Thị trường Thứ năm, 10/06/2021, 13:31 GMT+7
Giá hàng hóa rời các nhà máy của Trung Quốc đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 13 năm

Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng khi chi phí tăng đẩy lạm phát giá sản xuất lên cao nhất trong gần 13 năm.

jn10 china

Lạm phát gia tăng trong công xưởng của thế giới có nguy cơ tràn sang phần còn lại của thế giới và đẩy giá vốn đang tăng cao thêm nữa. Nhưng các nhà kinh tế cũng cho rằng áp lực có thể bắt đầu sớm giảm đi.

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc - đo lường giá vốn hàng hóa bán cho các doanh nghiệp - đã tăng 9% trong tháng Năm so với một năm trước, theo dữ liệu chính phủ công bố hôm thứ Tư, 9/6, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2008, khi Trung Quốc đang vật lộn với hậu quả của một nền kinh tế phát triển quá nóng sau nhiều năm tăng trưởng GDP hàng năm hơn 10%.  

Lạm phát của nhà sản xuất cao là tin tức đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và sự phục hồi kinh tế đang diễn ra sau đại dịch. Điều đó có nghĩa là chi phí nguyên vật liệu gia tăng hiện đang làm lợi nhuận công ty giảm mạnh hơn và có thể buộc các công ty phải kiểm soát chi phí bằng cách làm chậm sản xuất hoặc thậm chí sa thải công nhân. Điều này sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Chi phí gia tăng gây áp lực lên các nhà sản xuất, cùng với nhu cầu đầu cuối phục hồi khó khăn, gây ra rủi ro đi xuống đối với tăng trưởng kinh tế,” theo các nhà phân tích của Citi. Họ nói thêm các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí nguyên vật liệu tăng cao.”

Giá cả tăng cao ở Trung Quốc cũng có thể gây hậu quả toàn cầu, do ngành sản xuất của nước này đóng vai trò quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc chỉ tăng 1.3% trong tháng trước, cho thấy rằng các nhà sản xuất không chuyển chi phí của họ cho người tiêu dùng trong nước. Thay vào đó, các nhà sản xuất có thể cố gắng chuyển gánh nặng ra nước ngoài, làm tăng thêm áp lực giá trên toàn thế giới.

Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát chi phí gia tăng. Các nhà quản lý thị trường hàng đầu của nước này gần đây tuyên bố sẽ xử lý "không khoan nhượng" những kẻ đầu cơ thị trường hàng hóa. Các sàn giao dịch chứng khoán lớn ở Trung Quốc cũng tăng giới hạn giao dịch và yêu cầu ký quỹ đối với hàng hóa kỳ hạn.

Một số chính phủ cũng đã nới lỏng một vài hạn chế. Ví dụ, vào cuối tháng trước, trung tâm sản xuất thép của Đường Sơn đã giảm sản lượng thép. Và các quan chức hải quan đã cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại thép.

Bắc Kinh có thể đang xem xét nhiều biện pháp hơn nữa. Theo Bloomberg, chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc giới hạn giá than dùng cho nhiều nhà máy điện của Trung Quốc.

Cho đến nay, các chính sách gần đây dường như đang kéo giá trở lại, ít nhất được phần nào. Và các nhà kinh tế cho rằng đỉnh điểm lạm phát có thể đang đến gần.

Thép cây, một loại thép được dùng để gia cố bê tông, đã giảm 18% so với mức đỉnh vào tháng Năm trên Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải – dù giá vẫn đắt hơn 16% so với cuối năm ngoái.

“Do Bắc Kinh đã triển khai một loạt các biện pháp chính sách nhằm thúc đẩy nguồn cung nguyên liệu thô chính trong nước gồm than, quặng sắt, thép và điện, nên chúng tôi thấy giá nguyên liệu điều hòa trong những tuần gần đây,” theo các nhà phân tích tại Nomura.

Tuy nhiên, lạm phát giá sản xuất có thể vẫn tăng trong tháng Sáu, do giá dầu tăng và nguồn cung nguyên liệu thô liên tục bị thắt chặt. Một số cảng quan trọng ở miền nam Trung Quốc cũng đang đối phó với các đợt bùng phát Covid-19, có thể làm tình trạng tắc nghẽn vận chuyển tồi tệ hơn và gây thêm áp lực tăng giá cước hàng hóa.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1