Thị trường Thứ năm, 26/07/2018, 10:05 GMT+7
Nguy cơ giá dầu sẽ dẫn đến cuộc suy thoái tiếp theo đang tăng

Giá dầu đã tăng hơn 20% trong nửa đầu năm 2018, và khả năng giá dầu thô sẽ dẫn đến đợt suy thoái kinh tế tiếp theo đang gia tăng. Điều này sẽ không khiến bất kỳ nhà đầu tư có hiểu biết về lịch sử thị trường ngạc nhiên: Giá dầu luôn tăng trước năm cuộc suy thoái trước kia của Mỹ.

jl26 risk1

Tháng 7/2008, thậm chí khi Quỹ Dự trữ Liên Bang Mỹ vẫn đánh cược họ kiểm soát được nền kinh tế, Warren Buffett đã cảnh báo lạm phát “bùng nổ” – trong giá dầu hay giá thép – đều là mối nguy lớn nhất đối với kinh tế Mỹ.

“Giá dầu tăng nhanh luôn là yếu tố đóng góp vào mỗi cuộc suy thoái từ Chiến tranh Thế giới thứ hai,” theo trưởng kinh tế Moody, ông Mark Zandi. Theo một báo cáo của Moody, khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong năm 2020 đã tăng lên 34%, so với 28% trước khi giá dầu tăng mạnh trong năm nay.

Cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump, Đồi Capitol tăng chi tiêu chính phủ, và việc thu hẹp cách biệt giữa lãi suất ngắn hạn và dài hạn cũng đang làm tăng nguy cơ suy thoái. “Tính toán khả năng suy thoái của tôi cho năm 2020 đã tăng đáng kể từ cuối năm ngoái,” ông Zandi nói.

Giá dầu dao động trong phiên giao dịch vào thứ Hai, 23/7, sau khi những bình luận trên Twitter của ông Trump về Iran thêm chất xúc tác địa chính cho giá dầu. Dầu bắt đầu phiên giao dịch mạnh, nhưng dần yếu đi đến cuối ngày. Những dao động trong giá dầu gần đây – đặc biệt vào đầu tuần trước, khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết một số bên mua dầu Iran có thể được cho thêm thời gian trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực và ông Trump cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận cùng hợp tác nhằm điều tiết giá dầu – những điều này cho thấy giao dịch dầu vẫn dễ bị tổn thương trước một cuộc suy thoái.

Các lệnh cấm vận chống Iran, được tái áp đặt khi ông Trump bác bỏ thỏa thuận của người tiền nhiệm nhằm hạn chế Iran phát triển vũ khí hạt nhân, hiện đóng vai trò quan trọng trong giá dầu thô. Vào cuối tháng Sáu, nội các ông Trump tỏ dấu hiệu các bên mua dầu phải ngừng mua dầu thô Iran trước tháng 11, và không lâu sau đó, ông Trump cho biết ông có một thỏa thuận với người Saudi nhằm tăng sản xuất, dù vẫn có nghi ngờ về khả năng Saudi có thể nâng sản xuất lên thêm 2 triệu thùng.

Trong các số liệu báo cáo tháng Sáu, sản xuất của Saudi tăng thêm 500,000 thùng khi nước này cố gắng kềm chế đợt tăng giá gần đây. Nhưng Saudi cũng cho biết họ không thể nâng sản xuất dầu lên trên mức đó trong tháng này.

Đầu tháng Bảy, Sanford C. Bernstein dự đoán giá dầu thô có thể lên đến $150/thùng trong nhiều năm sắp tới. Vào thứ Hai, 23/7, khi các lãnh đạo Hoa Kỳ và Iran đẩy mạnh cuộc chiến ngôn từ, một số nhà phân tích cho rằng giá dầu có thể lên đến $200/thùng nếu Iran đóng cửa Eo Hormus hay có hành động quân sự.

