Sự kiện Thứ hai, 25/08/2014, 11:23 GMT+7
Dịch Ebola: Sợ còn chưa đủ!

Thuốc thử nghiệm và kiểm tra tại sân bay sẽ không làm được gì để ngăn chặn đại dịch này. Nếu Ebola tấn công Lagos, chúng ta sẽ thật sự gặp rắc rối.

ebola

Chú ý, người dân thế giới: Bạn không hiểu rồi!!!

Bạn nghĩ có những viên đạn thần kỳ trong những máy làm lạnh của một số nước giàu có sẽ ngay lập tức ngăn chặn virus Ebola đang lây lan ở Tây Phi? Bạn nghĩ các nhân viên an ninh sân bay ở Los Angeles có thể nhìn vào mắt của một người đi du lịch và thấy được người này bị nhiễm bệnh, ngăn chặn ngay hành khách này vào LA? Bạn tin vào mô tả của nhà văn Dan Brown về một Tổ chức Y tế Thế giới có máy bay vận tải quân sự C5-A và một đội SWAT chống dịch bệnh có thể đột kích vào những điểm nóng, giúp thế giới thoát khỏi bệnh dịch?

Hãy tỉnh táo lại. Những gì đang diễn ra ở Tây Phi không phải là kịch bản Hỏa ngục - Inferno của Brown – mà chính là bộ phim Bệnh dịch - Contagion của Steven Soderbergh dù không có lấy một chút công nghệ cao.

Ông John Cambell thuộc Hội đồng Các quan hệ đối ngoại, cựu đại sứ của Hoa Kỳ tại Nigeria đã cảnh báo sự lan rộng của virus bên trong Lagos – nơi có 22 triệu dân – sẽ ngay lập tức khiến cho tình hình trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu bởi sự hỗn loạn, quy mô, mật độ dân số, sự chuyển dịch không chỉ của thành phố này mà còn nhiều thành phố khác ở quốc gia rộng lớn, giàu dầu mỏ này. Thêm vào tình hình nội chiến của Nigeria, các cuộc bầu cử quốc gia, bọn khủng bố Boko Haram và cuộc đình công trên toàn quốc của các bác sỹ - tất cả đều có thật và đang diễn ra – bạn sẽ có một kịch bản căng thẳng và kinh sợ hơn nhiều so với những gì mà nhà biên kịch Scott Burns có trong kịch bản Bệnh dịch của mình.

Bên trong nước Mỹ, các chính khách, những kẻ nhiễu sự và đa phần phương tiện truyền thông tập trung vào các loại thuốc thử nghiệm và vaccine, cũng như các ý tưởng “chặn virus ở ngoài” bằng cách hạn chế du khách và “kiểm tra tại sân bay.”

Hãy làm rõ: Hoàn toàn chưa có thuốc thay vaccine này được chứng minh chống lại virus Ebola hiệu quả trên người. Cho đến nay, chỉ có một người – bác sỹ Kent Brantly – dường như đã hồi phục sau khi uống một trong ba loại thuốc được coi là có hiệu lực, và không có bằng chứng nào cho thấy thuốc là lý do chính giúp tình trạng ông này cải thiện. Không có vaccine tiềm năng nào từng vượt qua Giai đoạn một các thử nghiệm an toàn trên người, dù ít nhất có hai vaccine dự kiến sẽ đạt đến giai đoạn này trước tháng 12 năm nay. Và Giai đoạn một là phần nhanh nhất, dễ dàng nhất trong các thử nghiệm vaccine mới – hai giai đoạn của các thử nghiệm lâm sàng nhằm chứng minh vaccine thật sự hoạt động sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, để thực thi về mặt đạo đức và an toàn. Nếu một vaccine sẳn sàng để dùng ở châu Phi vào khoảng năm 2015, biện pháp này sẽ được thực hiện mà không có bằng chứng nào trước đó cho thấy nó có thể có hiệu quả, và công chúng cần phải đảm bảo hiểu được rằng những người dùng vaccine không được thay đổi hành vi của mình để không tiếp xúc với Ebola – bởi họ có thể hiểu lầm rằng mình miễn dịch với virus.

