Tài chính Thứ hai, 16/08/2021, 11:08 GMT+7
Trung Quốc: Dự báo tăng trưởng giảm khi biến thể Delta lan rộng khắp cả nước

Đợt bùng phát virus corona tồi tệ nhất ở Trung Quốc trong một năm khiến nhà chức trách phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để dập tắt các ca nhiễm mới. Nhưng dù việc đóng cửa các thành phố, hủy chuyến bay và đình chỉ giao thương có thể đưa virus trở lại tầm kiểm soát, những hành động đó có nguy cơ làm đình trệ sự phục hồi vốn đã bấp bênh.

Đ

Các cuộc đấu tranh mới nhất của Trung Quốc bắt đầu khi biến thể Delta quét qua nước này hồi cuối tháng Bảy, nhanh chóng lan đến hơn một nửa trong số 34 tỉnh và khu vực của nước này với hơn một nghìn ca nhiễm được xác nhận.

Dù số ca nhiễm vẫn thấp so với sự gia tăng các ca nhiễm ở Hoa Kỳ và Châu Âu gần đây, Trung Quốc đã quyết liệt áp dụng lại chiến lược "zero-Covid" của mình.

Trung Quốc đã cô lập một số thành phố, đóng cửa các địa điểm giải trí, hủy các chuyến bay và triển khai xét nghiệm hàng loạt khi cố gắng ngăn chặn virus lây lan – những biện pháp chưa từng thấy ở quy mô này kể từ đầu đại dịch năm ngoái. Một số hoạt động giao thương tại một cảng container lớn gần Thượng Hải thậm chí đã bị đình chỉ trong tuần này sau khi một công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Những động thái quyết liệt đó đã khiến một số nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo GDP của Trung Quốc chỉ tăng 2.3% trong quý ba so với quý trước - thấp hơn đáng kể so với mức tăng 5.8% dự kiến ban đầu.

“Với việc virus lây lan đến nhiều tỉnh và chính quyền địa phương của Trung Quốc phản ứng nhanh chóng để kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta, chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy dữ liệu tổng hợp quốc gia yếu đi.” Các nhà phân tích cho biết thêm họ dự kiến các dịch vụ như du lịch, ăn uống và giải trí sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, bất chấp sự sụt giảm dự đoán trong quý ba, các nhà phân tích của Goldman vẫn kỳ vọng phục hồi đa phần sẽ vẫn nguyên vẹn trong năm nay. Trong cả năm 2021, họ kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8.3%, thấp hơn một chút so với ước tính 8.6% trước đó.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế khác cũng đã cảnh báo về một cú đánh đối với tăng trưởng.

Trung Quốc đã thực hiện "các hạn chế di chuyển cá nhân nghiêm ngặt" để thực thi tốt hơn chính sách "không khoan nhượng," theo các nhà phân tích tại JP Morgan. Họ dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ giảm một nửa xuống 2% trong quý hiện tại, so với ước tính trước đó 4.3%. Họ cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 9.1% xuống 8.9%.

"Chúng tôi hy vọng tình hình có thể được kiểm soát trong vài tuần tới, nhưng quy trình kiểm soát dịch bệnh sẽ làm giảm mức tiêu thụ và dịch vụ dự kiến", họ nói thêm.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Morgan Stanley đã giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 8.2% cho năm 2021 vào tuần trước, đồng thời cho rằng đợt bùng phát sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tiêu dùng và thuê mướn trong ngành dịch vụ.

Có thể bị gián đoạn thêm

Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố thêm thông tin về sự phục hồi kinh tế - gồm tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và đầu tư - sẽ cung cấp thêm manh mối về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Những con số đó có khả năng không toàn diện, vì chỉ bao gồm dữ liệu của tháng Bảy và sẽ bỏ qua bất kỳ tác động nào do virus trong vài tuần đầu của tháng Tám.

Nhưng những dấu hiệu khác gần đây cho thấy sự bùng phát trở lại của virus, cùng với các biện pháp Trung Quốc đang thực hiện để ngăn chặn, có thể gây ra gián đoạn.

Hôm thứ Tư, các nhà chức trách đã đóng cửa khu cảng Mi Sơn ở cảng Ninh Ba-Chu San - cảng container lớn thứ ba thế giới - sau khi một công nhân của bến tàu có kết quả dương tính với Covid, theo chính quyền địa phương. Cảng xử lý hàng hóa với khoảng 78,000 TEU mỗi ngày. Khu cảng Mi Sơn chiếm khoảng 1/5 sản lượng của cảng.

