Các nước châu Âu đang viết séc trắng để cứu nền kinh tế |
Các chính phủ châu Âu đang viết séc trắng để bảo vệ doanh nghiệp và người lao động khỏi đợt suy thoái kinh tế sâu sắc nền kinh tế toàn cầu đang nhanh chóng lún vào vì đại dịch virus corona. Cho đến nay, Pháp đã có cách tiếp cận táo bạo nhất, hứa hẹn sẽ không có công ty nào được phép thất bại vì căn bệnh đã khiến các doanh nghiệp lớn và nhỏ phải tạm dừng hoạt động. Chính phủ sẽ đảm bảo các khoản vay trị giá hàng trăm tỷ, hoãn thanh toán thuế và tạm hoãn tiền thuê nhà và các hóa đơn tiện ích cho những công ty nhỏ hơn. Và nhà nước Pháp sẵn sàng tiến xa hơn, quốc hữu hóa các ngành công nghiệp nếu cần. "Không có công ty Pháp nào, dù ở quy mô nào, sẽ phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ", Tổng thống Emmanuel Macron nói trong phát biểu trên truyền hình quốc gia vào thứ Hai, 16/3. Cam kết mạnh mẽ đối với việc kinh doanh, một phần trong phản ứng ông Macron so sánh với phản ứng "trong thời chiến", là kế hoạch mới nhất trong một loạt những kế hoạch quyết liệt được các chính phủ châu Âu đưa ra khi chạy đua để đối đầu với dịch bệnh đang giết chết hàng ngàn người và đóng cửa những gã khổng lồ toàn cầu như Renault và Lufthansa, cũng như các cửa hàng, quán bar và nhà hàng. Đức đang huy động ít nhất 500 tỷ euro (550 tỷ USD) trong các khoản bảo lãnh cho vay và cam kết cung cấp thanh khoản không giới hạn cho những công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch, một phần trong một loạt biện pháp được bộ trưởng tài chính Olaf Scholz mô tả vào tuần trước là "bazooka". Quốc gia này cũng sẽ giúp các công ty dễ dàng tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng phát triển quốc gia và hoãn thanh toán thuế cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. "Do tình hình hiện tại rất không chắc chắn, chính phủ đã rất thận trọng quyết định không đặt ra bất kỳ giới hạn nào đối với khối lượng của các biện pháp này", chính phủ Đức nói. "Nếu có bất kỳ dấu hiệu gián đoạn nghiêm trọng nào đối với nền kinh tế, chính phủ Đức ... sẽ sử dụng tất cả nguồn lực sẵn có để chiến đấu một cách mạnh mẽ." Vào thứ Ba, thủ tướng Tây Ban Nha tiết lộ gói giải cứu trị giá 200 tỷ euro (220 tỷ USD) và cho biết chính phủ sẽ cung cấp tất cả vốn cần thiết để ngăn các công ty phá sản. Vương quốc Anh cũng tham gia cuộc chiến vào thứ Ba sau khi bị chỉ trích phản ứng chậm chạp trước khủng hoảng, chỉ đề nghị mọi người tránh tụ tập trong các nhóm lớn vào thứ Hai. Bộ trưởng tài chính Anh, ông Rishi Sunak, tuyên bố chính phủ sẽ hỗ trợ những khoản vay ban đầu 330 tỷ bảng (400 tỷ USD) cho các công ty. Các bên cung cấp thế chấp đã đồng ý hoãn thanh toán trong ba tháng cho những người bị ảnh hưởng bởi virus corona, ông nói. "Chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với một cuộc chiến kinh tế như thế này, nhưng chúng ta đã chuẩn bị tốt," Sunak nói. "Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết." Tính chung, các cam kết lên tới hơn 1.5 nghìn tỷ USD và có thể tăng cao hơn nhiều. Các nhà kinh tế cho rằng hành động kiên quyết để hỗ trợ doanh nghiệp hiện tại, cùng các biện pháp đảm bảo người lao động sẽ không phải đối mặt với đổ vỡ tài chính nếu bị sa thải, có thể hạn chế đáng kể thiệt hại do các hạn chế đi lại và đời sống công cộng, giúp các nền kinh tế phục hồi nhanh chóng một khi cuộc khủng hoảng qua đi. Các biện pháp sẽ nhanh chóng được cần đến. Toàn bộ các lĩnh vực sản xuất đang tiến đến đình trệ ở châu Âu, xu hướng được nhấn mạnh bởi một thông báo từ Volkswagen của Đức vào thứ Ba, rằng họ chuẩn bị đóng cửa hầu hết các nhà máy sản xuất của mình ở châu Âu. Điều này diễn ra một ngày sau khi Fiat Chrysler, PSA Group, chủ sở hữu Peugeot, và Renault tuyên bố đóng cửa 35 cơ sở sản xuất trên toàn châu Âu. Các nhà kinh tế cho rằng thế giới đang rơi vào suy thoái, được xác định với hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Nhưng các nhà phân tích tại ngân hàng ING của Hà Lan vào thứ Hai cho rằng các biện pháp "quyết liệt" ông Macron có thể hạn chế kinh tế suy giảm ở Pháp xuống 1% trong năm nay. "Chúng tôi tin những biện pháp này sẽ giúp kinh tế Pháp phục hồi nhanh hơn sau cuộc suy thoái sâu do Covid-19 gây ra và tiến đến quý thứ ba với số lượng các vụ phá sản lớn được hạn chế và do đó tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn nhiều so với điều một cuộc suy thoái kinh tế với tầm vóc như thế này có thể gây ra.” Các chính phủ quốc gia đang tìm kiếm hỗ trợ từ Liên minh châu Âu cho phương thức tiếp cận toàn diện của họ. Margrethe Vestager, một quan chức hàng đầu của Ủy ban châu Âu, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng bà đang thúc đẩy nới lỏng các quy tắc chống độc quyền sẽ cho phép những công ty gặp khó khăn nhận được khoản trợ cấp nhà nước lên tới 500,000 euro (550,000 USD) và cho vay với lãi suất được trợ cấp. Một quốc gia còn chậm trễ là Hoa Kỳ, vẫn chưa công bố những biện pháp kích thích lớn dù có gần 5,000 trường hợp nhiễm virus corona. Chính quyền Trump đang đề xuất một kế hoạch giải cứu sẽ tiêu tốn khoảng 850 tỷ USD, nhưng không có gì đảm bảo đề xuất sẽ được Quốc hội phê chuẩn. Trong khi đó, các nhà lập pháp Hạ viện đã phê chuẩn một dự luật cải thiện mạng lưới an toàn xã hội cho người lao động bị ảnh hưởng bởi virus corona, nhưng các điều khoản nghỉ ốm và y tế được trả lương vẫn thua xa những gì đang diễn ra ở châu Âu ngay cả khi đề xuất vượt qua được sự phản đối của đảng Cộng hòa Thượng viện. Các hãng hàng không Mỹ đang nhanh chóng cạn kiệt tiền mặt và có thể sẽ cần một gói cứu trợ nếu muốn sống sót qua khủng hoảng, nhưng hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các công ty đang gặp khó khăn có thể gây tranh cãi ở một quốc gia đã từng giải cứu ngân hàng và các hãng sản xuất ô tô trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. "Chúng ta còn nhiều việc phải làm", Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nói vào thứ Ba, "và chúng ta phải tiến hành nhanh chóng." Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|