Chúng ta đang vật lộn lâu dài với căn bệnh chết người cực kỳ nguy hiểm này – căn bệnh đã giết chết hơn 50% các ca nhiễm được xét nghiệm và có thể hơn 70% những người bị nhiễm bệnh ở Liberia, Sierra Leone, và Guinea. Nigeria đang cố gắng để không có một đợt bùng phát Ebola thứ hai đến từ một trong những người đã bị nhiễm bệnh từ du khách người Liberia, Patrick Sawyer – hai trong số đó đã chết. Nỗ lực này đã mở rộng hơn khi các nhà chức trách y tế Nigeria thông báo một y tá chăm sóc Sawyer đã trốn khỏi khu vực cách ly và đi đến Enugu, một bang có dân số 3 triệu người (năm 2006). Dù y tá này không có các triệu chứng của bệnh dịch, nhưng thời gian ủ bệnh 21 ngày vẫn chưa hết.

Kể từ khi Ebola bắt đầu bùng phát trong tháng 3, đã có nhiều báo cáo về các trường hợp cách ly bệnh dịch trong những du khách đến những quốc gia khác. Cho đến nay, vẫn chưa phát sinh các điểm tập trung dịch bệnh mới trong đợt bùng phát thứ cấp. Lúc này, một trường hợp cách ly được cho là đã xuất hiện ở Johannesburg, thành phố lớn nhất của Nam Phi, và một ca nghi nhiễm được cho biết là đã chết khi cách ly tại Jeddah, Saudi Arabia, khiến cho vương quốc này phát ra những cảnh báo dịch Ebola đặc biệt khi mùa hành hương hajj về thánh địa Mecca sắp tới. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi một trong những trường hợp cách ly này phát tán, có thể ở một trung tâm đô thị hỗn độn lớn hơn nhiều so với bất kỳ thành phố nào nơi virus này đang lấy đi mạng sống: Conakry, Guinea; Monrovia, Liberia; và Freetown, Sierra Leone.

Chúng ta, cộng đồng toàn cầu phải hiểu và làm gì?

Trước tiên, chúng ta phải hiểu được quy mô nhu cầu tại ba nước đang chịu bệnh dịch Ebola. Trong khi con người có thể cầu mong những viên đạn thần kỳ, các nhân viên y tế không làm việc ở Hollywood, mà tại một trong những vùng nghèo khổ nhất trên Trái đất. Trước Ebola, những quốc gia này chi không tới $100 cho mỗi người trong chăm sóc sức khỏe, trong khi hầu hết người Mỹ chi còn hơn số đó mỗi năm chỉ cho thuốc aspirin và ibuprofen.

Chúng ta phải cùng lắng nghe lời kêu gọi và nỗi thống khổ từ những nhân viên y tế dũng cảm, những người đã chứng kiến virus Ebola lấy đi mạng sống của hơn 80 đồng nghiệp của mình kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Họ muốn gì?

Ngày 8/8, WHO tuyên bố “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu” đối với bệnh dịch Ebola. Trong tuyên bố của mình, tổ chức này lưu ý chính quyền các nước sở tại cần nhanh chóng hành động, nhưng xây dựng các khu hàng rào cách ly bệnh dịch, và cần phải điều động nguồn lực y tế toàn cầu. WHO liên tục cảnh báo bệnh dịch có thể kéo dài ít nhất trong sáu tháng, hoặc một năm. Giám đốc Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tiến sỹ Tom Frieden, đã đồng tình với dự báo ảm đạm này.

Phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ, ông Frieden nói, “Giống như chiến đấu với một trận cháy rừng: nếu để lại chỉ một đám than nhỏ, một trường hợp không bị phát hiện, và và bệnh dịch sẽ lại bùng lên. Để dập tắt đợt bùng phát này sẽ mất ít nhất 3 đến sáu tháng, trong một kịch bản tốt nhất, nhưng thực tế khác xa so với một kịch bản tốt nhất.”

