Doanh nghiệp Thứ sáu, 18/02/2022, 13:04 GMT+7
Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine để đánh giá tác động của nó đối với giá năng lượng, hoặc khả năng gây gián đoạn chuỗi cung ứng.

f18 korea1

“Tôi nghĩ trước tiên, chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ một đợt tăng giá năng lượng đột biến,” ông Yeo Han-koo nói và cho biết thêm 92% nhu cầu năng lượng của Hàn Quốc đang được đáp ứng bằng nhập khẩu.

 “Một số chuỗi cung ứng trong lĩnh vực sản xuất cũng có thể đối mặt với những rủi ro địa chính trị tiềm ẩn này. Vì vậy, chúng tôi đang thực hiện tất cả những biện pháp chính sách này để đối phó với rủi ro."

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã leo thang trong những tháng gần đây khi Nga tăng cường quân đội dọc biên giới với Ukraine.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden hôm thứ Tư, 16/2,  cho biết có khoảng 7,000 binh sĩ đã tham gia cùng 150,000 quân đã ở gần biên giới trong những ngày gần đây, bất chấp tuyên bố của chính phủ Nga một ngày trước đó, rằng Điện Kremlin đang bắt đầu giảm một phần quân của mình dọc theo biên giới Ukraine và đưa họ trở về căn cứ.

Căng thẳng quân sự làm dấy lên lo ngại Nga có thể đang chuẩn bị xâm lược Ukraine, đồng thời gây lo ngại Điện Kremlin sẽ lặp lại việc sáp nhập và chiếm đóng Crimea năm 2014. Moscow đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này.

Giá xăng cũng như giá dầu đã tăng mạnh sau những căng thẳng đó, nhưng giao dịch thấp hơn vào thứ Năm, 17/2.

'Hệ thống cảnh báo sớm' cho chuỗi cung ứng

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc cho biết đất nước ông đang thực hiện các bước để quản lý rủi ro chuỗi cung ứng của mình.

Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc bao gồm ô tô, chip và các thiết bị điện tử khác.

Ông Yeo cho biết chính phủ đang cố gắng xác định những nguyên liệu thô quan trọng nào có thể dễ bị tổn thương.

“Chúng tôi đang cố gắng xác định tất cả những nguyên liệu thô quan trọng có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng của mình và sau đó, chẳng hạn, nếu phụ thuộc quá nhiều nguyên liệu thô quan trọng này vào một hoặc hai quốc gia, điều này cũng có thể dễ bị tổn thương,” ông nói.

Hàn Quốc cũng đang cố gắng phát triển một “hệ thống cảnh báo sớm” nhằm đánh dấu rủi ro đối với một số vật liệu quan trọng. “Nếu có một số loại dấu hiệu hoặc cảnh báo đỏ trong chuỗi cung ứng, chúng tôi có thể ứng phó trước với nguy cơ tiềm ẩn đó ngay lập tức,” ông nói thêm.

Nếu cần thiết, một hệ thống dự trữ hoặc một số loại hệ thống hoán đổi có thể được phát triển với các quốc gia khác.

'Không quốc gia nào' sở hữu chuỗi cung ứng chip

Khi tình trạng thiếu chip toàn cầu kéo dài, ông Yeo đã kêu gọi hợp tác quốc tế để giải quyết vấn đề.

Gã công nghệ khổng lồ Samsung của Hàn Quốc, cùng với TSMC của Đài Loan, hiện đang thống trị ngành sản xuất chip của thế giới.

“Các công ty Hàn Quốc đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn này,” ông Yeo nói. “Chúng tôi tin rằng không quốc gia nào có thể sở hữu toàn bộ chuỗi cung ứng trong lĩnh vực bán dẫn hay bất kỳ ngành công nghiệp nào khác.”

Cuộc khủng hoảng nguồn cung chip liên tục đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của một số ngành - từ ô tô đến thiết bị tiêu dùng, máy tính cá nhân và điện thoại thông minh, vốn cần có bán dẫn để hoạt động.

Ông Yeo cho biết: “Điều rất quan trọng là duy trì hợp tác quốc tế thực sự chặt chẽ trong việc quản lý chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn, pin hoặc xe điện.” Ông nói thêm Hàn Quốc đang phát triển một “mạng lưới quan hệ đối tác” trong lĩnh vực bán dẫn và các chuỗi cung ứng công nghiệp quan trọng khác.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1