Thị trường Thứ tư, 05/01/2022, 09:49 GMT+7
OPEC sẽ tăng sản lượng dầu khi niềm tin vào nhu cầu tăng lên trong năm 2022

OPEC và các đồng minh dự kiến sẽ bổ sung thêm nguồn cung dầu, nhấn mạnh sự lạc quan của nhóm về triển vọng nhu cầu toàn cầu.

j5 opec1

Theo khảo sát của Bloomberg, liên minh 23 quốc gia do  Saudi Arabia  và Nga dẫn đầu có thể sẽ tiến hành một đợt tăng khiêm tốn hàng tháng với 400,000 thùng/ngày khi khôi phục sản lượng bị ngừng trong thời kỳ đại dịch. Một số đại biểu quốc gia cũng cho biết họ hy vọng việc đẩy mạnh - dự kiến có hiệu lực vào tháng Hai - sẽ tiếp tục.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác nhận thấy nhu cầu toàn cầu tiếp tục phục hồi trong năm nay, chỉ chịu tác động “nhẹ” từ biến thể omicron. Niềm tin của họ đang được chứng thực khi lưu thông tấp nập khắp các quốc gia tiêu thụ quan trọng của châu Á và tồn kho dầu thô ở Mỹ giảm dần khiến giá dầu quốc tế gần $80/thùng.

Theo Bob McNally, chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group, một cựu quan chức Nhà Trắng: “Thị trường có thể nhận thêm dầu, miễn là omicron hoặc một đợt suy thoái vĩ mô không đè bẹp nhu cầu một lần nữa.”

Mười lăm trong số 16 nhà phân tích và thương nhân do Bloomberg khảo sát dự đoán khoản tăng sản lượng sẽ được thông qua khi liên minh họp trực tuyến vào thứ Ba. Các chỉ số tiêu thụ nhiên liệu cho thấy lượng dầu bổ sung có thể được hấp thụ, với tất cả ngoại trừ một quốc gia lớn ở châu Á ghi nhận mức độ di chuyển gia tăng hàng tháng, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp sử dụng thống kê của Apple Inc. cho đến ngày 27/12.

Việc bổ sung nguồn cung cũng sẽ cho thấy Riyadh tiếp tục lưu tâm đến rủi ro lạm phát ảnh hưởng đến các khách hàng lớn nhất của họ, tháng trước đã chấp thuận lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng cường sản xuất để hạ nhiệt giá xăng dầu.

Dù động thái bất ngờ đó ban đầu được các nhà giao dịch coi là giảm giá, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman giúp củng cố tâm lý thị trường khi nhấn mạnh cuộc họp của OPEC về mặt kỹ thuật sẽ vẫn “luôn diễn ra” - cho phép họ đảo ngược mức tăng sản lượng trong thời gian ngắn nếu cần thiết.

Mối quan ngại về nhu cầu

Tiếp tục với khoản tăng hàng tháng kế tiếp không phải là không có rủi ro.

Theo dữ liệu tắc nghẽn đường bộ từ các nhà cung cấp địa phương như Baidu Inc., Trung Quốc, quốc gia sử dụng dầu lớn nhất có dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu suy yếu do chính sách zero-Covid kéo dài và chính sách ô nhiễm nghiêm khắc. Tại Mỹ, các chuyến bay bị hủy ngày càng nhiều với 1,125 chuyến bay bị hủy khi các ca nhiễm virus corona gia tăng gây thiếu nhân viên.

OPEC ước tính thị trường dầu thế giới đang trở lại thặng dư và sẽ chỉ càng nhiều hơn trong những tháng tới khi nguồn cung từ các đối thủ của nhóm tăng mạnh - bao gồm cả việc Hoa Kỳ và các quốc gia tiêu dùng khác triển khai dự trữ khẩn cấp. Với mức thặng dư dự kiến đạt 2.6 triệu thùng/ngày trong tháng Ba, nhóm có thể cần xem xét lại việc tăng thêm.

 “OPEC+ rất khó có khả năng phạm lỗi lúc này và cho phép tồn kho tăng đáng kể,” theo Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa chính tại SEB AB.

Nhưng hiện tại, nhóm không đặc biệt lo lắng trước viễn cảnh dự trữ phục hồi trở lại, một đại biểu cấp cao cho biết.

Lượng tồn kho hiện đang thấp và thường được bổ sung trong thời gian nhu cầu theo mùa tạm lắng trong quý một. Dự trữ ở các quốc gia phát triển ít hơn 170 triệu thùng so với mức trung bình của họ trong năm 2015-2019, theo dữ liệu của OPEC.

“Tôi không thấy lý do khiến nhóm này không tiếp tục bổ sung dầu theo tốc độ đã thỏa thuận, đặc biệt khi xét đến tác động hạn chế lên nhu cầu toàn cầu do các ca nhiễm omicron gia tăng,” theo Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Saxo Bank A/S, Copenhagen.

Khoản tăng sản lượng của OPEC+ dù thế nào cũng sẽ bị hạn chế vì nhiều quốc gia - đặc biệt là Angola và Nigeria - phải vật lộn để đạt được khoản tăng mà họ được phép vì đầu tư bị hạn chế và các gián đoạn hoạt động. Do đó, mức tăng thực tế trong tháng Hai có thể sẽ không đạt mức chính thức 400,000 thùng/ngày, theo ông  McNally của Rapidan.

Trường Sơn lược dịch
Theo World Oil

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1