Cũng tại cùng phiên điều trận, Tiến sỹ Frank Glover, một nhà truyền giáo y tế, hợp tác với SIM, một tổ chức truyền giáo và là chủ tịch của SHIELD, một tổ chức phi chính phủ tại châu Phi có trụ sở ở Hoa Kỳ, cảnh báo Liberia có không tới 200 bác sỹ vật lộn để đáp ứng với các nhu cầu y tế của 4 triệu người trước khi xảy ra bệnh dịch. “Sau khi bệnh dịch bùng phát, con số này giảm còn 50 người,” ông Glover cho biết.

Các bác sỹ tại những quốc gia này mô tả một sự sụp đổ hoàn toàn của tất cả những chăm sóc y tế không liên quan đến Ebola, từ những ca sinh không được đỡ đến những vết thương vì tai nạn xe cộ không được chăm sóc. Người ta không chỉ chết vì virus, mà còn vì bất kỳ một vấn đề y tế nào một hệ thống chăm sóc y tế thường gặp.

Phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ, Ken Isaacs, phó chủ tịch các chương trình quốc tế và quan hệ chính phủ tại Samaritan’s Purse, một tổ chức cứu trợ có hai thành viên hiện đang phải giành giật sự sống tại khu vực cách ly Ebola ở Atlanta, nói “Đã cần đến 2 người Mỹ mắc bệnh để cộng đồng quốc tế và Hoa Kỳ quan tâm nghiêm túc đến lần bùng phát lớn nhất trong lịch sử của bệnh dịch này. Việc thế giới cho phép 2 tổ chức cứu trợ cùng chia sẽ gánh nặng với các Bộ Y tế đang bị quá tải ở những nước này cho thấy bệnh dịch đã không được quan tâm đúng mức.”

Kết thúc bài phát biểu, ông Isaacs nói, dù những cơ chế phản ứng hiện tại, lần bùng phát Ebola này “là không thể kiềm chế và vượt ngoài tầm kiểm soát ở Tây Phi.”

Thậm chí nếu thế giới có chế tạo được một viên đạn virus và Ebola không thể lan tràn trong đô thị ở một nước khác (như Lagos, Johannesburg, Delhi, hay Sao Paulo), kiểm soát dịch bệnh và cứu người ở Liberia, Sierra Leone, và Guinea sẽ cần các nguồn lực ở mức độ không ai từng nghĩ đến. Đội ngũ y bác sỹ khủng hoảng trên tuyến đầu đang kêu gào trợ giúp.

Hãy bắt đầu với nguồn nhân lực cơ bản. Cả ba quốc gia đều khẩn thiết cần bác sỹ, y tế, chuyên gia y tế, tài xế xe cứu thương, các tình nguyện viên Chữ thập đỏ, các nhà nghiên cứu bệnh dịch và chuyên gia hậu cần y tế. Họ không cần những người làm việc thiện thiếu kinh nghiệm từ những quốc gia giàu có, mà cần những người có kinh nghiệm làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt của cái nóng vùng xích đạo, của tình trạng thiếu hụt vật tư và trong nổi lo sợ bệnh dịch. Cho đến nay, chỉ có một nhóm chia sẽ phần chăm sóc y tế lớn nhất – Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) – nhóm này đang kêu gọi cộng đồng tiếp sức cho đội ngũ đang kiệt sức của họ: 600 người đang chiến đấu hàng tháng trời trên tuyến đầu của cuộc chiến này.

Không gì rõ ràng hơn thông cáo báo chí MSF đưa ra ngày 8/8:

Tiến sỹ Bart Janssens, Giám đốc hoạt động của MSF

“Tuyên bố Ebola là tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế cho thấy WHO nhận thấy vụ bùng phát virus hiện tại rất nghiêm trọng; nhưng các tuyên bố không cứu được người. Hiện tại, điều chúng ta cần là chuyển tuyên bố này thành hành động tức thời. Trong nhiều tuần, MSF đã liên tục nhắc đi nhắc lại rằng một phản ứng y tế và dịch tễ đại chúng là hết sức cần thiết để bảo vệ mạng sống con người và đảo ngược tình hình dịch bệnh. Nhiều người đã mất đi vì phản ứng kia quá chậm.

