Cổ phiếu châu Á tăng cao thận trọng khi các nhà đầu tư chờ cập nhật chính sách của Fed |
Thị trường chứng khoán châu Á khởi đầu thận trọng vào thứ Tư, 26/1, sau một phiên giao dịch biến động khác của Phố Wall, khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho kết quả từ cuộc họp của Fed vào cuối ngày và các gợi ý về việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn. Chỉ số cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương rộng nhất bên ngoài Nhật Bản của MSCI tăng 0.26% vào đầu ngày thứ Tư, nhưng chỉ số này đã giảm 2.4% trong năm nay và đang tiến đến mức thấp nhất trong một năm hồi giữa tháng 12. Những lo ngại việc Fed dự kiến tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán châu Á đã kéo theo chỉ số chuẩn khu vực, dù các động thái ở những nơi khác thậm chí còn kịch tính hơn. Trên toàn cầu, chứng khoán Hoa Kỳ có tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2020 vào tuần trước và chỉ số thế giới của MSCI chắc chắn sẽ có mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công thị trường hồi tháng 3/2020. Chỉ số Nikkei của Nhật mất 0.8%, dao động quanh mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Fed sẽ cập nhật kế hoạch chính sách của mình vào cuối ngày thứ Tư, có khả năng cho biết về thời điểm tăng lãi suất dự kiến và thu hẹp bảng cân đối kế toán khổng lồ của mình. “Các thị trường châu Á hiện đang bị ảnh hưởng bởi biến động trên các thị trường toàn cầu, lo ngại Fed thắt chặt vốn trong bối cảnh lạm phát cao hơn và tình trạng không chắc chắn về các sự kiện ở Nga và Ukraine,” theo Mansoor Mohi-uddin, trưởng kinh tế tại Bank of Singapore. Căng thẳng ngày càng gia tăng khi quân đội Nga đổ bộ ở biên giới Ukraine, gia tăng thêm tâm lý tránh rủi ro của các nhà đầu tư. "Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng cuộc họp của Fed sẽ không làm tăng thêm biến động. Ngân hàng trung ương dự kiến sẽ chỉ hoàn thành việc nới lỏng định lượng vào tháng Ba và dù tỏ dấu hiệu lãi suất có khả năng cũng được nâng lên trong tháng Ba, Fed sẽ xác nhận kỳ vọng của thị trường tăng hàng quý 25 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay thay vì thắt chặt mạnh mẽ hơn trong năm nay," ông Mohi-uddin nói thêm. Thị trường tiền tệ được định giá cho lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed vào tháng Ba, với các mức tăng thêm ba điểm phần tư đến cuối năm. Fed thắt chặt chính sách đang gây áp lực khiến một số ngân hàng trung ương ở châu Á phải đi theo, có khả năng làm tổn thương các thị trường chứng khoán như đã xảy ra năm 2013 khi ngân hàng trung ương Hoa Kỳ bắt đầu giảm các biện pháp kích thích tài chính sau khủng hoảng tài chính. Các nhà phân tích tại Nomura cho biết: “Chừng nào sự hỗn loạn vẫn còn được kiềm chế tương đối đối với thị trường chứng khoán, giới hạn để Fed trở nên ôn hòa là rất cao.” Một số ủy viên chính sách của Fed sẽ cho rằng đợt bán tháo cổ phiếu mới nhất có khả năng loại đi một số "bọt" trên thị trường, vì vậy điều này sẽ không thay đổi quan điểm của họ, đặc biệt trong bối cảnh lo lắng lạm phát cao. Vào đầu giờ giao dịch sáng thứ Tư, chỉ số blue-chip của Trung Quốc tăng 0.4%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0.6%. Trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ ổn định vào thứ Tư, với lợi suất trái phiếu hai năm ở mức 1.0273%, giữ vững mức tăng hồi đầu tháng này. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn đạt 1.7814%, thấp hơn một chút so với mức cao nhất hai năm 1.9% vào tuần trước. S&P 500 tương lai giảm 0.13% và Nasdaq tương lai đi ngang. Vào ngày giao dịch trước, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 0.19%, S&P 500 mất 1.22% và Nasdaq Composite giảm 2.28%. Chỉ số dollar so với nhóm tiền tệ đối thủ chính hầu như không thay đổi, dù đồng bạc xanh đã mất một số điểm so với đồng yen trú ẩn an toàn. Dầu thô Mỹ giảm 0.4% trong ngày thứ Tư xuống $85.26/thùng và dầu Brent giảm 0.16% xuống $88.04/thùng. Vàng giao ngay tăng 0.1% lên $1,848.41/ounce, sau khi chạm mức cao nhất trong hai tháng qua đêm do các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn. Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|