Thị trường Thứ ba, 10/08/2021, 11:13 GMT+7
Giá khí đốt tự nhiên tăng khi nhu cầu do chuyển đổi năng lượng vượt xa nguồn cung

Kỷ nguyên khí đốt tự nhiên giá rẻ đã qua, nhường chỗ cho thời đại năng lượng đắt đỏ hơn nhiều sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa khắp nền kinh tế toàn cầu.

ag10 lng

Khí đốt tự nhiên, được dùng để sản xuất điện và sưởi ấm cho các ngôi nhà, từng rất dồi dào và rẻ trong hầu hết thập kỷ trước khi bùng nổ nguồn cung từ Mỹ đến Australia. Điều đó đã dừng lại trong năm nay khi nhu cầu vượt hẳn nguồn cung mới. Giá khí đốt của châu Âu đã đạt mức kỷ lục trong tuần này, trong khi lượng nhiên liệu hóa lỏng được giao đến châu Á gần mức cao nhất mọi thời đại vào thời điểm này trong năm.

Với ít lựa chọn khác hơn, thế giới dự kiến sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt sạch hơn để thay cho than đá nhằm giúp đạt được các mục tiêu xanh trong ngắn hạn. Nhưng khi các nhà sản xuất hạn chế đầu tư vào nguồn cung mới trong bối cảnh các nhà đầu tư và chính phủ kêu gọi quan tâm đến khí hậu, thì rõ ràng năng lượng sẽ còn đắt đỏ.

Đã có những dấu hiệu cho thấy nguồn cung sẽ thiếu hụt trên khắp thế giới:

• Ngoài việc mở rộng quy mô lớn ở Qatar, không có nhiều dự án xuất khẩu LNG mới được hoàn thành kể từ đầu năm 2020.

• Người tiêu dùng đầu cuối không mấy sẵn lòng nhận cổ phần trong các dự án thượng nguồn hoặc ký kết các hợp đồng cung cấp dài hạn do không chắc chắn xung quanh các nỗ lực giảm phát thải do chính phủ lãnh đạo.

• Các hãng khoan đá phiến của Hoa Kỳ không phản ứng ngay với việc bổ sung sản xuất, bởi họ đang chịu áp lực từ nhà đầu tư nhằm hạn chế chi tiêu và tránh tạo ra một đợt thừa cung khác, trong khi các dự án đường ống quan trọng gặp khó khăn để tiến về phía trước.

“Dù nhìn như thế nào, khí đốt sẽ là nhiên liệu chuyển đổi trong nhiều thập kỷ tới khi các nền kinh tế lớn cam kết đạt được mục tiêu phát thải carbon. Giá khí đốt có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong trung hạn và dài hạn," theo Chris Weafer, giám đốc điều hành của Macro-Advisory Ltd. có trụ sở tại Moscow.

Tiêu thụ mạnh

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đến năm 2024, nhu cầu được dự báo sẽ tăng 7% so với trước Covid-19. Xa hơn nữa, nhu cầu sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng dự kiến sẽ tăng 3.4% một năm cho đến năm 2035, vượt xa các nhiên liệu hóa thạch khác, theo phân tích của McKinsey & Co.

Giá khí đốt tự nhiên tăng cao nghĩa là các nhà máy điện hoặc sản xuất hóa dầu sẽ tốn kém hơn, xáo trộn mọi ngóc ngách của nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy những nỗi lo lạm phát. Đối với người tiêu dùng, điều này sẽ khiến hóa đơn điện năng và khí đốt hàng tháng cao hơn. Sẽ tốn nhiều tiền cho máy giặt, tắm nước nóng và nấu bữa tối.

Đây đặc biệt là tin xấu đối với các quốc gia nghèo hơn như Pakistan và Bangladesh, những nơi đã điều chỉnh toàn bộ chính sách năng lượng với tiền đề giá nhiên liệu sẽ thấp hơn trong thời gian dài.

Tỷ lệ khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng hơn 1,000% từ mức thấp kỷ lục vào tháng 5/2020 do đại dịch, trong khi tỷ lệ LNG của châu Á đã tăng khoảng sáu lần trong năm ngoái. Ngay cả ở Mỹ, nơi cuộc cách mạng đá phiến đã thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất nhiên liệu, giá đã tăng lên mức cao nhất tại thời điểm này trong năm trong một thập kỷ.

