TPHCM đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về TTKDTM |
Sáng ngày 17/10/2023, Hội thảo về thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Chuyển đổi số TPHCM với chủ đề: “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”.
Dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của TTKDTM Phát biểu đầu Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy TTKDTM và hoạt động chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động. Xác định rõ vai trò quan trọng của dữ liệu trong hoạt động ngân hàng cũng như mục tiêu, định hướng của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), NHNN, các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán đã và đang tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả hoạt động nghiệp vụ ngân hàng. Đặc biệt là thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển TTKDTM, chuyển đổi số trong nền kinh tế. Triển khai Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ cũng lựa chọn năm 2023 là Năm Dữ liệu số quốc gia với mục tiêu tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới. Đối với ngành ngân hàng, phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số là một trong những nhiệm vụ giải pháp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng, cũng như thúc đẩy phát triển TTKDTM theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dữ liệu không chỉ giúp ngân hàng xác thực, định danh khách hàng mà còn thông qua các ứng dụng công nghệ để phân tích, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng. Từ đó đưa ra quyết định trong phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động. Phó Thống đốc chia sẻ trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy TTKDTM, ngành ngân hàng đã và đang gặp phải một số thách thức, trong đó phải kể đến thách thức về đồng bộ và chuẩn hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhằm tạo thuận lợi cho việc kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các lĩnh vực khác, nhất là khu vực hành chính công như y tế, giáo dục... tạo hệ sinh thái số cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng. Chính vì vậy, các quyết định của NHNN về TTKDTM, chuyển đổi số đều đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai hạ tầng, để chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu xác minh thông tin khách hàng... Tại TPHCM, hoạt động TTKDTM trong các dịch vụ công cũng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các cơ quan Nhà nước như y tế, giáo dục, bảo hiểm, hải quan đã tiến hành TTKDTM. Đơn cử như đối với việc phát triển TTKDTM trong lĩnh vực y tế, 100% các bệnh viện công của Thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt... Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại thành phố đã đạt trên 30%. TPHCM đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về TTKDTM. Có thể nói, việc thanh toán trực tuyến các dịch vụ công thông suốt sẽ mang lại nhiều lợi ích về thời gian và chi phí cơ hội cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, TTKDTM đối với dịch vụ công vẫn còn nhiều khó khăn do nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Từ góc độ thị trường, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ có nhiều, quy mô lớn nhỏ khác nhau, chi phí chênh lệch, làm cho các đơn vị thực hiện thủ tục hành chính công còn khó khăn trong lựa chọn giải pháp công nghệ áp dụng vào đơn vị của mình. Từ góc độ ứng dụng, người thực thi nhiệm vụ hành chính công vẫn còn thói quen làm việc bàn giấy và sử dụng tiền mặt, đâu đó lãnh đạo các đơn vị còn chưa có quyết tâm thay đổi, thậm chí lo ngại thay đổi, do thiếu thông tin tin cậy từ độ ngũ chuyên viên tư vấn và triển khai áp dụng công nghệ… Từ góc độ truyền thông, thông tin còn chưa cập nhật kịp thời, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu... nên người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn e ngại vấn đề bảo mật dữ liệu, an toàn trong giao dịch. Về phía ngành Ngân hàng, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số và Đề án 06 của ngành ngân hàng, trong đó tập trung: (i) hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm các chính sách về kết nối, khai thác dữ liệu; (ii) đảm bảo các hệ thống ứng dụng ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, nhất là khu vực hành chính công, mở rộng hệ sinh thái số để phục vụ thanh toán trực tuyến với dịch vụ liền mạch, tiện ích; (iii) Tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin và tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng, tiếp cận các dịch vụ ngân hàng một cách an toàn. 100% kho bạc Nhà nước đã kết nối với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống thanh toán điện tử đã phát triển nhanh chóng để phục vụ cho công tác chuyển đổi số, thúc đẩy TTKDTM trong dịch vụ công: 21.34 nghìn ATM, 490 nghìn POS, 82 ngân hàng tham gia Internet banking, 52 ngân hàng cung cấp Mobile banking, các điểm chấp nhận thanh toán thông qua VietQR không ngừng được mở rộng. Sự góp mặt của 3 tổ chức cung ứng dịch vụ Mobile money cũng đã góp phần đa dạng hóa cung ứng dịch vụ tài chính cho các vùng sâu, vùng xa, hải đảo… Hiện nay, đang dần hình thành hệ sinh thái số thông minh liên quan đến tất cả lĩnh vực y tế, giáo dục, điện nước, y tế, hải quan, an sinh xã hội… Dịch vụ công hiện đang hỗ trợ tất cả nội dung như thanh toán viện phí, đóng BHXH, nộp thuế, thanh toán tiền điện, phí và lệ phí. Số liệu được công bố cho thấy 100% kho bạc Nhà nước đã kết nối với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, 20 ngân hàng đã liên kết với kho bạc Nhà nước, 99% doanh nghiệp và cá nhân đã đăng ký nộp thuế điện tử, 99.8% số thu hải quan được thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Đối với các lĩnh vực khác, 100% các tỉnh thành phố đều đã có chỉ đạo chi trả an sinh xã hội qua hệ thống TTKDTM. Đến hết tháng 6, có 100,000 người nhận trợ cấp qua hệ thống TTKDTM, hầu hết cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT đều sẵn sàng thu học phí thông qua hệ thống TTKDTM, 100% các trường Đại học đều đã thu học phí qua hệ thống TTKDTM, 63% bệnh viện tại địa phương đã chấp nhận TTKDTM… Bênh cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại và hạn chế. Trong đó, hành lang pháp lý trong tất cả các lĩnh vực cần phải hoàn thiện để tạo ra sự đồng bộ về thể chế, chứ không chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng. TTKDTM trong lĩnh vực y tế, giáo dục tại một số vùng sâu, vùng xa còn thấp, hy vọng rằng các dịch vụ cho các tổ chức tín dụng, nhà cung cấp dịch vụ mobile money tiếp tục mở rộng tại các vùng xa. Thêm nữa, người cao tuổi vẫn chưa quen với hệ thống TTKDTM và vẫn muốn nhận chi trả trợ cấp an sinh xã hội bằng tiền mặt, tuy nhiên tỷ lệ nay hiện đang giảm dần. Ông Phạm Anh Tuấn cũng đề xuất đẩy mạnh nghị định TTKDTM sớm được hoàn thiện trong thời gian tới, nâng cấp hạ tầng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, các sản phẩm dịch vụ thanh toán mới trên điện thoại di động đa dạng hơn giúp trải nghiệm cho người tiêu dùng được liền mạch… Theo VietStock Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|