Các vấn đề ở Mi Sơn tương tự lệnh phong tỏa chính quyền Trung Quốc áp đặt vào tháng Năm đối với Diêm Điền, một cảng quan trọng ở miền nam Trung Quốc có thể xử lý 36,000 TEU mỗi ngày. Ngay cả sau khi mở cửa trở lại vào tháng Sáu, cảng vẫn hoạt động dưới công suất trong một thời gian, gây ra tình trạng tồn đọng sẽ mất vài tuần để giải quyết.

 “Đây là một trong những rủi ro trước mắt chúng tôi nhận thấy đang nổi lên ở Trung Quốc khi tình hình đại dịch ngày càng xấu đi,” theo Nick Marro, nhà phân tích hàng đầu về thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit.

“Môi trường thương mại và logistics toàn cầu đang ở trong tình trạng khá mong manh, đặc biệt trước tất cả những thách thức chúng ta đã thấy trong mùa xuân và đầu mùa hè,” ông nói thêm. "Gián đoạn giao thương không chỉ gây ra vấn đề cho vận chuyển và người tiêu dùng, mà còn cả các nhà sản xuất phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu quan trọng."

Những thách thức khác

Biến thể Delta dẫn đến các vụ phong tỏa không phải là vấn đề duy nhất của Trung Quốc hiện nay.

Đất nước này cũng đang phải đối mặt với lạm phát tăng và rủi ro nợ ngày càng lớn.

Chỉ số giá sản xuất - đo lường giá vốn hàng bán cho các doanh nghiệp - đã tăng 9% trong tháng Bảy so với một năm trước đó, bằng với mức cao nhất trong gần 13 năm vào tháng Năm. Lạm phát nhà sản xuất cao là tin tức xấu đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và sự phục hồi kinh tế của đất nước. Điều đó có nghĩa chi phí nguyên vật liệu gia tăng hiện đang ăn nhiều hơn vào lợi nhuận của công ty và có thể buộc họ phải kiểm soát chi phí bằng cách làm chậm sản xuất hoặc thậm chí sa thải công nhân.

Rủi ro nợ là một mối quan tâm khác. Nợ trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc tăng lên 62.59 tỷ NDT (9.7 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2021, mức cao nhất từng được ghi nhận cùng kỳ, theo Fitch Ratings.

Một đợt xiết chặt quy định sâu rộng đối với các doanh nghiệp tư nhân Bắc Kinh muốn kiểm soát cũng đã khiến các nhà đầu tư lo lắng và làm lung lay niềm tin thị trường.

Những quy định quản lý gần đây trên các lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ đến tài chính đến giáo dục đã xóa sổ hơn 1 nghìn tỷ USD giá trị thị trường của một số trong những công ty có giá trị nhất của Trung Quốc, theo Goldman Sachs.

Và theo các nhà phân tích tại JP Morgan, việc xiết chặt, đặc biệt trong công nghệ và giáo dục, "sẽ không chỉ dẫn đến gián đoạn trong việc dạy kèm, mà còn khiến thất nghiệp gia tăng và ảnh hưởng đến phục hồi tăng trưởng thu nhập." Họ nói thêm chỉ riêng lệnh cấm dạy thêm có lợi nhuận có thể ảnh hưởng đến hàng triệu việc làm.

Dữ liệu cho thấy việc vay nợ của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong tháng trước, cho thấy các doanh nghiệp và cá nhân có thể ngần ngại đầu tư hoặc chi tiêu, có thể dẫn đến giảm thuê mướn, tiêu dùng ít hơn và tăng trưởng chậm hơn.

Các ngân hàng Trung Quốc chỉ có thêm 1.08 nghìn tỷ NDT (167 tỷ USD) trong các khoản vay nhân dân tệ mới tháng trước, giảm gần 50% so với tháng Sáu, theo số liệu công bố bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa thứ Tư tuần trước.

Một giải pháp rộng hơn cho tài chính, gồm các khoản vay từ các tổ chức phi ngân hàng, đạt 1.06 nghìn tỷ NDT (164 tỷ Bảy) trong tháng Bảy, cũng giảm mạnh so với 3.67 nghìn tỷ NDT trong tháng Sáu.

Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, đà tăng trưởng chậm lại có thể phản ánh "nhu cầu tín dụng yếu trong bối cảnh các quy định thắt chặt" về tài sản, tín dụng tiêu dùng và khả năng vay của chính quyền địa phương.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1