Thị trường Thứ sáu, 04/06/2021, 13:44 GMT+7
Lạm phát toàn cầu chưa từng cao như vậy kể từ năm 2008

Giá đang tăng nhanh chóng trên khắp các khu vực của thế giới phát triển, với lạm phát ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tăng mạnh trong tháng Tư lên mức cao nhất từ năm 2008.


jn4 inflation

Tổ chức có trụ sở tại Paris hôm thứ Tư, 3/6, cho biết giá năng lượng tăng đẩy lạm phát trung bình hàng năm ở các nước OECD lên 3.3% trong tháng Tư, so với 2.4% trong tháng Ba, tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra cú shock lớn cho nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, giá cả đang tăng trên toàn thế giới ngay cả khi loại trừ chi phí thực phẩm và năng lượng thường biến động. Khi những sản phẩm này bị loại ra khỏi bài tính, lạm phát vẫn tăng từ 1.8% trong tháng Ba lên 2.4% trong tháng Tư.

Lạm phát xuất hiện đột ngột khi các nền kinh tế khởi động lại sau đại dịch virus corona là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới. Giá cả tăng là tin xấu đối với bất kỳ ai có thu nhập cố định và các ngân hàng trung ương có thể chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất hoặc cắt giảm các chương trình kích thích.

Các nhà kinh tế đồng ý rằng có áp lực tăng giá. Nhưng họ vẫn chưa đồng thuận về việc liệu lạm phát tăng là một hiện tượng tạm thời sẽ biến mất khi các nền kinh tế và người tiêu dùng thích nghi với cuộc sống sau đại dịch hay giá tăng báo hiệu sự khởi đầu của một xu hướng kéo dài với những tác động lớn lên người lao động và các công ty.

 Lạm phát tăng ở các nước giàu hơn

Lạm phát hàng năm ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đã tăng lên 3.3% trong tháng Tư, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008. Khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát đã tăng 2.4% trong tháng Tư.

jn4 inflation f 1

Lưu ý: Phần trăm thay đổi hàng năm của OECD-Tổng giá tiêu dùng

Nguồn: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế

Đồ họa: Tal Yellin, CNN


Giá đang tăng với tốc độ khác nhau trên 38 quốc gia thuộc OECD, vốn chiếm khoảng 60% nền kinh tế toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, lạm phát hàng năm tăng lên 4.2% trong tháng Tư so với 2.6% trong tháng Ba, trong khi giá ở Canada tăng từ 2.2% lên 3.4%. Châu Âu có mức tăng khiêm tốn hơn trong tháng Tư, với lạm phát tăng 1.6% ở Vương quốc Anh, 2% ở Đức, 1.2% ở Pháp và 1.1% ở Ý.

Nhưng có dấu hiệu cho thấy giá sẽ tiếp tục tăng. Giá năng lượng tăng cao khiến lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro tăng lên 2% trong tháng Năm so với 1.6% trong tháng Tư, theo dữ liệu công bố hôm thứ Ba, vượt mục tiêu lạm phát "thấp hơn nhưng gần 2%" của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

OECD dự kiến mức tăng lạm phát sẽ giảm dần đến cuối năm nay khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch lấy lại tốc độ và năng lực sản xuất trở lại bình thường. Khi nhiều người vẫn chưa có việc làm, các nhà kinh tế của nhóm không kỳ vọng chu kỳ tăng lương và tăng giá sẽ thành hiện thực - bất chấp bằng chứng thiếu hụt lao động trong một số ngành.

Những tháng sắp tới có thể sẽ rất quan trọng. Một mối quan tâm là kỳ vọng lạm phát, của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đang tăng mạnh ở Hoa Kỳ. Sau nhiều thập kỷ lạm phát im ắng, người ta không còn dự kiến giá cả sẽ tiếp tục ở mức kiểm soát.

Những thay đổi hành vi như thể có thể biến thành một vòng luẩn quẩn, khi các doanh nghiệp dự trữ nhiều hàng hóa hơn và người tiêu dùng mua sản phẩm trước khi họ cần. Điều đó sẽ chỉ củng cố thêm áp lực lạm phát.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNN
 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1