Thị trường Thứ ba, 16/10/2018, 13:47 GMT+7
Dầu là vũ khí mạnh của Saudi Arabia, nhưng chứa đựng rủi ro lớn khi sử dụng

45 năm trước, Saudi Arabia và các đồng minh cắt nguồn cung dầu cho Mỹ vì nước này ủng hộ Israel. Giá dầu tăng gấp bốn lần, gây nên cú shock khổng lồ cho kinh tế toàn cầu.

o16 saudi

Giờ đây, vương quốc này đang đối mặt với các đe doạ trừng phạt vì sự biến mất không được giải thích của một nhà báo của tờ Washington Post, ông Jamal Khashoggi, và nước này nói đến việc trả đũa nếu Hoa Kỳ thực hiện cấm vận. Một nhà bình luận Saudi hàng đầu thậm chí còn ám chỉ dầu có thể một lần nữa sẽ được sử dụng như một vũ khí.

Viết trên trang cá nhân của mình, ông Turki Aldakhil, tổng giám đốc kênh tin tức Al-Arabiya của Saudi, cảnh báo vào Chủ Nhật Hoa Kỳ sẽ “đâm chết nền kinh tế của chính mình” và giá dầu sẽ lên đến $200/thùng nếu Wshington cấm vận Riyadh.

Giá dầu không đổi vào thứ Hai, cho thấy các thị trường cho đến giờ đã bỏ qua nguy cơ Saudi Arabi có thể hạn chế nguồn cung. Phát biểu tại Ấn Độ vào thứ Hai, bộ trưởng năng lượng Saudi, ông Khalid al-Falih, nói vương quốc này sẽ tiếp tục hành động như “ngân hàng trung ương của thị trường dầu” giữ cho cung và cầu cân bằng.

Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng vì nhà báo Khashoggi leo thang, theo các chuyên gia dầu mỏ, lời cam kết này có thể tan thành mây khói.

Một lời đe dọa giữ lại nguồn cung bổ sung “chắc chắn có thể gây áp lực khiến giá lên,” theo Helima Croft, ngưởi đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets.

Và Saudi Arabia có thể đi xa hơn, bằng cách “tăng chậm chạp” sản lượng bù cho các khoản giảm từ nguồn cung của Iran khi các cấm vận của Mỹ có hiệu lực vào tháng sau, ông Croft nói thêm.

Lấp đầy chỗ trống của Iran.

Saudi Arabia bơm khoảng 10.5 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo số liệu của OPEC. Nước nảy trước đó cho biết họ sẳn sàng, cùng với Nga, lấp đầy khoản trống nguồn do các lệnh cấm vận chống Iran gây ra.

“Chúng tôi dự kiến sản xuất dầu thô của Iran sẽ giảm gần 1 triệu thùng/ngày,” theo Bjørnar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu tại Rystad Energy. “Saudi Arabia là nước duy nhất có năng lực dự trữ… để bù cho những thiếu hụt như thế.”

Các thị trường dầu thế giới biến đổi khi sản lượng dầu Mỹ tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Lần đầu tiên kể từ năm 1973, Hoa Kỳ trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, theo các ước tính sơ bộ công bố vào tháng trước.

Vì thế, nước Mỹ ít phụ thuộc vào dầu của Saudi hơn rất nhiều. Năm 2017, theo Cục Thông tin Năng lượng, Hoa Kỳ nhập khẩu 9% dầu từ Saudi Arabia. Nhập khẩu từ Saudi Arabia đã giảm gần một nửa trong 25 năm.

Nhưng thế giới, và Hoa Kỳ vẫn cần dầu của vương quốc này. Dù lượng dầu Saudi nhập khẩu vào Mỹ đã giảm, nước này vẫn là nguồn cung dầu đứng thứ hai ở Mỹ, chỉ sau Canada.

Tăng mạnh rồi vỡ tan?

Bất kỳ động thái cắt giảm nguồn cung nào của Saudi cũng sẽ đẩy giá toàn cầu lên, đánh vào túi tiền của các lái xe và buộc lạm phát tăng thêm, vốn đã là một mối đe dọa đối với kinh tế Mỹ.

Một cú shock về dầu như thế sẽ diễn ra trong thời điểm rất nhạy cảm. Tổng thống Donald Trump đã tấn công OPEC, cho thấy ông lo ngại giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng sau. Và những lo ngại về lạm phát đã giúp đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh, tạo ra làn sóng xáo động ở Wall Street.

“Với kịch bản Saudi Arabbia thu hẹp sản lượng, có khả năng điều này sẽ dẫn đến giá cao hơn. Cao bao nhiêu, sẽ phụ thuộc họ giảm sản lượng bao nhiêu,” theo Warren Patterson, chiến lược gia hàng hóa tại ING.

Dầu đạt $100/thùng vào cuối năm này “không phải là không thể” nếu sản xuất của Saudi Arabia thu hẹp, theo Robin Mills, CEO của Qamar Energy.

Đây là một chiến lược mạo hiểm. Saudi Arabia có thể tự bắn vào chân mình.

“Giá cao hơn có thể khiến nhu cầu giảm mạnh trong ngắn đến trung hạn, trong khi về lâu dài, điều này chỉ đẩy nhanh thêm những thay đổi cơ cấu chúng ta đang nhận thấy trong các thị trường năng lượng, có liên quan đến chuyển đổi năng lượng,” theo ông Patterson.

Điều này cũng có thể khuyến khích mọi người sử dụng công nghệ sạch hơn.

“Lợi ích của Saudi Arabia là giữ cho giá có chừng mực để tránh tổn hại kinh tế toàn cầu và nhu cầu giảm mạnh, tránh mất thị phần vào tay dầu đá phiến và khuyến khích những công nghệ không sử dụng dầu như xe điện,” ông Mills nói.

Ông Patterson cũng đồng ý với quan điểm này: “Giá dầu cao hơn trong một thời gian dài có thể giúp đẩy nhanh tốc độ thâm nhập của xe điện.”

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1