IMF:Nếu không giúp được các nước nghèo chống Covid 'nền kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 4.5 ngàn tỷ USD’ |
IMF kêu gọi các quốc gia giàu có giúp ngăn chặn sự lây lan các biến thể ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo, nền kinh tế thế giới có nguy cơ mất 4.5 ngàn tỷ USD (3.3 ngàn tỷ bảng Anh) do các biến thể lây nhiễm cao của Covid-19 lan sang các quốc gia nghèo nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. Kêu gọi các quốc gia giàu có hành động khẩn cấp chia sẻ ít nhất 1 tỷ liều thuốc với các quốc gia đang phát triển, nếu không có nguy cơ gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng, quỹ có trụ sở tại Washington cho biết khoảng cách giữa các nền kinh tế giàu và nghèo đã mở rộng trong đại dịch và có nguy cơ tồi tệ hơn nữa trong năm tới. Việc triển khai vaccine nhanh chóng đã cải thiện triển vọng kinh tế ở các nước giàu có, trong đó có Vương quốc Anh, trong khi thiếu nguồn lực để cải thiện tỷ lệ tiêm chủng và hỗ trợ mở cửa nền kinh tế làm giảm tốc độ tăng trưởng ở những nước thu nhập thấp. Đặt ra kịch bản rủi ro đi xuống trong cuộc kiểm tra sức khỏe sáu tháng nền kinh tế toàn cầu, IMF cho biết các biến thể virus corona mới sẽ lấy đi 4.5 ngàn tỷ USD trong GDP toàn cầu đến năm 2025 với khả năng hơn 2/3 tổn thất rơi vào những nước có thu nhập thấp và trung bình. IMF cho biết các thị trường tài chính có thể rơi vào hoảng loạn nếu virus được cho là đang lây lan ngoài tầm kiểm soát, hạn chế cho vay và đầu tư, đồng thời hạ thấp tiềm năng tăng trưởng trong nhiều năm. Dù tình hình thay đổi như thế sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của các nước giàu, trưởng kinh tế của IMF, Gita Gopinath, cho biết: “Một đại dịch tồi tệ hơn và các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ gây ra tác động kép đối với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển và cản trở nghiêm trọng sự phục hồi của họ.” GDP toàn cầu đã giảm từ mức đỉnh 87.6 ngàn tỷ USD năm 2019 xuống còn 84.7 ngàn tỷ USD năm ngoái, có nghĩa là khoản giảm 4.5 ngàn tỷ USD trong bốn năm sẽ lấy đi 1.3 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP hàng năm của thế giới. Trong những tháng gần đây, IMF đã cùng với Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới thúc giục triển khai rộng rãi hơn vaccine ở những quốc gia đang phát triển. Báo cáo cho biết gần 40% dân số ở các nền kinh tế tiên tiến đã được tiêm phòng đầy đủ, so với 11% ở các nền kinh tế thị trường mới nổi và một phần rất nhỏ ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp. “Cần có hành động đa phương để đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine, chẩn đoán và điều trị nhanh chóng trên toàn thế giới. Điều này sẽ cứu vô số mạng sống, ngăn các biến thể mới xuất hiện và thêm hàng nghìn tỷ dollar vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu," theo bà Gopinath. Đề xuất gần đây nhất của IMF nhằm chấm dứt đại dịch đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số ở mọi quốc gia đến cuối năm 2021 và ít nhất 60% đến giữa năm 2022 với chi phí 50 tỷ USD. Báo cáo cho biết: “Vào cuối tháng 6/2021, tốc độ tiêm chủng hàng ngày trên toàn cầu đạt khoảng 40 triệu liều mỗi ngày, riêng Trung Quốc đã chiếm hơn 20 triệu liều hàng ngày. “Các nước thu nhập cao chiếm 7 triệu liều mỗi ngày. Ngược lại, không đến 100,000 liều mỗi ngày đang được sử dụng ở các nước thu nhập thấp. “Việc cung cấp và phân phối vaccine đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp phải tăng mạnh để đáp ứng các mục tiêu của đề xuất. Tại gần một nửa số quốc gia gần đây, tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày đã giảm xuống dưới mức cần thiết để đạt được mục tiêu 40% đến cuối năm 2021.” Về dự báo chính của mình, IMF cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn đang trên đà tăng trưởng 6% trong năm 2021, không đổi so với đợt xem xét trong mùa xuân gần đây nhất. Tuy nhiên, IMF cảnh báo các đường đứt gãy đang ngày càng mở rộng giữa các quốc gia giàu và nghèo - với những hệ quả nghiêm trọng đối với hình thái chống trả kinh tế vì Covid. Dù dự báo toàn cầu không thay đổi, IMF đã nâng ước tính tăng trưởng năm 2021 của các nền kinh tế tiên tiến thêm 0.5 điểm phần trăm, nhưng điều chỉnh giảm 0.4 điểm phần trăm dự báo cho các nước đang phát triển. Năm tới, IMF dự kiến triển vọng sẽ cải thiện từ dự báo trước đó 4.4% trong tăng trưởng toàn cầu lên mức dự đoán mới 4.9%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này cũng sẽ được đánh dấu với hiệu quả hoạt động mạnh hơn từ các nền kinh tế tiên tiến và tỷ lệ tăng trưởng chậm hơn ở hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Tỷ lệ tăng trưởng của Anh trong năm nay đã được IMF nâng lên 7% cho năm 2021, cao nhất trong các nước phát triển cùng với Mỹ. Các nền kinh tế Đức, Ý và Pháp dự kiến sẽ tăng lần lượt 3.6%, 4.9% và 5.8% Theo bà Gopinath, nhiều quốc gia đã thất bại trong kế hoạch mở cửa trở lại, trong đó có Ấn Độ sau làn sóng Covid thứ hai nghiêm trọng từ tháng Ba đến tháng Năm và các làn sóng tương tự gần đây hơn ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand và Việt Nam. Trong khi đó, IMF đã hạ 0.3 điểm phần trăm dự báo cho Trung Quốc năm 2021 sau khi Bắc Kinh giảm đầu tư công và hỗ trợ tài chính tổng thể. Quỹ đã nâng dự báo tăng trưởng cho Vương quốc Anh thêm 1.7 điểm phần trăm lên 7% trong năm 2021. Phong Lữ lược dịch
Theo The Guardian
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|