Tài chính Thứ sáu, 20/05/2022, 09:14 GMT+7
Dollar giảm trong tuần đầu tiên trong bảy tuần trong bối cảnh lợi suất Hoa Kỳ đi xuống

Đồng dollar Mỹ đang tiến đến tuần tồi tệ nhất kể từ đầu tháng Hai so với các đồng tiền chính vào thứ Sáu, 20/5, chịu áp lực bởi lợi suất trái phiếu kho bạc giảm và đợt tăng đột biến 10% trong 14 tuần hạ nhiệt.

m20 dollar

Chỉ số dollar, đo lường đồng bạc xanh với sáu đối thủ lớn, đã giảm 1.5% trong tuần xuống 102.96, trên đà kết thúc chuỗi sáu tuần lấn át. Một tuần trước đó, chỉ số đã tăng lên 105.01, mức cao nhất kể từ tháng 1/2003.

Ngay cả khi chứng khoán toàn cầu tiếp tục trượt dốc trong bối cảnh tăng trưởng gặp rủi ro từ việc thắt chặt tiền tệ quyết liệt, do Cục Dự trữ Liên bang dẫn đầu và các phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc để dập tắt sự bùng phát COVID-19, sự hấp dẫn của đồng USD với tư cách là nơi trú ẩn đã lu mờ do lợi suất trái phiếu Mỹ đi xuống khi các nhà đầu tư đổ xô tìm đến sự an toàn của trái phiếu kho bạc.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn đã giảm chỉ sau một đêm xuống mức thấp nhất trong hơn ba tuần 2.772%, từ mức cao nhất trong ba năm rưỡi hơn 3.2% vào đầu tháng này.

Các đồng tiền trú ẩn an toàn khác tiếp tục phục hồi qua đêm, khi một chỉ số quan trọng của chứng khoán toàn cầu (.MIWD00000PUS) hướng đến tuần giảm thứ bảy liên tiếp, đợt giảm dài nhất từ trước đến nay.

Đồng yen hướng tới lần tăng thứ hai liên tiếp hàng tuần, với đồng dollar giảm 1.16% xuống 127.785 yen kể từ thứ Sáu tuần trước.

Đồng franc Thụy Sĩ sẽ có tuần tốt nhất kể từ tháng 3/2020, với đồng dollar giảm 2.9%, cuối cùng giao dịch ở mức 0.97265 franc.

Ngày càng có thêm lo ngại Fed và các ngân hàng trung ương khác đã tụt lại phía sau đường cong trong việc chống lạm phát siêu nóng và sẽ cần quyết liệt hơn nữa trong việc thắt chặt chính sách, sẽ gây đau đớn cho nền kinh tế.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng không có dấu hiệu giảm đi, làm u ám viễn cảnh lạm phát bị thúc đẩy bởi giá cả hàng hóa.

Con đường thoát khỏi các phong tỏa virus corona  của Trung Quốc cũng vẫn chưa rõ ràng, đe dọa gây thêm áp lực giá trên toàn cầu, ngay cả khi Thượng Hải chuẩn bị cho phép thêm doanh nghiệp trong những khu vực không có COVID hoạt động bình thường trở lại từ đầu tháng Sáu.

Dollar Australia và New Zealand đã nhận được một số hỗ trợ từ các dấu hiệu mở cửa trở lại ở đối tác thương mại lớn của họ, bất chấp tâm lý tránh rủi ro trên thị trường chứng khoán.

Đồng Aussie tăng 1.4% trong tuần này và đồng kiwi tăng 1.49%.

Tuy nhiên, đồng tiền Australia trượt giá vào thứ Sáu, giảm 0.23% xuống $0.7031, do đồng dollar Mỹ bật lên một chút sau khi đồng Aussie tăng 1.33% vào thứ Năm.

“Các đợt phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc là lý do chính vì sao AUD đã chênh lệch rất nhiều so với mức được định theo các yếu tố cơ bản,” theo Carol Kong, nhà phân tích tại Commonwealth Bank of Australia.

"Chúng tôi vẫn tự tin AUD có thể phục hồi mạnh mẽ một khi các phong tỏa được nới lỏng do Trung Quốc quyết tâm sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng."

Đồng Kiwi của New Zealand giữ được khoản tăng 1.41% của ngày hôm trước, tăng thêm một chút lên $0.63845. Ngân hàng Dự trữ New Zealand sẽ đưa ra chính sách vào thứ Tư tuần tới, với kỳ vọng tăng thêm nửa điểm nữa đối với tỷ giá chủ chốt.

Đồng euro giảm 0.07% vào thứ Sáu xuống $1.05735, nhưng vẫn đang trên đà tăng 1.55% hàng tuần.

Đồng bảng Anh giảm 0.07% xuống $1.24615 nhưng tăng 1.66% trong tuần, mức tốt nhất kể từ cuối năm 2020.

Các nhà phân tích của Westpac cảnh báo không nên loại trừ đồng dollar, ngay cả khi đồng tiền này "mất đà tăng một ít."

"Vẫn còn quá sớm để gọi là đây là đỉnh dài hạn, trong bối cảnh điều kiện thị trường toàn cầu bất ổn và Fed kiên định," theo các nhà phân tích của ngân hàng Australia.

Phong Lữ lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1