản xuất khí đốt lớn và các khách hàng châu Á để đàm phán về tính linh hoạt trong việc cung cấp khí đốt.

Có bất cứ điều gì như thế này đã được thực hiện trước đây?

Có rất nhiều ví dụ về các biện pháp cung cấp khẩn cấp trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, nhưng không phải đối với khí đốt.

Trong cuộc nội chiến ở Libya, Saudi Arabia đã đồng ý tăng xuất khẩu dầu ra thị trường toàn cầu để bù cho sự thiếu hụt dầu thô của Libya, đã khiến giá dầu tăng lên $120/thùng. Gần đây hơn, Saudi Arabia làm trung gian cho một thỏa thuận với các thành viên của tập đoàn dầu mỏ Opec và các đồng minh nhằm cắt giảm sản lượng dầu chưa từng có trong thời kỳ đại dịch Covid-19 để tránh giá dầu giảm xuống zero.

Thị trường khí đốt không có sự hợp tác toàn cầu tương tự, khiến việc ứng phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung toàn cầu khó khăn hơn.

“Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman xem mình là ngân hàng trung ương về dầu mỏ. Không có điều tương tự trong thị trường khí đốt,” bà Croft nói. "Ngay cả khi Qatar muốn giúp họ cũng không có sẳn mặt hàng béo bở mà người Ả Rập có thể tiếp cận thông qua trữ lượng dầu của họ."

Có lẽ thời kỳ bất thường sẽ cần đến những biện pháp bất thường.

Khánh Lâm lược dịch
Theo The Guardian

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1