Doanh nghiệp Thứ tư, 01/09/2021, 13:00 GMT+7
Các nhà máy ở châu Á bị ảnh hưởng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch

Hoạt động của các nhà máy ở châu Á mất đà trong tháng Tám do các ca nhiễm virus corona  bùng phát trở lại làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn khu vực, dấy lên lo ngại sản xuất ngừng trệ sẽ làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế do tiêu thụ sụt giảm.

s1 asiafact

Hoạt động sản xuất trong tháng Tám tăng trưởng chậm hơn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan do tình trạng thiếu chip và nhà máy ngừng hoạt động làm gián đoạn sản xuất, một dấu hiệu mới về tác động kéo dài của đại dịch, theo cuộc khảo sát hôm thứ Tư.

Hoạt động nhà máy của Trung Quốc giảm trong tháng Tám, lần đầu tiên sau gần một năm rưỡi, do các biện pháp ngăn chặn COVID-19, nguồn cung ứng tắc nghẽn và giá nguyên liệu thô cao ảnh hưởng đến sản lượng.

Kết quả thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường, nhấn mạnh bản chất mong manh của sự phục hồi từ Trung Quốc, vốn đã giúp kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch.

“Gián đoạn vì virus thêm vào danh sách những khó khăn đối với các nhà sản xuất trong khu vực, trong đó có tình trạng thiếu bán dẫn và chi phí vận chuyển cao,” theo Alex Holmes, nhà kinh tế bộ phận châu Á mới nổi tại Capital Economics.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Caixin/Markit đã giảm xuống 49.2 trong tháng Tám, so với 50.3 trong tháng Bảy, vượt qua mốc 50 tách biệt giữa tăng trưởng và suy giảm.

“Đợt trỗi dậy mới nhất của COVID-19 đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với quá trình bình thường hóa kinh tế đã bắt đầu vào quý hai năm ngoái,” theo Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group.

Cuộc khảo sát khu vực tư nhân theo chỉ số PMI chính thức được công bố vào thứ Ba, cho thấy chỉ số này giảm trong tháng Tám nhưng vẫn duy trì trên mốc 50.

Chỉ số PMI cuối cùng của Ngân hàng au Jibun Nhật Bản trong tháng Tám giảm xuống 52.7 so với 53.0 của tháng trước khi các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm lần đầu tiên kể từ tháng Giêng.

Chỉ số PMI của Hàn Quốc cho tháng Tám ở mức 51.2, so với 53.0 trong tháng Bảy nhưng duy trì trên ngưỡng 50 trong tháng thứ 11 liên tiếp.

PMI của Đài Loan giảm xuống 58.5 trong tháng Tám so với 59.7 trong tháng Bảy, trong khi hoạt động của nhà máy ở Việt Nam giảm xuống 40.2 so với 45.1 trong tháng Bảy.

Từng được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi của châu Á đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến trong việc phục hồi sau đại dịch do chậm trễ triển khai vaccine và các ca nhiễm biến thể Delta tăng đột biến, ảnh hưởng đến tiêu dùng và sản xuất của nhà máy.

Khánh Lâm lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1