Chứng khoán Thứ sáu, 14/01/2022, 13:10 GMT+7
Cổ phiếu châu Á giảm do lập trường chính sách diều hâu của các quan chức Fed

Chứng khoán châu Á giảm mạnh vào thứ Sáu, 14/1, sau một loạt nhận xét mới từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang, củng cố kỳ vọng lãi suất của Mỹ có thể tăng ngay trong tháng Ba, khiến thị trường chuẩn bị cho các điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn.

j15 asia1

Vào thứ Năm Thống đốc Fed Lael Brainard đã trở thành quan chức ngân hàng trung ương mới nhất và cao cấp nhất tỏ dấu hiệu lãi suất sẽ tăng trong tháng Ba để chống lạm phát.

Thị trường chứng khoán chuyển sang đỏ đậm khi các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn trong các tài sản an toàn hơn như nợ chính phủ.

Chỉ số cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương rộng nhất bên ngoài Nhật Bản của MSCI giảm 0.8% trong phiên giao dịch giữa buổi sáng, trong khi Australia  (.AXJO) mất 1.2% và Nikkei của Nhật Bản (.N225) giảm 1.9% vào giờ nghỉ giữa buổi.

Cổ phiếu Hàn Quốc (.KS11) giảm 1.5% sau khi ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản lên 1.25% vào thứ Sáu, đưa lãi suất trở lại vị trí trước đại dịch khi nước này tìm cách kiềm chế giá người tiêu dùng tăng.

Chỉ số blue-chip của Trung Quốc (.CSI300) giảm 0.3% và chỉ số Hang Seng của Hong Kong (.HIS) giảm 0.6%.

"Mọi người lúc này thực sự rất lo lắng. Đó là bởi vì mọi thứ đều có khả năng chịu áp lực từ chính sách quyết liệt của Fed,” theo Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tại IG ở Melbourne.

Ông nói thêm: “Có hy vọng sẽ là một sự chuyển đổi chậm chạp và không đau đớn sang chính sách bình thường. Nhưng điều đó không đảm bảo với việc Fed rất quan tâm đến lạm phát."

Thống đốc Fed Christopher Waller, người đã nhiều lần kêu gọi phản ứng quyết liệt hơn đối với lạm phát cao, vào cuối ngày thứ Năm cho biết có thể có một loạt bốn hoặc năm lần tăng lãi suất liên tục nếu lạm phát không giảm.

Lạm phát của Mỹ được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 7.0% trong tháng 12, mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm ngoái trong gần 4 thập kỷ.

Chuyển sang vùng an toàn

Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 1.725%, tăng dần lên mức cao nhất gần hai năm vào thứ Hai, cho thấy các nhà đầu tư nghiêng về sự an toàn của trái phiếu chính phủ hơn là các cổ phiếu tăng trưởng và công nghệ dễ biến động.

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản đạt đến 0.156%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.

Các thị trường đang đối mặt với rủi ro nhu cầu trú ẩn an toàn ngày càng tăng kéo dài thêm, đặc biệt xung quanh các sự kiện quan trọng liên quan đến chính sách ngân hàng trung ương Hoa Kỳ và dữ liệu của Hoa Kỳ, theo Rodda của IG.

"Đây là một vấn đề bởi mọi tài sản được cho là đã bị thổi phồng bởi chính sách tiền tệ nới lỏng,"  ông nói thêm.

"Mọi tài sản sẽ phải điều chỉnh để phản ánh chính sách tiền tệ cao hơn hoặc thắt chặt hơn."

Sự thay đổi diều hâu của Fed có xu hướng mang lại lợi ích cho đồng dollar Mỹ, dù dollar không tăng nhiều vào thứ Sáu, mất điểm so với đồng yen Nhật Bản, vốn theo truyền thống thu hút nhu cầu chuyển hướng đến nơi an toàn.

Chỉ số dollar không đổi ở mức 94.767, chốt trên mức thấp nhất trong hai tháng 94.660 vào thứ Năm và giao dịch trong phạm vi hẹp hơn sau ba ngày giảm mạnh.

Đồng euro tăng lên $1.1464, dao động gần mức cao nhất trong hai tháng $1.1481.

Đồng yen Nhật Bản được lợi trong bối cảnh tránh rủi ro, giao dịch ở mức 113.85, gần mức mạnh nhất so với đồng bạc xanh trong ba tuần rưỡi.

Trên thị trường hàng hóa, giá vàng vững chắc hơn ở mức $1,823/ounce nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh của tháng Một $1,831.

Giá dầu giảm do các nhà đầu tư chốt lời sau hai ngày tăng trong bối cảnh lo ngại về việc Mỹ mạnh tăng lãi suất, dù các khoản giảm phần nào được bù đắp nhờ hy vọng về nhu cầu mạnh trên thị trường với nguồn cung thắt chặt trong dài hạn.

Dầu Brent giảm 27 cent xuống $84.20/thùng, trong khi dầu thô Mỹ giảm 43 cent xuống $81.69.

Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1