Thị trường Thứ năm, 28/04/2022, 09:28 GMT+7
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt khi Nga ngừng một số nguồn cung

Nga đã bắt đầu ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu, thực hiện lời đe dọa ngừng giao hàng tới những quốc gia "không thân thiện" từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

a28 eu

Hôm thứ Tư, tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom cho biết họ đã dừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Bulgaria và Ba Lan sau khi hai nước này từ chối tối hậu thư của Tổng thống Vladimir Putin phải thanh toán chi phí năng lượng bằng đồng ruble, thay vì euro - một phần trong nỗ lực rộng hơn nhằm vực dậy đồng tiền của Nga khi nền kinh tế nước này chịu áp lực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Động thái này đánh dấu sự leo thang đáng kể trong cuộc xung đột kinh tế giữa Nga và phương Tây, đồng thời là phản ứng nghiêm trọng nhất của Moscow đối với một số vòng trừng phạt của châu Âu được đưa ra từ khi ông Putin ra lệnh xâm lược Ukraine vào tháng Hai.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết việc đình chỉ này tương đương với "hành vi tống tiền." Bà cho biết các quốc gia thành viên EU đã gặp nhau để đàm phán khẩn cấp hôm thứ Tư, và một số nước đã bắt đầu gửi khí đốt đến Ba Lan và Bulgaria.

"Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch của Nga ở châu Âu sẽ kết thúc. Châu Âu sẽ tiến lên trong các vấn đề năng lượng," bà Ursula von der Leyen nói.

Ba Lan và Bulgaria có thể có khả năng đối phó với tình trạng hiện tại, nhưng nếu Nga cắt giảm nguồn cung đến các nước EU khác, đặc biệt là Đức và Italy, sự chuẩn bị của châu Âu sẽ phải trãi qua thử thách nghiêm trọng. Cả hai nền kinh tế G7 đều cho biết họ có ý định tiếp tục thanh toán khí đốt bằng đồng euro hoặc dollar.

Châu Âu có thể đối phó được không?

Theo Ủy ban châu Âu, khoảng 45% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU phụ thuộc vào Nga. Các cơ sở lưu trữ khí đốt của EU đã đầy khoảng 32%, vẫn thấp so với mục tiêu 80% EU đã đặt ra cho các quốc gia thành viên vào tháng 11, theo Cơ sở hạ tầng khí Châu Âu.

Các nhà phân tích tại Berenberg dự đoán châu Âu sẽ có thể chịu đựng được đến  cuối mùa thu trước khi bắt đầu cạn kiệt khí đốt nếu Nga đột ngột cắt nguồn cung.

Nhưng EU đã nhanh chóng hành động để tìm nguồn cung thay thế và giảm nhu cầu.

Trong tháng Ba, các lãnh đạo EU đã cam kết giảm tiêu thụ khí đốt của Nga xuống 66% trước cuối năm nay và phá vỡ sự phụ thuộc của khối vào dầu khí Nga đến năm 2027. Khối này cũng đồng ý với Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều hơn nữa khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ (LNG) trong năm nay. Đức đang đẩy nhanh việc xây dựng các nhà ga LNG và Italy đã ký các thỏa thuận với Ai Cập và Algeria trong tháng này.

“Động thái gây hấn mới nhất này của Nga là một lời nhắc nhở khác rằng chúng ta cần làm việc với những đối tác đáng tin cậy và xây dựng sự độc lập năng lượng,” bà von der Leyen nói.

Ba Lan cũng đã sẵn sàng trong thời điểm như thế này. Dù khí đốt của Nga chiếm khoảng 55% tổng lượng nhập khẩu trong năm 2020, nước này đã đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình trong những năm gần đây. Ba Lan đã xây một nhà ga LNG và chuẩn bị mở một đường ống dẫn khí đốt đến Na Uy vào cuối năm nay.

PGNiG, công ty khí đốt nhà nước Ba Lan, hôm thứ Ba cho biết kho khí đốt dưới lòng đất của họ đã đầy gần 80%. Và các dòng khí đốt dọc theo đường ống Yamal - tuyến vận chuyển mà Nga đóng lại – vốn đã giảm.

