Thị trường Thứ hai, 09/05/2022, 09:52 GMT+7
Giá dầu đi xuống do các lo ngại về kinh tế toàn cầu, trước khi EU bỏ phiếu về lệnh cấm dầu Nga

Giá dầu giảm vào thứ Hai, 9/5, cùng với thị trường chứng khoán ở châu Á, do lo ngại suy thoái toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu dầu, khi các nhà đầu tư theo dõi các cuộc thảo luận của Liên minh châu Âu về một lệnh cấm vận dầu Nga, dự kiến sẽ thắt chặt nguồn cung toàn cầu.

m9 oil

Dầu thô Brent giảm 28 cent (0.3%) xuống $112.11/thùng lúc 0153 GMT.

Dầu thô WTI của Mỹ ở mức $109.36/thùng, giảm 41 cent (0.4%).

“Tâm lý tránh rủi ro lớn hơn do lo ngại suy thoái kinh tế và các đợt phong tỏa của Trung Quốc là những yếu tố chính gây áp lực lên giá dầu,” theo nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets.

Thị trường tài chính toàn cầu cũng hoang mang trước những lo ngại về các đợt tăng lãi suất và phong tỏa COVID-19 kéo dài ở Trung Quốc đang gây tổn hại cho nền kinh tế số hai thế giới.

Theo bà Teng: “Các đợt phong tỏa đang diễn ra của Trung Quốc có thể tiếp tục ảnh hưởng đến giá dầu trong thời gian tới. Saudi Arabia giảm giá dầu cũng phản ánh những lo lắng về nhu cầu dầu toàn cầu.

Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, vào Chủ nhật đã hạ giá dầu thô cho châu Á và châu Âu trong tháng Sáu.

Tuần trước, dầu Brent và WTI tăng tuần thứ hai liên tiếp do lo ngại về nguồn cung sau khi Ủy ban châu Âu đề xuất một lệnh cấm vận theo giai đoạn đối với dầu Nga như một phần của gói trừng phạt cứng rắn nhất đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất cần một cuộc bỏ phiếu nhất trí giữa các thành viên EU.

Tuy nhiên, vào cuối ngày Chủ nhật Phó Thủ tướng Bulgaria cho biết nước này sẽ phủ quyết các lệnh trừng phạt dầu của EU đối với Nga nếu nước này không miễn trừ trong lệnh cấm vận được đề xuất.

"Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào thứ Hai, cũng như vào thứ Ba, có thể cần một cuộc họp của các nhà lãnh đạo để đi đến kết luận. Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Nếu có một số quốc gia được miễn trừ, chúng tôi cũng muốn có được sự miễn trừ đó," ông Vassilev nói với đài truyền hình BNT quốc gia.

Bulgaria trước đó cho biết họ sẽ theo đuổi việc được miễn trừ trước lệnh cấm dầu Nga nếu những lựa chọn như vậy được cho phép, nhưng không rõ liệu họ hướng đến miễn trừ hoàn toàn hay một sự trì hoãn tương tự đề xuất vào thứ Sáu đối với Hungary, Slovakia và nước Cộng hòa Czech.

Theo bà Teng, việc miễn trừ "chắc chắn sẽ làm các lệnh trừng phạt kém hiệu quả hơn."

Hôm Chủ nhật, các quốc gia G7 đã cam kết cấm hoặc loại bỏ dần dầu nhập khẩu Nga và Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các giám đốc điều hành của Gazprombank và các doanh nghiệp khác.

Nhật Bản, thuộc G7 và là một trong năm nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga "về nguyên tắc," Thủ tướng Fumio Kishida cho biết hôm Chủ nhật.

Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1