Chứng khoán Thứ tư, 02/06/2021, 09:35 GMT+7
Cổ phiếu châu Á tăng, dữ liệu Mỹ củng cố hy vọng mở lại

Cổ phiếu châu Á tăng lên gần mức cao nhất trong ba tháng vào thứ Tư, 2/6, và chứng khoán toàn cầu ổn định gần mức kỷ lục khi số liệu cho thấy hoạt động sản xuất cao hơn của Hoa Kỳ trong tháng Năm đã cổ vũ các nhà đầu tư đang tìm kiếm dấu hiệu tiếp tục phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

jn2 asia1

Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết hoạt động sản xuất của Hoa Kỳ tăng trong tháng Năm, do nhu cầu bị dồn nén thúc đẩy các đơn đặt hàng khi nền kinh tế mở cửa trở lại, thậm chí do công việc chưa hoàn thành chồng chất vì thiếu nguyên liệu thô và lao động.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi dữ liệu việc làm của Mỹ vào thứ Sáu để tìm hiểu manh mối về các kế hoạch chính sách của Fed trong những tuần và tháng sắp tới.

Carlos Casanova, nhà kinh tế cao cấp về châu Á tại Union Bancaire Privee ở Hong Kong, cho biết việc mở lại được dự kiến đã vượt qua những lo ngại lạm phát.

“Đúng, lạm phát sẽ tăng vọt trong ngắn hạn nhưng Fed nhận thức được rủi ro đó và họ đang hướng đến mục tiêu kép toàn dụng lao động và lạm phát. Vì vậy, điều đó khiến các nhà đầu tư ít lo ngại hơn về tốc độ thu hẹp chính sách của Fed trong năm nay, tập trung nhiều hơn vào tốc độ mở cửa trở lại trong năm nay và để mối lo ngại về việc cắt giảm chính sách cho năm tới hoặc xa hơn,” ông nói.

Chỉ số cổ phiếu trên toàn cầu của MSCI không đổi sau khi lập mức cao kỷ lục trong ngày và khi đóng cửa vào thứ Ba. Chỉ số cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương lớn nhất bên ngoài Nhật Bản tăng 0.08% và Nikkei của Nhật Bản thêm 0.36%.

Chỉ số Kospi tăng 0.36% và cổ phiếu Australia tăng 0.64%.

Các cổ phiếu bluechip của Trung Quốc tụt lại khi các công ty chăm sóc sức khỏe sụt giá một ngày sau khi lĩnh vực này tăng giá với tuyên bố chính sách cho phép sinh con thứ ba của Trung Quốc.

Hôm thứ Ba, chứng khoán Mỹ đã giảm các khoản tăng trước đó sau khi có dữ liệu sản xuất của ISM do các nhà đầu tư cân nhắc sự phục hồi và lạm phát cao hơn.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0.13% lên 34,575.31, S&P 500 mất 0.05% xuống 4,202.04 và Nasdaq Composite giảm 0.09% xuống 13,736.48.

Trên thị trường hàng hóa, triển vọng kinh tế toàn cầu phục hồi vững chắc sau các đợt phong tỏa vì đại dịch đã nâng giá dầu, với giao dịch dầu thô Brent ở mức cao nhất kể từ tháng Ba, bất chấp việc liên minh OPEC+ đồng ý tăng sản lượng trong tháng Bảy.

Dầu Brent giao sau tăng 0.6% lên $70.67/thùng và dầu thô Mỹ WTI tăng 0.56% lên $68.10/thùng.

“Cách tiếp cận chờ - xem của OPEC có khả năng khiến thị trường vẫn chặt chẽ trong tương lai gần. Khả năng có thêm dầu Iran tung ra thị trường trong ngắn hạn cũng đang giảm bớt,” theo các nhà phân tích tại ANZ.

Đồng dollar vẫn yếu sau cú tăng nhờ dữ liệu sản xuất của Hoa Kỳ, phản ánh sự phục hồi nhanh chóng trên toàn cầu bên ngoài Hoa Kỳ.

Chỉ số dollar thấp hơn một chút ở mức 89.876, nhưng đã tăng 0.11% so với đồng yen lên 109.57. Đồng euro tăng 0.1% lên $1.2223.

Lợi tức trái phiếu 10 năm của Hoa Kỳ cao hơn một chút ở mức 1.6181% so với 1.615% vào thứ Ba và lợi suất trái phiếu hai năm thường nhạy cảm với chính sách đã tăng lên 0.1505% từ mức 0.147%.

Lợi tức trái phiếu kho bạc cao hơn đã giúp giảm sức hấp dẫn của vàng khi kim loại quý này trượt xuống dưới mức đỉnh giá gần năm tháng đạt được vào thứ Ba. Vàng giao ngay giao dịch ở mức $1,899.46/ounce.

Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1