“Khí đốt qua Yamal chiếm chưa đến 2% lượng khí đốt vận chuyển bằng đường ống của Nga sang châu Âu từ đầu năm nay,” theo Carsten Fritsch, nhà phân tích về năng lượng, nông nghiệp và kim loại quý tại Commerzbank Research.

Ông Fritsch cho biết thêm, sự chuẩn bị sẵn sàng của Ba Lan giúp giải thích phản ứng khiêm tốn của thị trường.

Giá khí đốt giao sau ở châu Âu đã tăng 24% vào sáng sớm thứ Tư, nhưng kể từ đó đã giảm trở lại, giao dịch cao hơn một chút so với mức trung bình hàng tháng của tháng Tư €100 ($106) mỗi megawatt giờ, theo dữ liệu từ Independent Commodity Intelligence Services.

“Chiến lược rời xa Nga của Ba Lan đã được chứng minh là đúng,” theo các nhà phân tích Kaushal Ramesh và Nikoline Bromander của Rystad Energy.

Theo số liệu của EU, gần 75% lượng khí đốt nhập khẩu của Bulgaria hiện phụ thuộc vào Nga. Nhưng chính phủ nước này hôm thứ Ba cho biết họ đã thực hiện các bước để tìm nguồn cung thay thế, và đang xây dựng một đường ống dẫn khí đốt đến Hy Lạp.

"Hiện tại, không có biện pháp hạn chế nào được áp dụng đối với việc tiêu thụ khí đốt ở Bulgaria," Bộ Năng lượng cho biết trong một tuyên bố.

Nước Đức thì sao?

Nhưng thiệt hại do việc ngừng cung cấp khí đốt đột ngột có thể gây ra cho Đức mối quan ngại lớn nhất.

Theo Bộ Kinh tế nước này, nền kinh tế lớn nhất châu Âu thường nhập khẩu khoảng 55% lượng khí đốt từ Nga. Dù họ đã cố gắng giảm tỷ trọng nhập khẩu của Nga xuống 40% trong những tuần gần đây, việc ngừng đột ngột sẽ là thảm họa đối với ngành công nghiệp nặng của Đức, vốn đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu nguyên liệu thô.

Việc cắt đứt nguồn năng lượng chính đột ngột có thể dẫn đến cắt giảm sản lượng và xuất khẩu, đồng thời đe dọa sự tồn tại của nhiều nhà sản xuất vừa và nhỏ.

Ngân hàng trung ương Đức tuần trước cho biết việc ngừng hoạt động đột ngột sẽ đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái sâu. Theo phân tích của năm viện kinh tế hàng đầu, khoảng 550,000 việc làm và 6.5% sản lượng kinh tế hàng năm có thể bị mất trong năm nay và năm sau.

“Nếu chúng tôi mất Nord Stream 1 qua Biển Baltic vào Đức, đây sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn,” theo Ole Hvalbye, nhà phân tích khí đốt tự nhiên tại ngân hàng Thụy Điển SEB.

Tháng trước, chính phủ Đức đã khởi xướng kế hoạch khẩn cấp ba giai đoạn đầu tiên có thể dẫn đến việc chia khẩu phần khí đốt, trong đó các hộ gia đình và bệnh viện được ưu tiên hơn nhiều nhà sản xuất.

Henning Gloystein, giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Tập đoàn Eurasia, cho biết, với sự cắt giảm nguồn cung lớn từ Nga, Đức và Italy - những quốc gia phụ thuộc khoảng 41% nhu cầu khí đốt vào Nga - có thể tránh được việc chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông tới nếu họ hành động nhanh chóng.

“Đức và Italy cần cố gắng giảm tiêu thụ khí một cách cơ bản bằng cách thay những lò hơi gia đình bằng các hệ thống thay thế như máy bơm nhiệt nước và yêu cầu các hộ gia đình sử dụng ít khí đốt hơn để sưởi ấm hoặc làm mát,” ông nói.

Ông nói thêm: “Các công ty tiện ích châu Âu sẽ cần tiến vào thị trường LNG và đặt hàng càng nhiều tàu chở dầu càng tốt trong những tuần và tháng tới.”

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1