Doanh nghiệp Thứ năm, 12/11/2020, 10:04 GMT+7
Xã hội tuần hoàn: Kao nghiên cứu sâu hơn về tái chế nhựa trên biển thông qua thỏa thuận với thành phố Wakayama

Tập đoàn Kao vừa có một thỏa thuận hợp tác với thành phố Wakayama nhằm thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) và nghiên cứu chế biến và tái chế nhựa biển.

nv12 kao

Người khổng lồ trong lĩnh vực chăm sóc cá nhân của Nhật bắt đầu vận hành một nhà máy sản xuất ở thành phố Wakayama vào năm 1944, sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau cho mảng kinh doanh chăm sóc gia đình và vải vóc, chăm sóc sắc đẹp cũng như kinh doanh hóa chất.

Khu phức hợp Wakayama, trong đó có Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Wakayama, hiện là địa điểm kinh doanh lớn nhất của Kao tại Nhật Bản.

Hơn nữa, Thành phố Wakayama đã được Văn phòng Nội các Nhật Bản chọn là một trong những Thành phố Tương lai SDGs trong năm 2019.

Theo thỏa thuận, Kao sẽ sử dụng các nguồn lực nghiên cứu và phát triển của mình để hỗ trợ phát triển bền vững trong cộng đồng địa phương.

Về cơ bản, công ty đặt mục tiêu tiếp tục nghiên cứu giảm thiểu chất thải, tập trung vào chất thải nhựa biển.

“Nhận thức rõ trách nhiệm của mình với tư cách là một doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm được  mọi người sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày, Tập đoàn Kao thực hiện các bước tích cực để giảm thiểu tác động lên môi trường của các sản phẩm trong suốt vòng đời sản phẩm,” theo Hiromi Nambu, Giám đốc cấp cao Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Khoa học vật liệu, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Tái chế của Tập đoàn Kao.

Với dự án này, hai bên hướng đến thực hiện RecyCreation, một sáng kiến nâng cao năng suất nhằm tạo ra giá trị mới cho vật liệu tái chế và đạt được một xã hội tuần hoàn.

Theo Kao, họ dự định thu gom rác thải nhựa biển ở thành phố Wakayama và xử lý thành nhựa tái chế.

“Các mục đích sử dụng khác nhau của nhựa tái chế sẽ được kiểm tra, chẳng hạn như tái sử dụng thành bàn ghế ở các cơ sở dọc theo bờ biển và dùng như một chất gia cố đường trong tuyến đạp xe chạy dọc theo bờ biển,” ông Nambu nói.

“Ngoài ra, Kao sẽ sử dụng năng lực nghiên cứu và công nghệ hãng sở hữu và bắt đầu các hoạt động để làm phong phú môi trường đại dương”.

Dự án này cũng sẽ giúp công ty có cơ hội nghiên cứu việc tái chế nhựa hàng hải.

“Tôi cho rằng kiến thức về rác thải nhựa biển và việc tái chế thu được thông qua dự án phối hợp với thành phố Wakayama có thể được áp dụng không chỉ cho mỹ phẩm mà còn cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ đóng gói chung của Kao,” ông Nambu nói.

Ông lưu ý công ty đã vượt qua nhiều thách thức đáng kể khi tái chế rác thải nhựa trên biển.

Đầu tiên là câu hỏi về vấn đề vệ sinh vì nhựa hàng hải có thể chứa các chất bẩn cũng như nặng mùi và có vết bẩn.

Những loại nhựa này cũng có khả năng bị biến chất do tia cực tím và nước biển ở nhiều mức độ khác nhau.

Cuối cùng là vấn đề thu gom và phân loại rác thải nhựa một cách hiệu quả.

“Có nhiều vật thể khác nhau như gỗ, thủy tinh và kim loại không phải rác thải nhựa tích tụ và trộn lẫn trên bờ biển. Ngoài ra, nhiều loại nhựa khác nhau cũng bị trộn lẫn và việc phân biệt các loại nhựa khá phức tạp,” ông Nambu nói.

Phát triển cộng đồng

Như một phần trong nỗ lực hỗ trợ cộng đồng địa phương và hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững ở Thành phố Wakayama, Kao dự định thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau.

Theo ông Nambu, các hoạt động này sẽ xoay quanh trẻ em như một phần của nỗ lực nâng cao nhận thức về tính bền vững trong thế hệ tương lai.

Chẳng hạn, Kao sẽ tiến hành một chương trình giáo dục, đầu tiên tại các trường tiểu học ở thành phố Wakayama, dùng rác thải nhựa và các vấn đề khác làm tài liệu giảng dạy.

“Trong khi thử nghiệm chương trình này từ quan điểm giải quyết các vấn đề trong cộng đồng địa phương và xã hội lớn hơn, Kao sẽ xem xét cách thức mở rộng chương trình đến các hoạt động trên toàn thành phố,” ông Nambu nói.

Phong Lữ lược dịch
Theo Cosmetics Design

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1