Thị trường Thứ năm, 29/07/2021, 10:08 GMT+7
Giá vận chuyển có thể cao hơn nhưng vẫn “chưa siêu cao”

Theo một nhà phân tích, giá vận chuyển có thể đang tăng, nhưng vẫn chưa quá mức.

jl29 shipping

Giá vận chuyển hàng rời tăng mạnh trong năm nay khi kinh tế toàn cầu và nhu cầu hàng hóa phục hồi, nhưng một số nhà quan sát thị trường cho rằng ngành này có thể chưa tiến tới một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ kéo dài.

“Đây có phải là siêu chu kỳ không? Theo tôi là chưa, nhưng nó có tiềm năng trở thành một siêu chu kỳ,” theo Mark Williams, giám đốc điều hành Shipping Strategy, một công ty tư vấn hàng hải.

Siêu chu kỳ là khoảng thời gian giá liên tục cao và ngày càng tăng, thường được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh và nguồn cung thấp. 

Ông cho biết giá đối với tàu capesize - loại tàu lớn nhất chuyên chở hàng khô và nguyên liệu thô như ngũ cốc, quặng sắt và than - vào khoảng các mức giữa năm 2019. Theo Reuters cho biết hôm thứ Ba, thu nhập trung bình hàng ngày của các tàu capesize là $31,880 - tăng hơn 10 lần so với khoảng $3,000 tháng Hai năm ngoái.

Chỉ số Hàng khô Baltic, theo dõi giá tàu chở hàng khô rời, đã tăng khoảng 74% từ đầu năm đến ngày 3/7.

“Điều này tốt - nhưng thực sự, nó vẫn chưa quá cao”, ông nói trong một thảo luận tại Diễn đàn các Chủ tàu Singapore 2021 của TradeWinds vào đầu tháng này.

Phó chủ tịch hàng hải và chuỗi cung ứng xuất sắc của công ty khai thác mỏ khổng lồ BHP cũng đồng tình.

“Chúng tôi nhận thấy giá đang ở các mức cao nhất trong nhiều năm, nhưng chúng tôi cho rằng chúng sẽ không đạt đến đỉnh chu kỳ tăng từng có trước đây,” ông Rashpal Bhatti nói.

Lần bùng nổ vận tải biển lớn cuối cùng kết thúc vào năm 2008 do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các nhà phân tích đang cảnh giác với một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá, nhưng nhận thấy giá cước vận tải sẽ cao, ít nhất là trong nửa cuối năm 2021 và có thể xa hơn nữa.

Điều gì đang đẩy giá tăng?

Một số yếu tố đã thúc đẩy giá cước vận tải, trong đó bùng nổ hàng hóa thúc đẩy nhu cầu vận tải và kinh tế phục hồi khi các khu vực trên thế giới vực dậy sau đại dịch.

Nhưng chính sách của chính phủ và kinh tế vĩ mô là cốt lõi trong các thị trường “rất mạnh”, ông Williams nói.

Các nhà chức trách đang bơm tiền mặt vào hệ thống thông qua các biện pháp kích thích - và đó là “đòn bẩy quan trọng” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông nói.

“Tăng trưởng GDP siêu tốc đang thúc đẩy nhu cầu hàng hóa và đó là cơ sở cho các thị trường mạnh mẽ chúng ta đang tận hưởng ngày nay,” theo ông Williams.

James Marshall, Giám đốc điều hành và là người sáng lập công ty vận tải biển Berge Bulk, cho biết ông dự kiến sẽ có thêm nguồn cung quặng sắt từ Brazil và nhu cầu than mạnh hơn từ Trung Quốc trong nửa cuối năm. Điều đó sẽ “rất khả quan” đối với giá cước vận tải.

Ông nói thêm, tình trạng kém hiệu quả và tắc nghẽn cảng cũng có thể góp phần làm tăng chi phí vận chuyển.

“Tàu của chúng tôi vẫn bị kẹt vì các biện pháp cách ly nghiêm ngặt do Covid,” ông nói trong Diễn đàn Chủ tàu, một phần của Tuần lễ Sắt thép Quốc tế Singapore.

“Tình trạng tắc nghẽn đang xấu đi vì biến thể delta và thêm nhiều vấn đề hơn với các ca nhiễm Covid. Điều này có thể dẫn đến "thị trường thắt chặt đáng kể trong nửa cuối năm", ông nói thêm.

Điều gì sẽ giữ cho giá vận chuyển hàng hóa tăng mạnh

Quy mô đội tàu sẽ không tăng đáng kể trong vài năm tới vì các chủ tàu không quá vội vàng đặt đóng tàu chở hàng rời mới, ông Williams nói.

Kềm chế khi không đặt tàu mới và loại bỏ một số tàu cũ hơn cũng sẽ giúp giữ giá cao hơn, ông nói thêm.

“Sẽ khó thấy đội tàu phát triển nhanh trong vài năm tới. Và kềm chế bên cung đó có thể biến điều tôi gọi là ‘trùm của tất cả các sự phục hồi' thành siêu chu kỳ," ông nói.

Ngoài ra, năng lực đóng tàu cũng đang thiếu khi nói đến các tàu chở hàng rời, dự đoán tốc độ tăng trưởng đội tàu không quá 3% trong ba năm tới.

“Nếu nhu cầu tăng trưởng vượt trên tốc độ tăng trưởng đội tàu trong bất kỳ năm nào trong ba năm đó, giá thị trường vận chuyển hàng hóa sẽ ổn định,” ông nói.

Williams cho biết ông dự kiến một "thị trường thực sự vững chắc" trong năm 2022 và nhận thấy "cơ hội rất lớn" để điều này tiếp tục đến năm 2023. Tuy nhiên, ông nhắc lại lập trường của mình rằng ngành vẫn chưa ở trong một siêu chu kỳ.

 “Những gì chúng ta đang gặp phải là tình hình kinh tế toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch và thị trường vận chuyển hàng hóa đang được thúc đẩy do xây dựng bùng nổ, một phản ứng chính sách của chính phủ trước đại dịch.”

Các rủi ro: lạm phát và lãi suất tăng

Theo ông Williams, chính sách của chính phủ có thể dễ dàng ngăn chi phí tăng thêm.

Nếu các điều kiện kinh tế vĩ mô vẫn mạnh trong năm 2023, thế giới có thể ở vào một "vị thế nguy hiểm" khi nói đến lạm phát.

Ông nói: “Tại thời điểm đó, chúng ta sẽ thấy các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, điều này chắc chắn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, và sau đó chu kỳ kinh doanh này sẽ đảo lộn… và nó sẽ kéo theo chu kỳ vận chuyển.”

Về phía nguồn cung, Bhatti từ BHP cho biết tình hình đại dịch đang cải thiện có thể kiềm chế giá tăng.

Khi các hạn chế vì Covid được nới lỏng, ùn tắc tại các cảng sẽ giảm và giải phóng năng lực vận chuyển.

“Năng lực vận tải trở lại thị trường, tất nhiên sẽ làm giảm một số… khoản tăng giá đột biến chúng ta đã thấy,” ông nói.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1