Tài chính Thứ sáu, 10/02/2023, 08:59 GMT+7
Xu thế tích trữ tiền mặt của người Trung Quốc và tác động đến kinh tế dài hạn

Tích lũy tiền mặt, tiền gửi các hộ gia đình Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục hơn 2,6 nghìn tỷ USD trong năm 2022

f10 china1

Chính quyền Bắc Kinh, Trung Quốc đang cố gắng khởi động lại tăng trưởng kinh tế sau khi loại bỏ đi chính sách kiểm soát dịch COVID-19 chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện vẫn đang tồn tại thách thức: người dân Trung Quốc vay tiền ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn trong năm ngoái, đồng thời hiện chưa rõ đến khi nào người Trung Quốc mới trở lại với cách tiêu tiền phóng khoáng hơn.

Theo WSJ, những cá nhân tại Trung Quốc vay mới ước tính 564 tỷ USD trong năm 2022, giảm một nửa so với khoảng thời gian 1 năm trước, đồng thời đây cũng là mức vay thấp nhất tính từ năm 2014. Mức giảm này có nguyên nhân chính do việc doanh số bán nhà giảm, kết quả số lượng các hồ sơ thế chấp giảm sâu. Tiêu dùng người dân cũng sụt giảm trong thời kỳ phong tỏa do COVID-19, vì vậy họ cũng giảm bớt nhu cầu vay ngắn hạn.

Người dân Trung Quốc thay vào đó tích lũy tiền mặt, theo đó, tiền gửi các hộ gia đình Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục hơn 2,6 nghìn tỷ USD trong năm 2022. Khi không còn nhiều lựa chọn đầu tư hấp dẫn, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có một năm ảm đạm, nhiều người mua nhà sử dụng tiền dư của họ để trả trước tiền thế chấp thay cho việc chi tiêu mua các khoản lớn.

Hành vi tiêu dùng của người Trung Quốc thay đổi dự kiến sẽ gây ra nhiều tác động đến các ngân hàng và doanh nghiệp của nước này. Dù rằng tỷ lệ tiền gửi tăng lên cũng đồng nghĩa các ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ, việc tín dụng chững lại chắc chắn ảnh hưởng đến biên lợi nhuận từ lãi suất tín dụng của họ, đó là khoảng chênh lệch giữa mức phí mà họ tính cho các khoản vay và tiền họ trả cho người gửi. Các doanh nghiệp bao gồm bán lẻ trực tuyến, các hãng xe và công ty du lịch cũng sẽ cần đến tiêu dùng người dân sau khoảng thời gian vài năm khó khăn.

Kể từ khi giới chức Trung Quốc cho phép người dân đi lại tự do từ cuối năm ngoái, tiêu dùng bán lẻ và du lịch đã bắt đầu phục hồi. Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, các hộ gia đình Trung Quốc chi tiêu mạnh tay cho hoạt động đi lại, xem phim và ăn uống tại các nhà hàng.

Tuy nhiên khi mà các yếu tố bất ổn kinh tế vẫn tiếp diễn, các hoạt động mua sắm lớn với tài sản như bất động sản sẽ cần thời gian dài hơn mới có thể phục hồi được, các chuyên gia kinh tế nhận định. Tỷ lệ tiết kiệm cao hơn và cho vay thấp hơn phản ánh cho việc người tiêu dùng cảm thấy mất niềm tin, chính vì vậy họ hạn chế chi tiêu.

“Niềm tin người tiêu dùng đã sụt giảm trong năm vừa qua”, giáo sư ngành tài chính tại Đại học Hồng Kông – ông Zhiwu Chen phân tích. Cũng theo ông Chen, khi người dân cảm thấy lo lắng về tương lai, phản ứng đầu tiên của họ là tiết kiệm tiền.

Khi chính phủ Trung Quốc chấm dứt chính sách không COVID-19 và công bố nhiều biện pháp nhằm hồi sinh lại thị trường bất động sản trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2022, thị trường chứng khoán nước này đã tăng điểm bởi dự báo về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, theo ông Ting Lu, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Nomura, sẽ phải chờ đến quý 3/2023, tiêu dùng người dân mới phục hồi đến ngưỡng trước đại dịch COVID-19.

Thế hệ người dân Trung Quốc sống qua đại dịch COVID-19 có thể có những điểm tương đồng với những người Mỹ sau thời kỳ Đại Suy thoái 1929 trước đây, theo khẳng định của trưởng bộ phận phân tích kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương – ông Li-Gang Liu. Tâm lý của họ có thể hướng nhiều hơn đến việc tiết kiệm.

Kết quả, tăng trưởng GDP có thể thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của phần lớn các chuyên gia kinh tế. Phần lớn các chuyên gia kinh tế đang dự báo về khả năng kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 5% hoặc hơn trong năm nay còn một số ngân hàng đang kỳ vọng kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng hơn 5,5%. Tuy nhiên ông Liu nói rằng nếu tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc quý 1 và quý 2/2022 thấp hơn so với kỳ vọng, các chuyên gia kinh tế có thể phải điều chỉnh lại dự báo của mình.

Dù kinh tế Mỹ từng có thời gian tăng trưởng bùng nổ sau và thậm chí trong đại dịch COVID-19, người tiêu dùng Trung Quốc trong khi đó lại khá mất niềm tin sau khủng hoảng. Một phần của điều này là bởi chính phủ Trung Quốc không có chính sách trợ cấp bằng tiền cho người dân giống như tại Mỹ và nhiều nơi khác, chính vì vậy nhiều người mất việc làm và thu nhập không được bảo vệ. Trải nghiệm này làm cho nhiều người muốn tiết kiệm tiền hơn họ cần thiết nhằm đảm bảo cho an ninh tài chính của họ.

Theo BizLive


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1