Sự kiện Thứ hai, 30/10/2023, 12:39 GMT+7
Kho LNG lớn nhất Việt Nam chính thức đi vào hoạt động

Chiều 29/10, Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP đã chính thức đưa dự án kho LNG 1 MMTPA Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu đi vào hoạt động.

o30 lng

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang phấn đấu xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng phát triển và hiệu quả; trong đó khẳng định vai trò của khí thiên nhiên và các sản phẩm khí là một trong những nguồn năng lượng sạch, an toàn, hiệu quả và tiện dụng. Với nhiều công trình hạ tầng khí được hoàn thành và những cụm dự án lớn như: Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Khí - Điện - Đạm Phú Mỹ cũng như sắp tới khi dự án khí Lô B - Ô Môn hoàn thành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PV GAS sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho sự phát triển của địa phương về thu ngân sách, việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Dự án kho khí hóa lỏng LNG Thị Vải đưa vào vận hành là hạng mục quan trọng góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, Chính phủ về định hướng và quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Phó Thủ tướng yêu cầu PVN và các đơn vị thành viên đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng để đưa các chuỗi dự án LNG đi vào hoạt động đồng bộ, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển LNG. Đồng thời, khẳng định Chính phủ sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ PVN và các đơn vị thành viên cũng như tất cả các nhà đầu tư khác trong phát triển các dự án năng lượng, dầu khí, nhất là năng lượng xanh, sạch và bền vững phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước.

Dự án kho LNG 1 MMTPA Thị Vải (Dự án kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải) do PV GAS làm chủ đầu tư cùng Liên doanh Tổng thầu Samsung C&T và PTSC là dự án kho chứa khí LNG đầu tiên, lớn nhất và hiện đại nhất của Việt Nam, bao gồm: Bến cảng có thể tiếp nhận tàu chuyên chở LNG trọng tải đến 100.000 DWT; bồn chứa có dung tích tồn trữ 180.000m3; công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm (giai đoạn 1) và nâng lên 3 triệu tấn LNG/năm (giai đoạn 2); công suất tái hóa khí đạt 171 tấn/giờ; hệ thống trạm nạp xe bồn, trạm giảm áp; hệ thống đường ống dẫn khí kết nối; trung tâm điều hành toàn bộ quá trình vận hành dự án; hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Bồn chứa LNG có hai đường nhập sản phẩm là đường nhập đỉnh và đường nhập đáy. Đồng thời, với quá trình nhập LNG từ tàu cập tại cảng vào bồn chứa, LNG cũng sẽ được các bơm thấp áp bơm liên tục ra khỏi bồn chứa, sau đó được nâng áp qua bơm cao áp và tái hóa thành khí bằng hệ thống gia nhiệt. Dòng khí tái hóa đi qua hệ thống đo đếm thương mại để cấp cho các hộ tiêu thụ. Một phần khí được cung cấp vào trạm thấp áp để giảm áp suất và cung cấp cho các khách hàng tiêu thụ khí áp suất thấp tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khí LNG sẽ được phân phối đến các khách hàng theo 2 phương thức: Qua đường ống (LNG được tái hóa khí và bơm vào đường ống để cấp cho khách hàng) hoặc cung cấp bằng xe bồn/kho LNG vệ tinh (vận chuyển bằng xe bồn đến khách hàng xa hệ thống đường ống, bồn chứa tại các kho vệ tinh để tái hóa khí và cung cấp cho khách hàng).

Theo Chủ tịch PV GAS Nguyễn Thanh Bình, kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải đi vào hoạt động là mắt xích quan trọng cung cấp khí tái hóa, đảm bảo duy trì cung cấp khí cho các khách hàng hiện hữu và các dự án nhà máy điện mới theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là trong bối cảnh nguồn cung khí trong nước đang suy giảm nhanh chóng và nhu cầu khí cho phát điện ngày càng tăng. Ngoài ra, việc đưa kho LNG Thị Vải vào hoạt động cũng góp phần hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ tại COP26 về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Cũng theo ông Bình, giai đoạn 2 của dự án kho LNG Thị Vải sẽ sớm được triển khai để nâng công suất lên 3 triệu tấn. Bên cạnh đó, PV GAS cũng đang đầu tư xây dựng Kho cảng nhập khẩu LNG Sơn Mỹ tại tỉnh Bình Thuận với công suất dự kiến khi hoàn thành giai đoạn 1 là 3,6 triệu tấn LNG/năm và lên đến 10 triệu tấn LNG/năm cho cả 2 giai đoạn. Cơ sở hạ tầng LNG của PV GAS sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho khu vực Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ trong tương lai.

Ngoài ra, PV GAS tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng và hệ thống vận chuyển LNG theo mô hình “Kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) cung cấp nguồn khí tái hóa cho các Trung tâm Nhiệt điện khí vệ tinh trên toàn quốc” với cả 3 khu vực trọng yếu trong hệ thống năng lượng quốc gia gồm: Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Bộ/Bắc Trung Bộ. 3 LNG Hub này sẽ kết nối đồng bộ với hệ thống đường ống vận chuyển khí tái hóa/hệ thống vận chuyển LNG đường biển và hệ thống cung ứng LNG (đường biển/sông, đường bộ) đến các hộ tiêu thụ và trung tâm điện lực.

Trước đó, ngày 10/7, tàu Maran Gas Achilles chở chuyến hàng LNG đầu tiên về Việt Nam đã cập thành công vào vị trí kho cảng LNG Thị Vải, đảm bảo các yếu tố an toàn, chất lượng, môi trường.

Theo CafeF


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1