Chứng khoán Thứ hai, 16/08/2021, 11:06 GMT+7
Chứng khoán châu Á lao dốc khi dữ liệu của Trung Quốc gây thất vọng

Thị trường chứng khoán châu Á trượt dốc vào thứ Hai, 16/8, sau khi một loạt dữ liệu của Trung Quốc cho thấy động cơ tăng trưởng toàn cầu bất ngờ giảm tốc, ngay khi phần lớn thế giới đang chạy đua để ngăn chặn biến thể Delta của COVID- 19 lây lan với các mũi tiêm chủng.

ag16 asia1

Số liệu về doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư đô thị trong tháng Bảy đều không được như dự báo, một xu hướng chỉ có thể trở nên xấu hơn với việc thắt chặt các hạn chế do virus corona gần đây ở nước này.

“Tỷ lệ tiêm chủng thấp của châu Á và sức chống chịu với sự lây lan trong cộng đồng thấp cho thấy đây là khu vực chịu rủi ro kinh tế cao nhất vì biến thể Delta,” theo Nhà kinh tế Bruce Kasman của JPMorgan.

Ông nói thêm: “Trung Quốc đang trong giai đoạn dỡ bỏ các hỗ trợ chính sách, điều này có vẻ như sẽ kìm hãm tăng trưởng nhu cầu trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động của khu vực trong suốt thời gian còn lại của năm nay. Với những lực cản tích tụ trong những tuần gần đây, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021 của khu vực."

Sự sụp đổ bất ngờ của chính phủ Afghanistan và ý nghĩa của nó đối với ổn định chính trị trong khu vực càng làm tăng thêm sự không chắc chắn về các tác động địa chính.

Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương rộng nhất bên ngoài Nhật Bản của MSCI giảm 0.2%, lùi về mức thấp nhất trong năm vào tháng trước.

Các blue-chip của Trung Quốc tăng 0.3%, có lẽ do dự đoán Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách tích cực hơn.

Nikkei của Nhật Bản giảm 1.8%, dù tăng trưởng kinh tế vượt dự báo cho quý tháng Sáu.

Hợp đồng tương lai Nasdaq và S&P 500 đều giảm 0.2%. EUROSTOXX 50 kỳ hạn giảm 0.4% và FTSE kỳ hạn giảm 0.6%.

Phố Wall có được các kỷ lục mới vào tuần trước ngay cả khi một khảo sát cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ sụt giảm đáng kinh ngạc, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011 do các lo ngại về biến thể Delta.

Báo cáo ảm đạm kéo lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm xuống 1.27%, sau khi giảm mạnh 8 điểm cơ bản vào thứ Sáu, xóa đi một tuần tăng ổn định.

Nó cũng xóa sổ khoản tăng trong một tuần của đồng dollar, đưa đồng tiền này trở lại mức 92.517 so với một nhóm các đồng tiền khác từ mức cao nhất gần năm tháng 93.195.

Đồng euro đã tăng lên $1.1799, trong khi dollar quay lại mức 109.36 yen, rời mức cao nhất 110.79 yen vào tuần trước.

Kim Mundy, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại CBA, cho rằng dollar có thể tăng trong tuần này nếu biên bản cuộc họp chính sách cuối cùng của Cục Dự trữ Liên bang xác nhận sự chuyển đổi sang hướng quyết liệt đối với việc thu hẹp kích thích.

Biên bản được công bố vào thứ Tư trong khi Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát biểu vào thứ Ba.

“Chúng tôi dự kiến FOMC sẽ thông báo giảm lượng mua tài sản hàng tháng trong tháng Chín nếu bảng lương tháng Tám mạnh,” ông Mundy nói.

"Chúng tôi đánh giá không nhiều người kỳ vọng một thông báo thu hẹp trong tháng tới, vì vậy nếu biên bản cho thấy FOMC đã thảo luận về khả năng công bố thu hẹp trong tháng Chín, chúng tôi dự kiến dollar sẽ tăng."

Tại châu Á, đồng ringgit của Malaysia giảm xuống mức thấp nhất trong một năm do có thông tin Thủ tướng nước này sắp từ chức.

Trên thị trường hàng hóa, vàng tiếp tục tăng lên $1,778 sau khi đột ngột giảm xuống $1,684 vào đầu tuần trước.

Giá dầu giảm phần nào do lo ngại các hạn chế đi lại vì virus corona sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu, đặc biệt ở Trung Quốc.

Dầu Brent giảm 78 cent xuống $69.81/thùng, trong khi dầu thô Mỹ giảm 80 cent xuống $67.64.

Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1