Những quốc gia có các khả năng cần thiết phải ngay lập tức gửi những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và đồ dùng cứu trợ thảm họa đến khu vực. Rõ ràng bệnh dịch sẽ không được kiềm chế nếu những quốc gia này không điều động nhân lực và vật lực ở quy mô lớn.

Cụ thể, tất cả những gì cần thiết sau đầy đều phải được gia tăng: chăm sóc y tế, huấn luyện cho nhân viên y tế, kiểm soát lây nhiễm, theo dõi liên hệ tiếp xúc, giám sát dịch tễ, các hệ thống cảnh báo và chuyển giao, điều động và giáo dục cộng đồng.

MSF hiện có 66 nhân viên quốc tế và 610 nhân viên địa phương đối đầu với cuộc khủng hoảng ở ba quốc gia bị dịch bệnh. Tất cả các chuyên gia Ebola của chúng tôi đều được điều động, chúng tôi không thể làm gì hơn nữa.”

Dưới đây là danh sách các món tiếp tế ông Emmet A. Dennis, hiệu trưởng Đại học Liberia, gửi đi trong email cần cho các nhân viên y tế của trường hiện đang chiến đấu với bệnh dịch tại Monrovia:

Áo choàng – Cách ly

Tấm lót – Dùng một lần

Găng tay y tế - Tất cả các cỡ

Túi đựng thi thể - Người lớn & Trẻ em

Túi đựng rác truyền nhiễm – Màu đỏ

Mặt nạ - mỏ vịt

Tấm che mặt – dùng một lần

Miếng che mắt - dùng một lần

Bao giày

Tạp dề - dùng một lần

Nước lau khử trùng

Ủng nhựa

Mũ phẩu thuật – dùng một lần

Sát trùng

Bàn chải (L & XL)

Nhiệt kế: hồng ngoại – Thermofocus

Xà phòng diệt khuẩn

Nước khử trùng Clo

Dung dịch bù nước

R/L Solution

N/S Solution

Không thể không cơ bản hơn được nữa. Không phải là những thần dược dành cho Ebola, trong những món cần này chỉ có một ít thuốc, dù các bác sỹ địa phương ước rằng họ có được các ống tiêm vô trùng, nước muối sinh lý và thuốc giảm sốt như aspirin.

“Hiểu được”, trong tình huống bệnh dịch hoành hành này, nghĩa là nhận thức được trong sáu đến 12 tháng tới, các quốc gia này sẽ cần hàng triệu dollar nhu yếu phẩm, hàng trăm nhân viên chăm sóc y tế lành nghề, trong đó có các cán bộ cung ứng hậu cần, cũng như tự đáp ứng cho tất cả người nước ngoài (thực phẩm, nước, vật dụng cá nhân). Khi tình trạng đóng cửa biên giới khiến giao thương đình trệ vẫn duy trì, nhất định sẽ phải cần đến sự hỗ trợ của Chương Trình Lương Thực Thế Giới để cung cấp thực phẩm cho người dân. Những người lính và cảnh sát trẻ đang kiệt sức và sợ hãi cũng cần được dần thay thế bằng các binh sỹ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc hoặc các binh sỹ từ Liên Minh Châu Phi.

Và dĩ nhiên, danh sách những việc cần làm này chỉ theo giả định Ebola vẫn trong tầm kiểm soát khi bùng phát lần hai ở Liberia, Sierra Leone, và Guinea. Nếu virus lan đến nơi khác, một quốc gia đông dân hơn, những thứ cần thiết sẽ ngay lập tức gia tăng theo cấp số nhân.

Khánh Lâm lược dịch
Theo foreignpolicy.com

Tin liên quan:
Tin mới hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1