Chứng khoán Thứ hai, 19/07/2021, 11:38 GMT+7
Cổ phiếu châu Á tiếp tục giảm do lo lắng vì virus, tổn hại từ lạm phát

Cổ phiếu châu Á giảm trở lại vào thứ Hai, 19/7, trong khi các tài sản trú ẩn được cho là an toàn, trong đó có đồng yen và vàng, tăng cao hơn do ham muốn rủi ro của nhà đầu tư suy giảm vì các lo ngại lạm phát tăng và các ca nhiễm virus corona gia tăng không ngừng.

jl19 asia

Chỉ số chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương rộng nhất bên ngoài Nhật Bản của MSCI giảm 0.4% trong ngày đi xuống thứ hai liên tiếp.

Nikkei của Nhật giảm 1.3% cũng như chỉ số cổ phiếu chuẩn của Australia. KOSPI của Hàn Quốc thấp hơn 1% trong khi cổ phiếu của New Zealand giảm 0.4%.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt khi nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Á, đang vật lộn để kiềm chế biến thể Delta rất dễ lây lan của virus corona và buộc phải thực hiện một số hình thức phong tỏa. Bóng ma lạm phát tăng cao thị trường lo sợ từ lâu cũng đang ám ảnh các nhà đầu tư.

Các nhà kinh tế tại Bank of America đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống 6.5% trong năm nay, từ mức 7% trước đó, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo 5.5% cho năm tới.

"Đối với lạm phát, tin xấu là nó có khả năng vẫn tăng trong thời gian tới". Kết quả mới nhất từ chỉ số đo lạm phát độc quyền của BoA vẫn ở mức cao.

"Tin tốt là ... chúng ta có thể đang gần đến đỉnh, ít nhất trong vài tháng tới, vì các hiệu ứng cơ bản kém thuận lợi hơn và áp lực thiếu hụt chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ."

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell nhiều lần nhắc lại bất kỳ sự gia tăng lạm phát nào dự kiến sẽ chỉ là tạm thời, cho thấy chính sách tiền tệ sẽ vẫn nới lỏng trong một thời gian.

Tuy nhiên, phải mất nhiều thời gian để thuyết phục thị trường.

Aviva Investors, bộ phận kinh doanh quản lý tài sản toàn cầu của Aviva plc, dự kiến tốc độ tăng trưởng nhanh và lạm phát sẽ gây áp lực tăng đối với lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn.

“Do đó, chúng tôi nghiêng về thời gian đáo hạn nhẹ hơn, chủ yếu thông qua trái phiếu Hoa Kỳ. Nhìn chung, chúng tôi có quan điểm trung lập về tiền tệ," theo Michael Grady, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư và là trưởng kinh tế tại Aviva Investors.

Hoạt động trên thị trường tiền tệ khá im ắng vào thứ Hai.

Dollar hầu như không thay đổi so với nhóm các đồng tiền chính, ở mức 92.640.

So với đồng yen trú ẩn an toàn, đồng dollar đã giảm 0.2% ở mức 109.86, tiến gần hơn tới mức đáy trong một tháng 109.52 gần đây.

Đồng euro chủ yếu không đổi, ở mức $1.1811.

Đồng Aussie nhạy cảm với rủi ro giảm còn $0.7392, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái trong phiên giao dịch sớm ở châu Á.

Hiệu suất cổ phiếu trong những ngày gần đây cho thấy sự lo lắng của các nhà đầu tư.

Chẳng hạn, chỉ số thế giới cho tất cả các quốc gia của MSCI, một thước đo cổ phiếu toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước nhưng kết thúc ở mức thấp hơn 0.6%. Chỉ số Dow đóng cửa giảm 0.9%, S&P 500 giảm 0.75% và Nasdaq mất 0.8%.

Những khoản giảm này diễn ra bất chấp doanh số bán lẻ của Mỹ tuần trước mạnh hơn dự báo, tăng 0.6% trong tháng Sáu, trái với mức giảm dự kiến.

Tiếp theo trong tầm ngắm của các nhà đầu tư là thu nhập doanh nghiệp theo quý tháng Sáu của Netflix (NFLX.O), Philip Morris (PM.N), Coca Cola (KO.N) và Intel Corp (INTC.O) cùng một số số các công ty khác dự kiến sẽ báo cáo trong tuần này.

Các nhà phân tích của Bank of America dự báo mức tăng thu nhập 11% sẽ giúp tiếp thêm niềm tin cho nhà đầu tư vào sự phục hồi kinh tế rộng lớn hơn đồng thời thúc đẩy việc quay trở lại cái gọi là cổ phiếu "giá trị", hiện đang giao dịch dưới mức giá trị thực sự của chúng.

Ngoài ra, vàng, một tài sản trú ẩn được coi là an toàn, đã nhích lên với giá giao ngay ở mức $1,815.4/ounce.

Dầu tiếp tục giảm, với dầu Brent giảm 55 cent xuống $73.04/thùng. Dầu thô Mỹ giảm 41 cent xuống $71.40/thùng.

Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1