Tình huống để giá dầu thô tăng mạnh trong ngắn hạn là các lệnh trừng phạt của ông Trump có thể rút đi hầu hết, thậm chí là tất cả 2.2 triệu thùng dầu Iran trong không tới 100 triệu thùng dầu trong thị trường toàn cầu mỗi ngày, cùng lúc kinh tế toàn cầu tăng trưởng có nhu cầu tăng 1.7% hàng năm, theo Bjørnar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận các thị trường dầu tại hãng tư vấn Rystad Energy ở Oslo. Thị trường vốn đã chật vật khi mất đến 700,000 thùng dầu Libya mỗi ngày, và còn hơn nữa từ Venezueal, những quốc gia đang vật lộn với các hệ thống sản xuất lỗi thời hoặc bị hư hỏng cũng như bất ổn chính trị trong nước.

Giá dầu cao hơn có thể gây tổn thương nền kinh tế như thế nào

“Nếu giá dầu thật lên đến $100, $125 hay $150, ta sẽ đạt ngưỡng đau nghiêm trọng, không chỉ đối với Hoa Kỳ,” theo Bernard Baumohl, trường kinh tế tại Economic Outlook Group, Princeton, New Jersey. “Không có gì mơ hồ hay nhập nhằng về điều đó. Ta sẽ đạt ngưỡng đau trong ba con số, và khả năng suy thoái toàn cầu cao hơn nhiều… Sẽ là một biến cố lớn.”

Dù vậy, ông Baumohl không tin vào lý thuyết suy thoái. “Một tuyên bố có thể khiến giá dầu tăng hôm nay và giảm vào hôm sau, điểm chủ chốt là tập trung vào những yếu tố cơ bản,” ông nói. Giả định không có cuộc khủng hoảng địa chính lớn nào, và đây là một giả định khá lớn, chúng tôi dự kiến giá sẽ giảm thậm chí với các lệnh cấm vận Iran.”

Lý do: Sản lượng dầu đá phiến Mỹ sẽ tiếp tục tăng từ mức kỷ lục. “Cho đến năm sau, Hoa Kỳ sẽ là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới,” ông Baumohl nói.

Giá dầu thô Mỹ WTI vào khoảng $68 vào thứ Hai, 23/7, trong khi giá dầu thô Brent gần $73.

Vấn đề dầu thô đắc đỏ hơn và những hiệu ứng kinh tế lan truyền làm dấy lên hai câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra khi giá dầu thật sự lên trên $100, và thật sự có bao nhiêu khả năng kịch bản đó có thể xảy ra?

Câu hỏi thứ nhất có thể trả lời, ít nhất một phần, khi sử dụng một số quy tắc theo kinh nghiệm về mức độ chi tiêu cho xăng dầu làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Ông Baumohl trích một ước tính theo đó cứ mỗi xu giá xăng tăng sẽ giảm chi tiêu người tiêu dùng 1 tỷ USD mỗi năm. Ông Zandi ước tính giá dầu thô tăng mỗi $10, tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm 10 – 15 điểm cơ bản, hay 0.1 – 0.15 điểm phần trăm, trong năm sau đợt tăng.

Giá tăng từ $50 lên $75, điều này đã xảy ra, sẽ giảm tăng trưởng khoảng một phần tư đến gần một nửa điểm phần trăm. Theo ông Baumohl, nếu giá dầu đạt $150, một nền kinh tế gần đây tăng trưởng gần 3% sẽ thấy tăng trưởng rơi xuống còn một nửa, và đó là trước khi giá cao hơn kích hoạt lạm phát và buộc lãi suất tăng cao hơn.

“Tôi cho rằng giá dầu $150 trong khoảng thời gian ngắn sẽ khiến tăng trưởng mất đà. Nguy cơ suy thoái sẽ rất cao.”

Trước cuộc suy thoái 2008, giá dầu thô Brent, giao dịch ở châu Âu và được sử dụng ở hầu như khắp nơi trên thế giới, đã tăng lên khoảng $140 vào tháng Sáu năm đó, một tháng trước khi giá xăng Mỹ vượt mức trung bình $4.11. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, giá xăng trung bình hiện khoảng $2.87.

