Thị trường Thứ ba, 23/07/2019, 10:00 GMT+7
Châu Âu đang trên đường tiến đến một thập kỷ suy thoái nữa

Châu Âu chỉ vừa trãi qua một thập kỷ kinh tế trì trệ. Nếu không sớm hàng động, họ có thể sẽ đối mặt với một thập kỷ nữa như thế.

jl23 eu

Mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế châu Âu đã phục hồi, nhưng không phải hồi sinh. Lạm phát thấp, lãi suất thấp và tăng trưởng thấp đã trở thành những chuẩn mực bình thường mới.

Tình trạng trì trệ của châu Âu có thể có những hiệu ứng lan truyền nguy hiểm. Một thập kỷ bỏ phí nữa có thể làm sâu sắc thêm sự chia rẽ đang ngày càng gia tăng giữa vùng đô thị và nông thôn châu Âu, tước đi việc làm của nhiều người trẻ và thúc đẩy bất ổn chính trị.

Carsten Brzeski, trưởng bộ phận kinh tế ở Đức tại ngân hàng Hà Lan ING, cho rằng điều này thậm chí có thể khiến khối 19 nước sử dụng đồng euro tan rã.

“Nguy cơ cao đến mức chúng ta đơn giản chỉ là thức tỉnh quá trễ và nhận thấy chúng ta đã tốn quá nhiều thời gian,” ông Brzeski nói.

Hội chứng tăng trưởng thấp

Những điều kiện ở châu Âu dẫn đến so sánh với thập niên suy thoái của Nhật, thời kỳ tăng trưởng chậm và lạm phát yếu trong những năm 1990 từ đó đất nước này chưa bao giờ thật sự khởi sắc trở lại.

Những dấu hiệu chính của một đợt trì trệ lâu dài, hay “Nhật Bản hóa” đều hiển thị hoàn toàn.

Từ cuối năm 2018, lạm phát khu vực đồng euro đã dưới mức mục tiêu 2% do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra. Trong tháng Sáu, lạm phát đạt 1.3%, tăng trưởng GDP đạt 1.8% trong năm 2018, và dự báo sẽ còn 1.2% trong năm nay. Năm sau có thể còn tệ hơn nếu khu vực phải đối mặt với một cuộc Brexit hỗn loạn vào mùa thu.

Lãi suất vẫn ở những mức thấp lịch sử. Chủ tịch ECB sẽ rời nhiệm sở vào tháng Mười mà không tăng lãi sất một lần nào trong suốt nhiệm kỳ tám năm của ông. Một số nhà phân tích dự đoán ngân hàng thật sự có thể giảm lãi suất trong tháng Chín.

Khi xem xét nguồn gốc của sự trì trệ này, sự phục hồi không đồng đều của khu vực sau cuộc khủng hoảng tài chính hiện ra rất lớn.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Liên minh châu Âu đạt đỉnh vào năm 2013 với 26.3 triệu người và từ đó đã giảm còn khoảng 15.7 triệu người, dưới các mức trước khủng hoảng. Nhưng điều đó không xảy ra ở những nơi như vùng tây bắc Tây Ban Nha, miền nam Italy và Hy Lạp, những nơi vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất châu Âu.

Nhiều nước “chỉ mới bắt đầu phục hồi,” theo các nhà kinh tế của ING, Bert Colijn và Joanna Konings.

Sự phục hồi khiêm tốn này biện minh cho nhiều năm lãi suất cực thấp, thậm chí ở mức âm. Lần cuối cùng ECB nâng lãi suất – trong năm 2011 – nợ của Bồ Đào Nha đã bị hạ bậc xuống mức rác và Hy Lạp đang chờ một đợt giải cứu. Ireland đã chấp nhận một gói giải cứu từ năm trước.

Những ngày này, dự kiến sớm nhất đến năm 2021 mới có một đợt nâng lãi suất nữa.

Trường hợp Nhật Bản

Tình hình đang ngày càng gợi nhớ đến Nhật Bản, đất nước cũng đang kết thúc thập kỷ thứ ba với tăng trưởng, lạm phát và lãi suất đều thấp.