Dù có nhiều số yếu tố đẩy giá khí đốt cao hơn, như gián đoạn nguồn cung, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và các nhà máy xuất khẩu LNG mới tạm đình trệ, ngày càng có sự đồng thuận rằng thế giới đang phải đối mặt với sự thay đổi cơ cấu, được thúc đẩy bởi quá trình chuyển đổi năng lượng.

Một thập kỷ trước, IEA tuyên bố thế giới có thể đang bước vào “thời kỳ hoàng kim” của tăng trưởng nhu cầu khí đốt tự nhiên do nguồn cung giá rẻ tăng trưởng mạnh. Thật vậy, từ năm 2009 đến năm 2020, tiêu thụ khí đốt toàn cầu đã tăng 30% do các ngành dịch vụ tiện ích và công nghiệp tận dụng sản lượng bùng nổ.

Các quốc gia sử dụng khí đốt như một cách để nhanh chóng giảm lượng khí thải carbon. Theo James Taverner, một nhà phân tích tại IHS Markit, việc chuyển đổi sang khí đốt tự nhiên có thể được thực hiện tương đối nhanh chóng với lượng vốn triển khai hạn chế, đồng thời có tác động đáng kể đến việc giảm lượng khí thải. Khí đốt tự nhiên là nhiên liệu hóa thạch đốt sạch nhất và thải ra CO2 ít hơn gần 50% so với than đá. Trong khi đó, các lựa chọn thay thế không phải nhiên liệu hóa thạch như gió và mặt trời còn đang trong giai đoạn tương đối sớm trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Nhu cầu không có dấu hiệu chậm lại.

Các tiện ích ở châu Âu đang chuyển sang sử dụng khí đốt sạch hơn do giá carbon cao ngất trời, các chính phủ Nam và Đông Nam Á đang lên kế hoạch xây dựng hàng chục nhà máy đốt khí mới để đáp ứng nhu cầu điện lớn hơn, và Trung Quốc đang sẵn sàng phụ thuộc vào khí đốt hơn bao giờ hết khi họ tiến đến đỉnh điểm trong tiêu thụ than đá.

Ngay cả khi giá sẽ cao hơn trong thập kỷ tới, chúng sẽ không đủ cao để giảm mạnh nhu cầu về nhiên liệu. “Trong các nền kinh tế mới nổi, với hỗ trợ chính sách, nhu cầu sẽ không bị tổn hại,” theo Gavin Thompson, Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Wood Mackenzie Ltd.,

Thông thường, nhu cầu cao sẽ khuyến khích đầu tư đổ vào các cơ sở xuất khẩu mới. Nhưng một yếu tố lớn khiến giá khí đốt tăng cao là thiếu nguồn vốn mới để tăng nguồn cung. Tâm lý chống khí đốt ngày càng tăng và sự giám sát chặt chẽ phát thải khí methane bẩn đã làm đình trệ các dự án và buộc các chuyên gia năng lượng phải xem lại các kế hoạch. IEA, nơi từng dự báo khí đốt tự nhiên là nhiên liệu cầu nối cho một tương lai carbon thấp, đã khiến nhiều người chú ý vào đầu năm nay khi cho biết các khoản đầu tư vào các mỏ thượng nguồn mới cần phải dừng lại nếu thế giới muốn đạt mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Theo WoodMac’s Thompson, nếu không có đầu tư mới, tiêu thụ LNG ở châu Á - động lực cho tăng trưởng nhu cầu khí đốt trong tương lai - sẽ vượt xa nguồn cung 160 triệu tấn trong năm 2035. Để so sánh, châu Á đã nhập khoảng 250 triệu tấn LNG vào năm ngoái.

Mark Gyetvay, phó giám đốc điều hành của công ty xuất khẩu LNG của Nga Novatek PJSC, cảnh báo phong trào xanh có thể làm gián đoạn việc mang đến nguồn khí đốt đầy đủ và giá cả phải chăng cho người tiêu dùng.

“Việc thiếu vốn đầu tư vào các dự án khí đốt tự nhiên trong tương lai không đưa chúng ta đến quá trình chuyển đổi năng lượng, mà thay vào đó, đưa chúng ta đi xuống một con đường không thể tránh khỏi tiến tới một cuộc khủng hoảng năng lượng,” ông Gyetvay nói.

Trường Sơn lược dịch
Theo World Oil

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1