Giá dầu cũng tăng mạnh ngay trước cuộc suy thoái 1990, Từ $15 vào tháng Năm lên $40 trong tháng Chín khi nhà độc tài Iraq, Saddam Hussein đánh chiếm Kuwait. Giá sau đó tăng từ $10, khi bong bóng công nghệ (dot-com boom) được thổi phồng vào cuối năm 1998, lên gần $30 khi chỉ số Nasdaq trung bình đạt đỉnh vào đầu năm 2000.

Câu hỏi khó hơn là liệu giá dầu có thể thật sự tiến đến gần mức $150, hay liệu các nhà cung ứng Mỹ có thể ngăn chặn được tổn thất tồi tệ nhất bằng cách tăng sản xuất trong nước không. Một yếu tố quan trọng khác là liệu họ có xây dựng các đường ống đủ nhanh để đưa dầu thô từ những mỏ “đầy dầu” mới ở Texas – vừa có khả năng khai thác nhờ công nghệ khoan thủy lực – trước khi giá tăng mạnh hay không.

Lẽ thông thường từ khi giá dầu lao dốc năm 2014 là các nhà cung ứng Mỹ, những người cần giá cao hơn để có lời hơn cả nhiều thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC), sẽ đẩy mạnh sản xuất bất kỳ khi nào dầu thô vượt quá $50/thùng.

Điều này bị cản trở vì tình trạng thiếu đường ống cho Khu Lòng chảo Permian của Teas, nơi có hầu hết dầu thô sản xuất với giá rẻ nhất của Mỹ, theo Paul Tossetti, giám đốc điều hành dự báo thị trường dầu thô ngắn hạn tại IHS Markit. Cả ông Tossetti và Tonhaugen của Rystad đều cho rằng vấn đề đường ống không liên quan gì đến những trì hoãn trong việc xây dựng đường ống gây tranh cãi Keystone XL, sẽ bắt nguồn từ Canada.

Các nhà sản xuất Texas bất lực trong việc đưa dầu của họ ra thị trường một cách hiệu quả đang buộc họ phải bán dầu trên các thị trường ở Tây Texas, nơi có giá dầu chuẩn thấp hơn $15 so với dầu bán ở Oklahoma và thấp hơn $18 so với giá dầu thô Brent.

“Đó là khoảng chênh lệch $23-$25/thùng, và đó là khoảng chênh lệch rất nhiều,” ông Tossetti nói.

Trường hợp giá dầu đạt $150 dựa trên việc những công ty dầu lớn giảm chi tiêu vốn dành cho nghiên cứu nguồn cung mới xuống mức thấp nhất trong một thế hệ, hầu hết bên ngoài nước Mỹ, khi giá dầu thô xuống đến $30 trong năm 2016, theo các nhà phân tích của Bernstein do Neil Beveridge dẫn đầu. Những công ty như ExxonMobil và Chevron cắt giảm chi tiêu vốn nhằm bảo vệ giá cổ phần với việc mua lại cổ phiếu và cổ tức, và điều này có nghĩa sẽ thiếu nguồn cung mới.

Theo ông Tonhaugen, nhiều công ty dầu lớn bên ngoài Hoa Kỳ đang tuân thủ các lệnh trừng phạt chống Iran, thậm chí cả những quốc gia không đồng ý với nội các của ông Trump về các lệnh trừng phạt. Sự phụ thuộc vào đồng dollar làm đơn vị trao đổi của thị trường dầu toàn cầu, và vào các ngân hàng, các công ty tái bảo hiểm Mỹ bị trói buộc bởi các lệnh cấm vận, nghĩa là các lệnh trừng phạt Iran có thể sẽ có tác động mạnh khi hoàn toàn có hiệu lực vào tháng 11. “Vẫn chưa ai biết được thế giới sẽ mất bao nhiêu nguồn cung vì Iran, nhưng lần cuối các lệnh cấm vận được áp đặt trong năm 2012, con số đã là 1.2 triệu thùng,” ông Tonhaugen nói.

