Doanh nghiệp Thứ sáu, 11/02/2022, 09:24 GMT+7
Hầu hết các CEO cho rằng tăng lãi suất sẽ không nhanh chóng giải quyết được khủng hoảng lạm phát

Cục Dự trữ Liên bang bày tỏ tin tưởng lạm phát sẽ sớm được kiểm soát. Các lãnh đạo doanh nghiệp không quá chắc chắn như vậy.

f11 ceo

Gần 75% CEO cho rằng các đợt tăng lãi suất sắp tới khó có thể kiềm chế lạm phát nhanh như Fed mong muốn vì những hạn chế nguồn cung và việc tăng lương sẽ vẫn tiếp diễn, theo một khảo sát do Conference Board và The Business Council công bố hôm thứ Năm, 10/2.

Chỉ có 21% kỳ vọng các đợt tăng lãi suất - Fed tỏ dấu hiệu khoảng ba lần trong năm nay – sẽ giảm lạm phát.

Và giống như ở Main Street, áp lực lạm phát tiếp tục đè nặng lên tâm trạng của khách hàng ở C-Suite.

Niềm tin của CEO giảm trong quý thứ ba liên tiếp, theo khảo sát của Conference Board, được thực hiện từ ngày 17/1 đến ngày 31/1. Thước đo niềm tin hiện ở mức 57, giảm so với 65 điểm vào cuối năm ngoái. Dù con số này vẫn tích cực, nó thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 82 vào giữa năm 2021.

“Niềm tin của CEO đã giảm hơn nữa kể từ đầu năm 2022 khi các lãnh đạo doanh nghiệp phải vật lộn để đối mặt với lạm phát, thiếu hụt lao động và một đợt tăng ca nhiễm virus khác,” theo Dana Peterson, trưởng kinh tế của Conference Board.

Khoảng 40% CEO được khảo sát cho biết lạm phát khó có thể hạ nhiệt nhanh như Fed muốn vì hạn chế nguồn cung là nguyên nhân chính gây lạm phát. Và 34% dự đoán tiền lương sẽ vẫn tăng do thị trường lao động thắt chặt, và những chi phí này sẽ cần được chuyển đi.

Chuyển chi phí cho khách hàng

Theo khảo sát, 83% CEO cho biết có vấn đề trong việc thu hút lao động có trình độ, so với 79% trong quý tư. Và 85% CEO dự kiến sẽ tăng lương thêm 3% trở lên trong năm tới, so với chỉ 36% một năm trước.

Giá tiêu dùng tăng 7% trong tháng 12 so với năm trước, nhanh nhất trong 39 năm. Các con số mới công bố vào thứ Năm dự kiến sẽ cho thấy lạm phát tăng nhanh trong tháng Giêng lên 7.3%.

Một nửa số CEO cho biết họ kỳ vọng điều kiện kinh tế sẽ cải thiện trong sáu tháng tới, giảm so với 61% trong quý tư. Gần một phần tư (23%) dự kiến tình hình sẽ xấu đi, so với 13% trong quý trước.

Sự bi quan tương đối của các lãnh đạo doanh nghiệp về lạm phát có thể xuất phát từ thực tế nhiều người trong số họ dự định tiếp tục tăng giá để bù đắp chi phí tăng cao họ phải đối mặt.

Khoảng 75% CEO cho biết họ dự kiến sẽ chuyển chi phí vận chuyển và nhân công gia tăng trong năm tới.

Ví dụ, nhà sản xuất hệ thống HVAC, Carrier Global trong tuần này thông báo họ sẽ tăng giá khoảng 1 tỷ USD trong năm nay. Công ty đã phải vật lộn để theo kịp nhu cầu với tình trạng thiếu chip máy tính và công nhân vắng mặt.

"Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát từ năm ngoái sẽ tiếp tục trong năm nay. Chúng tôi sẽ định giá dựa trên giả định đó," Dave Gitlin, Giám đốc điều hành của Carrier, nói. "Nếu lạm phát giảm dần trong năm, điều này sẽ có lợi cho chúng tôi."

Vì sao kỳ vọng lạm phát lại quan trọng

Sự bi quan từ nhà lãnh đạo doanh nghiệp về triển vọng lạm phát tương đồng với tình cảm của công chúng.

Gần 8/10 người Mỹ lo lắng lạm phát sẽ tồi tệ hơn trong sáu tháng tới, theo một thăm dò của Gallup được thực hiện từ ngày 3/1 đến ngày 13/1. Năm mươi phần trăm dự đoán lạm phát sẽ tăng "rất nhiều", trong khi chỉ 9% dự đoán chi phí sẽ giảm.

Kỳ vọng lạm phát cao tiếp tục đặt ra vấn đề đối với Fed.

Rủi ro là nếu người tiêu dùng dự đoán giá sẽ tiếp tục tăng, họ sẽ thay đổi hành vi của mình bằng cách đẩy mạnh mua hàng, làm tăng nhu cầu vốn đã cao. Tương tự, các doanh nghiệp sẽ tích trữ nguồn cung và tăng lương để giữ và thu hút người lao động. Điều này có thể trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1