Thị trường Thứ tư, 11/08/2021, 10:16 GMT+7
OECD: Phục hồi kinh tế sau Covid 'đang hết đà'

Dữ liệu thu thập từ 38 quốc gia thành viên cho thấy Vương quốc Anh cùng một số nền kinh tế lớn hiện đang đi chậm lại

ag11 oecd

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đà phục hồi nhanh chóng tại các nền kinh tế lớn trên thế giới sau khi nới lỏng các hạn chế của Covid bắt đầu hụt hơi trong tháng qua do virus bùng phát trở lại làm suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng.

OECD cho biết, có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi ở Mỹ và Nhật Bản đang mất đà, trong khi các khu vực ở châu Âu và Trung Quốc đã chậm lại do người tiêu dùng vẫn e ngại khi đi ăn ngoài, đến các điểm tham quan và mua sắm như trước đại dịch.

Tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết dữ liệu do 38 quốc gia thành viên cung cấp cho thấy hầu hết các nền kinh tế lớn đã vượt đỉnh tăng trưởng năm 2021 và dù vẫn tiếp tục tăng trưởng, tốc độ đã chậm hơn.

OECD cho biết Anh, Pháp và Đức là một vài trong số những quốc gia bắt đầu chứng kiến các ngành công nghiệp trong nước chao đảo và giao thương với phần còn lại của thế giới bị tụt dốc, OECD cho biết những nước này đã cùng với Brazil và Nga đi vào con đường tăng trưởng chậm chạp.

Các nhà kinh tế tại OECD cho rằng có nhiều khả năng phục hồi sẽ có xu hướng lên xuống bởi “bất chấp việc dỡ bỏ dần các biện pháp ngăn chặn Covid-19 ở một số quốc gia và tiến bộ trong các chiến dịch tiêm chủng, bất ổn kéo dài có thể khiến các chỉ số tổng hợp dẫn đầu và các thành phần của chúng biến động cao hơn bình thường.”

Những chỉ số này bao gồm một loạt các khảo sát doanh nghiệp và người tiêu dùng, dữ liệu bán lẻ, tăng trưởng tiền lương và thương mại quốc tế cùng với số liệu về việc làm và sản lượng của các ngành sản xuất, dịch vụ và xây dựng.

Số việc làm được tạo ra ở Mỹ phục hồi vào tuần trước đã tạo ra lực nâng tạm thời cho các thị trường chứng khoán vốn đang ngày càng lo ngại các chính phủ sẽ phải áp dụng lại các hạn chế để ngăn virus lây lan.

Sau khi đạt $77/thùng, giá dầu thô Brent đã giảm trở lại dưới $70 trước những lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã có một bước lùi.

Theo Shilan Shah, một nhà kinh tế cấp cao tại văn phòng Ấn Độ của Capital Economics, triển vọng kinh tế của nhiều thị trường mới nổi cũng rất u ám khi tốc độ lây lan của biến thể Delta đang tăng lên.

Trong một ghi chú nhấn mạnh đến “triển vọng tối tăm”, ông nói: “Kinh nghiệm từ những nơi khác cho thấy tác động kinh tế từ các làn sóng virus mới có xu hướng ít nghiêm trọng hơn năm ngoái.

“Nhưng vị thế tài chính yếu hơn và năng lực hạn chế của các hệ thống y tế để đối phó với các đợt bùng phát mới nghĩa là nhiều khu vực có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các thị trường mới nổi giàu có hơn hoặc các thị trường đang phát triển khác.”

Ethiopia, Ecuador, Kenya, Ghana và Sri Lanka được ông Shah nhấn mạnh đến các khoản nợ lớn và nhu cầu ngày càng gây áp lực nặng nề hệ thống y tế vào thời điểm du lịch và các ngành công nghiệp chủ chốt khác đang hoạt động dưới công suất.

Ông cho biết có khả năng ngành du lịch sẽ chậm quay lại mức trước đại dịch, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ở châu Á và châu Phi phụ thuộc vào du khách từ nước ngoài để tạo ra ngoại hối.

Ngoài ra, nhu cầu về nguyên liệu thô cơ bản từ Trung Quốc và các nước châu Á khác sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất kim loại từ Peru đến Zambia.

Guy Foster, chiến lược gia trưởng tại công ty quản lý tài sản Brewin Dolphin, cho biết triển vọng tăng trưởng chậm lại đồng nghĩa với việc lo ngại về lạm phát dường như giảm bớt.

“Giá dầu giảm là một động lực giảm phát chính ở Mỹ và sẽ khiến tốc độ tăng giá bền vững hơn trong khi chúng ta chờ đợi chuỗi cung ứng bắt đầu hoạt động trở lại.”

Ông cho biết có thể mất một thời gian để các tuyến cung ứng từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ lưu thông bình thường sau khi Bắc Kinh nâng khả năng Trung Quốc sẽ phải chịu các đợt phong tỏa trở lại. “Điều này có nghĩa là các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể trở nên tồi tệ hơn.”

Khánh Lâm lược dịch
Theo The Guardian

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1