Các dự án dầu truyền thống mất ít nhất 18 tháng để hoàn tất thăm dò và bắt đầu sản xuất, nhưng các mỏ đá phiến ở Texas và Bắc Dakota có thể thu hẹp thời gian nhiều hơn, theo Chris Lafakis, chuyên gia kinh tế năng lượng tại Analytics. Nhưng những thùng dầu này không thể dễ dàng đến được với thị trường thế giới hay có được giá nhà sản xuất muốn, cho đến khi đường ống mới đi vào hoạt động, và điều đó được kiến sẽ chỉ xảy ra vào cuối năm sau.

“Ý nghĩ sẽ không có phản ứng về phía nguồn cung từ dầu đá phiến Mỹ trước tín hiệu giá mạnh là phi lý,” ông Lafakis nói.

Ông Baumohl tiên đoán giá sẽ giảm trong hai năm tới, dựa trên ảnh hưởng ngày càng tăng của dầu đá phiến đối với thị trường. “Giá sẽ đi xuống trong hai năm tới. Chúng tôi tin rằng dầu WTI sẽ dao động quanh khoảng $40 và $50/thùng.”

Cả Rystad lẫn IHS Markit đều không cho rằng giá sẽ đi xuống, nhưng họ cũng không dự kiến giá sẽ tiến đến gần ngưỡng $150 trước khi các nguồn cung đá phiến tái cân bằng thị trường. Theo ông Tossetti, IHS hiện dự đoán mức giá mục tiêu $75/thùng cho năm tới, dù mức này có thể thay đổi với tình hình biến động. Rystad đưa ra mức $80 nhưng không bao gồm bất kỳ tác động nào từ gián đoạn nguồn cung từ Iran.

“Thị trường đang lúc gay go, khi chúng ta có thể mất nhiều nguồn cung hơn Saudi Arabia [và những nước sản xuất nhỏ khác, như Kuwait] có thể bù vào trong sáu tháng tới. Điều này khiến nguy cơ về giá chuyển sang xu hướng đi lên và dễ bị tổn thương khi năng lực dự trữ toàn cầu bị khảo nghiệm,” theo Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận các thị trường dầu tại Rystad Energy, Oslo.

Nếu dầu dưới $100, ảnh hưởng kinh tế vỹ mô vì giá tăng trong năm nay sẽ vẫn nhỏ, theo Joel Naroff, chủ tịch của Holland, Naroff Economic Advisors tại Pennsylvania. Những tranh chấp trong nội bộ OPEC về hạn ngạch sản xuất làm tăng khả năng điều đó sẽ xảy ra. Khả năng giá dầu tăng làm giảm nhu cầu từ các quốc gia đang phát triển cũng tăng, và nâng cả năng suất đường ống trong năm sau.

Bất chấp các biến động giao dịch trong tuần lễ vừa qua, bối cảnh cung - cầu cơ bản ít nhiều vẫn không đổi, theo ông Tonhaugen. Thị trường sẽ dần mất đi nguồn cung từ Iran đến cuối năm. Những chuyên gia về dầu khác đồng ý rằng dầu xuất khẩu của Iran sẽ không bằng 0 vào tháng 11, nhưng họ dự kiến dầu Iran sẽ giảm đáng kể.

Nguy cơ gián đoạn nguồn cung thêm nữa vẫn còn khi Saudi Arabia phải giảm năng lực dự phòng của mình để bù cho những nguồn cung đang và được dự kiến sẽ tiếp tục mất đi (Venezuela, Libya, Nigeria và Iran). Ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu vì các khoản thuế thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một nguy cơ thật sự, nhưng ảnh hưởng lên nhu cầu thấp hơn nhiều so với những bất ổn tiềm tàng từ phía cung.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1