Bất động sản Thứ sáu, 07/10/2016, 08:53 GMT+7
Bong bóng bất động sản Trung Quốc hàm chứa rủi ro kinh tế

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang quá nóng sụp đổ đã trở thành rủi ro được đề cập đến nhiều nhất đối với tăng trưởng của nước này trong cuộc khảo sát mới nhất dành cho các nhà kinh tế Trung Quốc do Nikkei thực hiện.

o7 bubble

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có khả năng tăng trưởng 6.6% tính theo năm trong quý ba năm nay, chậm lại một ít so với mức 6.7% từ tháng Tư đến tháng Sáu, theo dự báo trung bình trong khảo sát của Nikkei/NQN. Con số này sẽ vượt qua mục tiêu tăng trưởng của chính phủ 6.5% hoặc cao hơn của. Số liệu GDP chính thức trong quý ba dự kiến sẽ được phát hành vào ngày 19/10.

Các chỉ số tháng Tám cho thấy kinh tế Trung Quốc đang ổn định. Nhưng đa phần sự ổn định này là nhờ vào kích thích tài khóa và giá bất động sản leo thang.

“Còn quá sớm để nói rằng kinh tế Trung Quốc đang chạm đáy,” theo Yang Zhi tại Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, chi nhánh Hong Kong. Ông Yang xem tình trạng năng suất thừa kéo dài, môi trường bên ngoài bất ổn và “khả năng thị trường bất động sản đang quá nóng sụp đổ” là các rủi ro.

Đầu tư tư nhân yếu cũng đe dọa làm suy yếu tăng trưởng. Các công ty nhà nước dường như “đang lấn át mảng tư nhân, hoặc vì thừa năng suất hoặc vì được ưu đãi tín dụng,” theo Richard Jerram, trưởng kinh tế tại Bank of Singapore.

Các đợt tăng giá cao

Trong khi đó, tình trạng bất động sản lên giá mạnh ở Thượng Hải, Bắc Kinh và những thị trường đô thị lớn khác đang lan ra những thành phố nhỏ hơn, như Nam Kinh và Hạ Môn, nơi giá nhà mới tăng đến 30-40% tính theo năm vào tháng Tám.

Khi được yêu cầu đánh giá tình trạng bong bóng của thị trường bất động sản Trung Quốc trên thang điểm từ 1 đến 10, những người được khảo sát cho mức trung bình 7 điểm, tăng so với 6 điểm trong lần khảo sát trước.

“Chúng tôi tin rằng tình trạng quá nóng trong mảng nhà đất đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Trung Quốc,” theo Shen Jianguang, trưởng kinh tế về vấn đề Trung Quốc tại Mizuho Securities Asia, người cho điểm 10 trong câu hỏi trên.

Áp lực thị trường bất động sản hạn chế không gian cho chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Hiện có nhiều nhà kinh tế dự kiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ hoãn các đợt cắt giảm lãi suất trong thời gian hiện tại.

“Ngưỡng để nới lỏng tiền tệ thêm khá cao, do người PBOC quan ngại về các rủi ro tài chính bắt nguồn từ bong bóng bất động sản, dòng vốn chảy ra ngoài và đồng yuan mất giá mạnh”, theo Aidan Yao, nhà kinh tế cao cấp về châu Á mới nổi tại AXA Investment Managers Asia.

Việc kiểm soát vốn “có thể tiếp tục có hiệu quả đủ để cho phép PBOC kềm chế được xu hướng tiền mất giá nhẹ trong tương lai gần mà không phải hy sinh “quá nhiều dự trữ ngoại hối trong các can thiệp vào thị trường tiền tệ,” theo Yao Wei, nhà kinh tế Trung Quốc tại Societe Generale Corporate & Investment Banking.

Những người được khảo sát dự báo tỷ suất đồng yuan – dollar vào cuối năm 2016 trung bình khoảng 6.8 yuan, hoặc thấp hơn khoảng 2% so với tỷ suất hiện tại.

Các chính quyền địa phương đã kềm chế đầu cơ bất động sản bằng cách thắt chặt việc mua nhà và những phương tiện khác. Bà Wang Tao, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại UBS, dự kiến việc xây dựng nhà sẽ tiếp tục phục hồi trong nhiều tháng tới, nhưng doanh số sẽ bắt đầu giảm vào năm sau.

Yếu tố “Trump”

Một số nhà kinh tế cho rằng việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ trong tháng 11 có thể tác động xấu đến kinh tế Trung Quốc. Nhà đầu tư bất động sản này đã đe dọa áp đặt thuế suất cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc cũng như các động thái bảo hộ khác khi buộc tội Trung Quốc và Mexico đánh cắp việc làm của Mỹ.

Nếu đắc cử, ông Trump có thể áp dụng “những chính sách quyết liệt” ảnh hưởng đến các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, theo Susan Joho, một nhà kinh tế tại Julius Baer. “Khi Mỹ trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc, điều này – dù là kịch bản khó có khả năng xảy ra lúc này – sẽ có tác động lớn đến các nhà xuất khẩu Trung Quốc,” bà Joho nói.

Nhiều nhà kinh tế được khảo sát cho rằng Tổng thống Trump có thể gây áp lực với Trung Quốc về chính sách ngoại hối của mình, vốn hướng đến làm yếu đồng yuan đi một ít. Arjen van Dijkhuizen, một nhà kinh tế cao cấp tại ABN Amro Bank, đã trích quan điểm của ứng viên này xem Trung Quốc như một “nước thao túng tiền tệ.”

Cựu Ngoại trưởng Mỹ, bà Hilary Clinton, ứng viên của Đảng Dân Chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, cũng được xem là khá cứng rắn đối với Trung Quốc. Bất kể ai đắc cử, ông Yang, thuộc Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, cho rằng “sẽ có thêm những chính sách mạnh tay hơn đối với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực hơn là dưới thời ông Obama trong tám năm qua.”

Không phải ai cũng xem kết quả bầu cử là một rủi ro kinh tế nghiêm trọng. Không bên nào được lợi từ các hạn chế thương mại, và chính quyền mới sẽ cần thuyết phục được Quốc hội Mỹ cũng như cộng đồng doanh nghiệp để áp đặt các hạn chế đó, theo Ricky Choi, nhà kinh tế cao cấp tại Bank of China (Hong Kong). “Tác động thực sự lên kinh tế Trung Quốc có khả năng được hạn chế,” ông nói.

Khánh Lâm lược dịch
Theo Nikkei Asian Review

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1