Chứng khoán Thứ hai, 14/06/2021, 13:28 GMT+7
Chứng khoán thế giới gần mức cao kỷ lục khi các nhà đầu tư chờ đợi Fed hành động ôn hòa

Cổ phiếu toàn cầu đã giữ vững gần các mức cao kỷ lục vào thứ Hai, 14/6, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ chạm mức thấp nhất trong ba tháng khi các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tuân theo phương châm ôn hòa của mình vào cuối tuần này.

jn14 stock

Chỉ số Nikkei của Nhật tăng 0.35% trong khi chỉ số cổ phiếu Châu Á - Thái Bình Dương rộng nhất bên ngoài Nhật Bản của MSCI giảm 0.1%. Hoạt động bị hạn chế khi các thị trường lớn nhất trong khu vực - Trung Quốc, Hong Kong và Australia - đóng cửa nghỉ lễ.

Trên toàn cầu, thị trường chứng khoán đang đắm chìm trong triển vọng phục hồi kinh tế ngày càng sâu rộng và dự đoán chính sách tiền tệ ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục.

Chỉ số cổ phiếu thế giới ở tất cả các quốc gia MSCI, S&P 500 của Hoa Kỳ và chỉ số STOXX Europe 600 toàn khu vực đều đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào thứ Sáu.

Giá cổ phiếu tăng ngay cả khi dữ liệu lạm phát của Hoa Kỳ vào thứ Năm vượt quá kỳ vọng của thị trường.

“Một yếu tố lớn là Fed đã nói lạm phát sẽ chỉ là tạm thời và họ sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng,” ông Norihiro Fujito, chiến lược gia đầu tư tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities nói. "Nhưng một yếu tố khác cần xem xét là các thị trường đơn giản là tràn ngập tiền mặt."

Các quỹ dồi dào đang tìm đường đến với trái phiếu, với lợi suất trái phiếu 10 năm của Hoa Kỳ ở mức 1.465% trước cuộc họp chính sách của Fed trong tuần này, đã giảm xuống mức thấp nhất 1.428% trong ba tháng vào thứ Sáu.

“Trái phiếu đi xuống và tôi cá rằng lợi suất  trái phiếu 10 năm sẽ giảm xuống còn 1.25% hoặc thậm chí 1%,” theo Akira Takei, giám đốc quỹ tại Asset Management One. Ông lưu ý sự phục hồi kinh tế của Mỹ có thể chậm lại trong những tháng sắp tới.

"Tỷ lệ việc làm của Mỹ trước đại dịch là 61%. Tỷ lệ này đã phục hồi lên 58% nhưng tôi cho rằng sự phục hồi này sẽ chậm lại. Sau cuộc đại khủng hoảng tài chính (năm 2008), tỷ lệ này chưa bao giờ phục hồi lên mức trước khủng hoảng."

Các nhà đầu cơ cũng đang gom góp các vị thế mua đối với trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, với các vị thế mua ròng trong các hợp đồng trái phiếu Hoa Kỳ kỳ hạn đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2017, theo dữ liệu của cơ quan giám sát tài chính Hoa Kỳ.

Nhiều nhà đầu tư dự kiến Fed sẽ lặp lại quan điểm ôn hòa trong cuộc họp kéo dài hai ngày từ thứ Ba.

Dù một số thành viên của Fed cho rằng ngân hàng nên bắt đầu thảo luận về việc giảm mua trái phiếu, hầu hết các nhà đầu tư cho rằng đa số các nhà hoạch định chính sách vẫn muốn chờ đợi thêm một chút.

Theo Fujito của Mitsubishi UFJ: “Có thể sẽ không có bất ngờ nào từ Fed trong tuần này. Nhưng trong dài hạn, rõ ràng có nguy cơ kích thích của Fed trở nên quá mức. Có rất ít lý do để mua trái phiếu thế chấp khi thị trường nhà đất đang trở nên quá nóng."

Trên thị trường tiền tệ, đồng euro đã mất giá sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu tuần trước cho thấy họ cũng không sẵn sàng giảm kích thích.

Đồng euro được giao dịch ở mức $1.2111, đã giảm xuống mức thấp nhất $1.2093 trong một tháng vào thứ Sáu.

Đồng yen ít thay đổi ở mức 109.70 yen.

Đồng bảng Anh trao tay ở mức $1.4113, gần mức thấp trong biên độ giao dịch trong tháng qua, trước khi có thông báo của Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc liệu kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế virus corona có thể được tiến hành như dự kiến vào ngày 21/6 hay không.

Hy vọng chấm dứt các hạn chế vẫn còn bấp bênh khi dữ liệu cho thấy các ca nhiễm biến thể Delta đang gia tăng nhanh chóng.

Tờ The Sun hôm thứ Sáu đưa tin ông Johnson sẽ hoãn việc dỡ bỏ phong tỏa đến ngày 19/7.

Trong khi đó, giá dầu gần mức cao nhất trong nhiều năm do triển vọng nhu cầu nhiên liệu trên toàn thế giới cải thiện.

Dầu thô Brent giao sau tăng nhẹ 0.2% lên $72.85/thùng, gần mức cao nhất kể từ tháng 5/2019.

Giá dầu thô Mỹ WTI tăng 0.2% lên $71.05/thùng, gần mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1