Thị trường Thứ ba, 23/07/2019, 10:08 GMT+7
Brexit có thể có ý nghĩa gì với nền kinh tế Hoa Kỳ

Sau ba năm dài đàm phán và khả năng có một Brexit không thỏa thuận đang tăng lên hàng ngày, các nhà kinh tế dự báo điều này có thể có ý nghĩa gì đối với kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính của nước này khi nước Anh cuối cùng rời khỏi EU.

jl23 brexit

Một cuộc đua vào vị trí lãnh đạo kế nhiệm Thủ tướng Theresa May hầu như đã trì hoãn Brexit, nhưng bất kỳ ai chiến thắng – cựu Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson hay ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt – cũng sẽ phải nhanh chóng quan tâm đến vấn đề này, khi xét đến hạn chót rời EU vào ngày 31/10.

Ảnh hưởng của Brexit lên kinh tế Mỹ, không chỉ lên kinh tế Anh, đa phần sẽ phụ thuộc vào hình thức nước Anh ra đi như thế nào và nước Anh còn liên hệ với EU chặt chẽ đến mức nào – cũng như điều này sẽ xác định các quan hệ thương mại mới của nước Anh đến mức nào.

Những người ủng hộ Brexit muốn nước Anh có các thỏa thuận thương mại với những quốc gia bên ngoài EU, nhưng họ không thể đàm phán những thỏa thuận này khi vẫn còn nằm trong EU – vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nước Anh với tư cách là một khối. Hoa Kỳ là quốc gia đối tác thương mại lớn nhất của Anh.

Một số người ủng hộ Brexit nhất định nước Anh hiện phải rời EU dù điều gì có xảy ra vào ngày 31/10 và tin rằng một Brexit “không có thỏa thuận” còn hơn là một liên minh có khả năng kéo dài đến vô tận với EU như một thành viên không chính thức.

Thỏa thuận thương mại “Nước Mỹ trên hết?”

Thâm hụt thương mại của Mỹ (nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu) với bất kỳ quốc gia nào luôn là vấn đề với Tổng thống Donald Trump và các tranh chấp thương mại và thuế của ông này với Trung Quốc và EU đều phản ánh điều này. Dù vậy nước Anh hầu như thoát được sự phẫn nộ của ông Trump bởi Hoa Kỳ có thặng dư thương mại với Anh.

Giao thương hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Vương quốc Anh tổng cộng ước tính đạt 262.3 tỷ USD trong năm 2018, theo văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, với xuất khẩu đạt 141.1 tỷ USD và nhập khẩu đạt 121.2 tỷ USD, mang đến thặng dư 19.9 tỷ USD trong giao thương hàng hóa và dịch vụ cho Mỹ trong năm 2018.

Ông Trump đã hứa với Anh một thỏa thuận thương mại hậu Brexit “phi thường” nhưng không ai tin rằng “mối quan hệ đặt biệt” của Anh với Hoa Kỳ sẽ trở thành một thỏa thuận thương mại có lợi cho cả hai bên như thế. Thứ nhất, theo Phó chủ tịch HIS Markit, ông Dan Yergin, “thách thức đối với nước Anh sẽ là làm cho ‘mối quan hệ đặt biệt’ này thật đặt biệt.”

Có khá nhiều câu hỏi về những gì một thỏa thuận thương mại sẽ đòi hỏi, nhưng ông Trump cũng đã gây phản ứng giận dữ trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Anh khi ông nói “mọi thứ đều được đặt trên bàn” khi nói đến các thảo luận thương mại và trong đó có cả dịch vụ sức khỏe được bảo vệ chặt chẽ của Anh, NHS.

“Điều không thể đàm phán”

Nhà kinh tế Mỹ cao cấp Andrew Hunter của Capital Economics tin rằng Hoa Kỳ thật sự không được nhiều – hay mất – từ một cuộc Brexit hỗn loạn, hay thậm chí một thỏa thuận thương mại, khi xuất khẩu của Mỹ chỉ chiếm 0.7% GDP của nước này.

“Có thể có nỗ lực từ phía Anh, ít nhất để tăng cường quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Hoa Kỳ bù cho những mối quan hệ mất đi với EU, và một thỏa thuận thương mại toàn diện Mỹ - Anh có thể là một cú hích nhẹ cho kinh tế của cả hai bên.”

“Nhưng trong trường hợp của Mỹ, cú hích đó thật sự sẽ rất nhỏ. Tôi cũng thấy khó mà tưởng tượng sẽ có được một thỏa thuận thương mại, ít nhất trong khi ông Trump vẫn tại vị. Nội các Mỹ muốn bất kỳ thỏa thuận nào cũng bao gồm việc tiếp cận đáng kể mảng nông nghiệp của Anh và thậm chí cả NHS, cả hai đều là những điều không thể đàm phán từ quan điểm của chính phủ Anh,” ông nói thêm.

