Thị trường Thứ ba, 25/04/2023, 09:55 GMT+7
Nhu cầu tăng, xuất khẩu gạo Việt Nam kéo dài đà tăng trưởng

Chỉ trong quý 1 vừa qua, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt hơn 1,85 triệu tấn, thu về 981,4 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

a25 rice

Nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia tiếp tục tăng mạnh đã khiến cho thị trường xuất khẩu gạo năm 2023 đã sôi động ngay từ đầu năm.

Thị trường tiếp tục có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực sẽ giúp xuất khẩu gạo Việt Nam kéo dài đà tăng trưởng.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua được chào bán ở mức từ 495-500 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2021. Trong khi đó, vụ Đông Xuân đang gần kết thúc, vụ Hè Thu mới bước vào thu hoạch với diện tích không đáng kể.

Chỉ trong quý 1 vừa qua, xuất khẩu gạo giúp Việt Nam hơn 1,85 triệu tấn, thu về 981,4 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc và Philippines đã mua lượng lớn gạo Việt Nam.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022 - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 1 vừa qua, xuất khẩu gạo sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân này giúp thu về 199 triệu USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ gạo Việt lớn thứ hai trong quý 1 năm nay.

Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam xuất khẩu. Quý 1 vừa qua, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 450,4 triệu USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 45,8% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Theo các thương nhân, giá gạo tăng do các chuyến hàng đến Trung Quốc phục hồi và Indonesia, Philippines cũng đang mua thêm để cải thiện dự trữ quốc gia.

Mới đây, Fitch Solutions dự đoán thị trường gạo toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua vào năm 2023. Dự đoán thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, mức cao nhất kể từ niên vụ 2003-2004, khi lượng thiếu hụt ở mức 18,6 triệu tấn.

Dự báo trên sẽ khiến thị trường lúa gạo thế giới càng trở nên sôi động; trong đó có Việt Nam. Chuyên gia trong ngành nhận định xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tiếp tục thuận lợi.

Trong ngắn hạn, giá gạo sẽ ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Thêm vào đó, thông tin Indonesia sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay khiến giá gạo xuất khẩu 5% tấm liên tục tăng.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết các loại gạo thơm, chất lượng cao ST và Đài thơm đang ở mức 650-700 USD/tấn tùy loại; nếp khoảng 550 USD/tấn, gạo thông dụng (gạo 5% tấm) cũng ngày càng tiến sát 500 USD/tấn…

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Intimex, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định thị trường gạo Việt Nam và thế giới năm nay sẽ rất khả quan.

Nhu cầu thế giới đang rất cao với 3 yếu tố chính là Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu gạo lớn trên thế giới mở cửa lại sau đại dịch. Khi Trung Quốc mở cửa trở lại, giá gạo sẽ tăng; Indonesia trước đây là khách hàng tiêu thụ gạo lớn trên thế giới cũng tăng mua trở lại. Vài năm gần đây, nước này nỗ lực tự cung tự cấp và giảm nhập, làm cho kho dự trữ của nước này liên tục sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, nhu cầu của các thị trường như Philippines, châu Phi và nhiều nước khác cũng đang tăng cao khi phải tích cực bổ sung kho dự trữ lương thực trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn kinh tế và chính trị.

Ngoài ra, nhiều dự báo cho thấy biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp ở nhiều quốc gia như EL Nino có thể xảy ra gây hạn hán vào giữa năm ở Indonesia, sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ sản xuất lương thực trong thời gian tới nên các nước đang tăng mua bổ sung kho dự trữ.

Trước những dự báo về nguồn cung thế giới, ông Nguyễn Văn Đôn nhận định, thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục có nhiều tín hiệu tốt thời gian tới.

Từ tín hiệu nhu cầu từ các thị trường trọng điểm như Indonesia và Philippines, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đẩy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.

Các doanh nghiệp lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.

Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên cập nhật tình hình cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như kịp thời có biện pháp hỗ trợ thương nhân (nếu cần).

Về nguồn cung cho thị trường, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng sản xuất lúa gạo Việt Nam nhìn tổng thể cho thấy Việt Nam có nền canh tác lúa thông minh với 5 cấp gạo khác nhau. Đó là gạo đặc sản, gạo thơm, gạo trắng trong hạt dài không thơm, gạo dành cho chế biến, gạo đặc thù theo thị hiếu tiêu dùng (có màu sắc, các chất đặc thù).

Với 5 nhóm gạo được hình thành, ông Lê Thanh Tùng cho rằng điều này giúp Việt Nam có ưu thế trong sản xuất, tạo cho gạo Việt Nam luôn có thị trường, luôn đáp ứng tốt những phân khúc khác nhau.

Theo VietStock


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1