Chứng khoán Thứ năm, 30/06/2022, 08:56 GMT+7
Chứng khoán châu Á kết thúc quý trong u ám, dollar tăng cao

Chứng khoán châu Á kết thúc một quý khó khăn với tâm trạng ảm đạm vào thứ Năm, 30/6, trong bối cảnh lo ngại biện pháp xử lý lạm phát của các ngân hàng trung ương sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên tồi tệ, dù điều này tỏ ra là một cú hích cho đồng tiền trú ẩn an toàn dollar và trái phiếu chính phủ.

jn30 market

Các nhà hoạch định chính sách hôm thứ Tư, 29/6, đã nhắc lại cam kết kiểm soát lạm phát bất kể nó gây ra tổn thương gì và dữ liệu giá cơ bản của Hoa Kỳ sau đó trong phiên sẽ chỉ càng nhấn mạnh mức độ khó khăn.

Các nhà phân tích tại ANZ cảnh báo: “Lạm phát có thể rất khó chịu. Nó đang lan rộng từ hàng hóa sang dịch vụ và tăng trưởng tiền lương đang tăng nhanh."

"Ngay cả với các đợt tăng lãi suất nhanh chóng, sẽ mất thời gian để giảm sự thắt chặt của thị trường lao động, và điều đó có nghĩa lạm phát có thể vẫn cao hơn trong thời gian dài."

Điều đó cho thấy còn quá sớm để chọn đỉnh cho lãi suất hoặc đáy cho cổ phiếu, dù thị trường đã lao dốc một chặng dài.

Chỉ số S&P 500 mất gần 16% trong quý này, biểu hiện tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, trong khi Nasdaq giảm 21%.

Đầu ngày thứ Năm, hợp đồng tương lai của S&P 500 và Nasdaq đều giảm 0.3% với rất ít dấu hiệu cho thấy quý mới sẽ có những tay săn giá rẻ dũng cảm.

Chỉ số chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương rộng nhất bên ngoài Nhật Bản của MSCI giảm thêm 0.4%, nâng mức giảm trong quý lên 10%.

Nikkei của Nhật giảm 0.8%, dù mức giảm trong quý tương đối khiêm tốn 4% do đồng yen yếu và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cam kết kiên định với các chính sách siêu nới lỏng.

Nhu cầu đối với các đợt kích thích được nhấn mạnh khi dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp Nhật Bản giảm 7.2% trong tháng Năm,  trong khi các nhà phân tích chỉ dự kiến giảm 0.3%.

Các cổ phiếu blue-chip của Trung Quốc tăng 0.6% nhờ một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động dịch vụ tăng rõ rệt.

Nhu cầu dollar cao

Hiện tại, rủi ro suy thoái đã đủ để đưa lợi suất 10 năm của Mỹ trở lại mức 3.085% từ mức đỉnh gần đây 3.498%, dù con số này vẫn tăng 77 điểm cơ bản trong quý.

Đường cong lợi suất tiếp tục đi ngang và chuyển sang tiêu cực trong phạm vi từ ba đến bảy năm, trong khi hợp đồng tương lai gần như được định giá đầy đủ cho một đợt tăng 75 điểm cơ bản nữa của Cục Dự trữ Liên bang trong tháng Bảy.

Sự diều hâu của Fed kết hợp với mong muốn thanh khoản của nhà đầu tư trong thời kỳ khó khăn và mang lại cho đồng USD quý tốt nhất kể từ cuối năm 2016. Chỉ số dollar giao dịch ở mức 105.100, chỉ thấp hơn một chút so với mức cao nhất trong hai thập kỷ gần đây 105.79.

Đồng euro vật lộn ở mức $1.0442, đã giảm 5.6% trong quý cho đến nay, dù vẫn trên mức đáy tháng Năm $1.0348.

Đồng yen Nhật thậm chí còn tệ hơn, với đồng dollar đã tăng hơn 12% trong quý này lên 136.70 và chạm mức cao nhất kể từ năm 1998.

Lãi suất tăng và đồng dollar cao không phải là điều tốt cho vàng, vốn bị mắc kẹt ở mức $1,818/oz, giảm 6% trong quý.

Giá dầu đi ngang vào thứ Năm trong bối cảnh lo ngại nhu cầu xăng của Mỹ suy giảm, ngay cả khi nguồn cung toàn cầu vẫn eo hẹp.

OPEC và OPEC+ sẽ kết thúc hai ngày họp vào thứ Năm với rất ít kỳ vọng họ có thể bơm thêm dầu bất chấp áp lực mở rộng hạn ngạch từ Hoa Kỳ.

Dầu Brent giao tháng Chín tăng 2 cent lên $112.47/thùng, trong khi dầu thô Mỹ giảm 5 cent xuống $109.73.

Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1