Bộ trưởng tài chính sắp mãn nhiệm của Anh, ông Philip Hammond đã tóm tắt chính phủ Anh có thể cảm thấy như thế nào khi nói đến soạn thảo một hiệp ước thương mại với Hoa Kỳ. Ông nghi ngờ bất kỳ thỏa thuận nào cũng rất có khả năng có lợi cho Mỹ.

“Các thỏa thuận thương mại về bản chất rất phức tạp và cái tôi nghe tổng thống nói rằng “Chúng tôi muốn có một thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh” cũng giống như tổng thống nói “Nước Mỹ trên hết,” ông nói. “Ý tưởng của tổng thống về một thỏa thuận thương mại có thể không hoàn toàn trùng với ý tưởng của một số người về một thỏa thuận thương mại ở Anh.”

Biến động thị trường

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp e sợ kịch bản “không có thỏa thuận” đối với nước Anh bởi điều này có nghĩa nước này sẽ rời EU mà không có quá trình chuyển giao cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh với môi trường bên ngoài EU. Các nhà kinh tế lưu ý điều này cũng sẽ gây biến động thị trường.

“Fed đã đề cập rõ ràng đến sự bất ổn từ Brexit như một yếu tố tiềm năng ảnh hưởng đến triển vọng của Mỹ và chắc chắn một Brexit không có thỏa thuận sẽ gây ra thời kỳ biến động trong các thị trường tài chính toàn cầu, và nếu điều này kéo dài, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của Mỹ,” ông Hunter nói.

“Vì thế, đáng để nhớ rằng tình trạng biến động trong thị trường tài chính sau khi có kết quả trưng cầu dân ý năm 2016 xảy ra khá nhanh, và chúng tôi e điều tương tự sẽ xảy ra lần nữa.”

Cuộc bỏ phiếu Brexit ban đầu khiến chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 5 hoặc 6% trong tháng 6/2016, và nhiều nhà kinh tế Mỹ cho rằng Brexit có thể làm giảm đi đến 0.5 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của nước này. “Nhưng cổ phiếu nhanh chóng phục hồi và cả những dự báo Brexit sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ cũng thế,” theo Chris Rupkey, giám đốc điều hành kiêm giám đốc kinh tế tài chính tại MUFG, New York.

Đa số các nhà kinh tế đồng ý rằng khó mà đong đo được chính xác tác động của một Brexit “không có thỏa thuận” bởi đây là kịch bản chưa từng có tiền lệ và không hề chắc chắn.

Nhà kinh tế Malcolm Barr của J.P. Morgan cho rằng “cực kỳ khó khăn” khi thử đưa con số vào quy mô của cú shock cho hậu quả có thể xảy ra trong trường hợp không có được một thỏa thuận khi Brexit diễn ra.

“Cơ bản không có tiền lệ để chúng ta có thể xác định một cú shock kiểu này đồng thời diễn ra ở các lĩnh vực,” ông nói. Trong khi đó, Dan Yergin tại HIS lưu ý “nếu Brexit trở thành một cú shock lớn hơn đối với kinh tế Anh và châu Âu, ảnh hưởng sẽ được cảm nhận ở Mỹ.”

Có một số công ty, chẳng hạn những công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, chịu nguy cơ nhiều hơn đối với những tác động từ một Brexit cứng – như giá sản phẩm cao hơn và nhu cầu người tiêu dùng bị tổn hại, theo James Knightly, giám đốc kinh tế quốc tế tại ING, London.

“Thực tế, chúng ta sẽ thấy những ví dụ người tiêu dùng chuyển từ những nhãn hàng cao cấp (Mỹ) sang những lựa chọn rẻ tiền hơn dưới áp lực chi tiêu hộ gia đình. Tuy nhiên, tôi sẽ tranh luận rằng mối nguy lớn hơn đối với Hoa Kỳ chính là một Brexit cứng có thể có những ảnh hưởng lan truyền tiêu cực đối với châu Âu trên diện rộng, thông qua sự yếu kém kinh tế hoặc bất ổn chính trị tăng cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu.”

Các công ty Mỹ có các chuỗi cung ứng châu Âu (như các công ty ô tô) cũng trở nên dễ bị tổn thương hơn, ông Knightly nói. “Có lẽ có khả năng một số công ty Mỹ chịu rủi ro từ các điều kiện tài chính thắt chặt của châu Âu có liên quan đến Brexit, nếu các điều kiện xấu đi, như Quỹ Dự trữ Liên Bang đã đề cập đến.”

Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1