Châu Âu tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn. Nhưng cũng như Nhật Bản, dân số của họ đang già đi và những người hưởng lương hưu đang kéo nền kinh tế xuống bởi họ tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu. Cũng có vấn đề tương tự với những ngân hàng ‘xác sống’ đang ăn vào vốn mà không cung cấp được những khoản vay cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sự so sánh lại không tương đồng khi xét đến những công cụ để chiến đấu với căn bệnh trì trệ. Nhật Bản có một ngân hàng trung ương và một chính phủ quốc gia. Điều này cho phép họ hành động dứt khoát hơn, thậm chí khi những biện pháp kích thích cho đến nay vẫn tỏ ra không hiệu quả.

Trong khi đó, sự hội nhập kinh tế và chính trị ở châu Âu, vẫn là một dự án chưa hoàn tất. Đồng euro được đưa ra vào ngày 1/1/1999. Nhưng qua 20 năm, các quốc gia châu Âu vẫn không thể phối hợp chính sách tài khóa bổ sung có thể thúc đẩy liên minh tiền tệ.

Các quốc gia EU thiết lập ngân sách và thực hiện các kế hoạch thuế của riêng mình trong khuôn khổ những luật lệ được cho là giới hạn các khoản vay. Điều này khiến ECB phải giải quyết những vấn đề rộng lớn hơn trong thời điểm đạn dược của họ đã bị hạn chế vì những hành động của chính họ trong thập kỷ qua.

“Khu vực đồng euro vẫn đang khập khiễng, chỉ bắn bằng một nòng súng,” theo Jonathan Gregory, giám đốc bộ phận thu nhập cố định tại Anh của UBS Asset Management. “Không rõ điều này có sớm thay đổi hay không.”

Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đồng euro đang chậm lại

Khu vực có những điểm tương tự với Nhật Bản, nơi đã trãi qua hàng thập kỷ lạm phát và tăng trưởng thấp.

jl23 europe f

Những dấu hiệu cảnh báo

Các chuyên gia cho rằng chi tiêu chính phủ phối hợp có thể vực châu Âu ra khỏi tình trạng trì trệ. Nhưng khả năng điều này xảy ra dường như khá mong manh.

“Khả năng thật sự có được những kích thích tài khóa phối hợp, đáng kể với những con số lớn là rất thấp,” ông Brzeski nói, lưu ý đến những chia rẽ về chính trị giữa những quốc gia giàu có hơn như Đức và những quốc gia đang gặp khó như Italy. Pháp và Đức cũng thấy khó khăn khi thống nhất hợp tác chặt chẽ hơn.

Vấn đề là các chính trị gia có thể không có nhiều thời gian để lãng phí.

Đức hiện trả lãi suất cho trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của mình ít hơn Nhật Bản. Điều này cho thấy triển vọng kinh tế ảm đạm của khu vực sẽ nhanh chóng đến gần và là dấu hiệu các nhà đầu tư dự kiến lãi suất sẽ tiếp tục đi xuống.

“Các thị trường trái phiếu ở châu Âu, 10 năm sau cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu, đang ở vị trí Nhật Bản mất 30 năm mới đạt tới,” theo ông John Normand, giám đốc bộ phận chiến lược tài sản chéo tại JPMorgan Chase.

Lãi suất âm cũng sẽ tiếp tục siết lấy các ngân hàng châu Âu, trong khi khiến trái phiếu ít hấp dẫn hơn. Hiện tại, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ mất tiền nếu họ giữ trái phiếu Đức kỳ hạn 10 năm cho đến khi chúng đáo hạn.

Đối với ông Brzeski, đây là tình huống có thể nhanh chóng trở thành không chống đỡ nổi. “Phải hy sinh điều gì đó,” ông nói.

Dự báo của ông: Trong những năm tới, cuộc chiến giằng co giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của châu Âu sẽ mạnh mẽ hơn và cùng với điều này kinh tế khu vực sẽ ì ạch. Tuy nhiên, ông hoài nghi điều này liệu có mang đến một kế hoạch đưa châu Âu ra khỏi lối mòn của mình hay không.

“Tăng trưởng thấp, lạm phát thấp bắt đầu ảnh hưởng lên các nền kinh tế theo những cách khác nhau,” ông Brzeski nói. Và sau đó? “Ta sẽ thấy những thế lực đòi chia tách trở lại.”

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1