Các quốc gia RCEP đề xuất gói hợp tác để Ấn Độ trở lại bàn đàm phán |
Các thành viên của tổ chức Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã đề xuất với Ấn Độ một gói hợp tác để trở lại bàn đàm phán, tính đến mối lo ngại của quốc gia này về thuế suất cơ bản và các biện pháp bảo vệ thương mại đặc biệt.
Các thành viên của khối kêu gọi Ấn Độ đưa ra phản ứng ban đầu đối với hợp tác trước ngày 15/5 khi khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương chuẩn bị cho một trật tự kinh tế hậu Covid-19, theo ET. Gói hợp tác được đưa ra sau khi các thành viên RCEP cho biết họ sẽ chào đón Ấn Độ trở lại bàn đàm phán để gia nhập khối thương mại khu vực. Gói hợp tác RCEP thừa nhận việc Ấn Độ muốn ưu tiên sử dụng các mức thuế suất tối huệ quốc gần đây hơn so với mức lãi suất cơ bản năm 2014. “Các bên sẽ hoan nghênh những đề xuất tiếp cận thị trường mới của Ấn Độ sử dụng thuế quan tối huệ quốc 2019 đối với một số sản phẩm được quan tâm của Ấn Độ để nước này đàm phán song phương với các quốc gia tham gia RCEP. Điều này được đưa ra trên cơ sở kết quả việc tiếp cận thị trường, đạt được thông qua các đàm phán song phương, sẽ vẫn cân bằng và các cam kết thuế quan của Ấn Độ sẽ được tất cả các bên chấp nhận,” theo ghi chú RCEP trong gói hợp tác. “Hình thức hiện tại của hiệp ước RCEP không phản ánh đầy đủ tinh thần cơ bản và các nguyên tắc hướng dẫn đã được thống nhất của RCEP,” Thủ tướng Narendra Modi nói trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh RCEP ở Bangkok tháng 11 năm ngoái. Ấn Độ có thâm hụt thương mại với 11 trong số 15 quốc gia RCEP. Về nguyên tắc, RCEP đồng ý kết hợp cơ chế bảo vệ dựa trên khối lượng và sẽ hoan nghênh ý kiến về những sản phẩm Ấn Độ sẽ muốn áp dụng biện pháp bảo vệ đặc biệt. “Các bên tham gia hiểu được tầm quan trọng của việc xác định những giải pháp làm hài lòng các bên về các vấn đề này, trong khi lưu ý những tiến bộ đạt được cho đến nay trong các đàm phán tiếp cận thị trường nói chung nên được bảo lưu càng nhiều càng tốt và những yêu cầu về các sản phẩm cụ thể nên được đưa ra nếu có thể,” theo gói hợp tác được đề xuất với Ấn Độ. Ấn Độ không có thỏa thuận thương mại tự do với Australia, Trung Quốc và New Zealand. Ba thành viên RCEP này vẫn cam kết tiếp tục đàm phán để có được kết quả với Ấn Độ khiến các bên đều hài lòng về những biện pháp bảo vệ đặc biệt bảo vệ được lợi ích của tất cả các thành viên. Một số thành viên RCEP cho biết Ấn Độ có nhiều điều để đóng góp cho hiệp ước, không chỉ là thị trường khổng lồ mà còn là sự có mặt của nước này trong các vấn đề khu vực nói chung. “Ấn Độ có thể đóng góp rất nhiều. Covid-19 đã chứng minh cho sự đóng góp của Ấn Độ trong các thành phần dược phẩm và khả năng hỗ trợ y tế cho những nước khác, cũng như nghiên cứu kỹ thuật và y tế,” theo một nhà ngoại giao cao cấp từ một quốc gia thành viên RCEP. “Một thế giới kỹ thuật số trong tương lai sẽ dựa vào lực lượng kỹ sư của Ấn Độ. Ấn Độ cũng cần khu vực vì họ không thể đạt được tầm nhìn và tham vọng của mình mà không có sự hợp tác các bên cùng có lợi với các nước láng giềng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.” Theo một tuyên bố chung, các thành viên RCEP “đã khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác với Ấn Độ để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng” tại cuộc họp lần thứ 29 của ủy ban đàm phán thương mại RCEP được tổ chức trực tuyến vào các ngày 20, 22 và 24 tháng Tư. Xem Ấn Độ là thành viên tham gia ban đầu có giá trị, các thành viên sẽ chào đón Ấn Độ trở lại các cuộc đàm phán RCEP. RCEP hiện tại gồm các thành viên từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Khánh Lâm lược dịch
Theo Economic Times
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|