Chứng khoán Thứ hai, 20/11/2023, 12:54 GMT+7
Minh bạch để nâng hạng chứng khoán

Chưa bao giờ cơ quan quản lý triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ với mục tiêu làm sạch và nâng hạng thị trường chứng khoán như thời gian gần đây

n20 transparency1

Theo số liệu của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), tính đến cuối tháng 10-2023, cả nước có hơn 7,4 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, có tới 545.386 tài khoản bị đóng trong 1 tháng, dù lượng tài khoản mở mới vẫn khá cao với 167.659.

Mạnh tay với tin đồn và tài khoản "rác"

VSDC giải thích số lượng tài khoản chứng khoán sụt giảm trong tháng qua là do các đơn vị thành viên đã chủ động rà soát việc đăng ký tài khoản để có con số xác thực hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng động thái của cơ quan quản lý là một trong những bước đi nhằm góp phần xử lý tài khoản "rác, ảo" tại các công ty chứng khoán sau thời gian dài chạy đua thu hút nhà đầu tư mở tài khoản mới nhưng không phát sinh giao dịch. Việc này cũng góp phần chấn chỉnh, minh bạch TTCK.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng việc định danh điện tử (eKYC) được áp dụng trong lĩnh vực chứng khoán đã giúp số lượng tài khoản mở mới tăng lên nhiều nhưng thực tế, tỉ lệ tài khoản hoạt động không nhiều. "Việc thanh lọc tài khoản "rác, ảo" là cần thiết nhưng quan trọng hơn, đến lúc bỏ đếm lượng tài khoản mở mới, chỉ cần thống kê tài khoản đang hoạt động, có phát sinh giao dịch" - ông Minh đề xuất.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh phân tích sau khi cơ quan công an khởi tố một số vụ án thao túng chứng khoán quy mô lớn, thị trường đã ổn định hơn nhiều. Vài năm trước, việc hô hào làm giá, thậm chí công khai kéo giá cổ phiếu của một doanh nghiệp (DN) nào đó được đăng công khai trên các diễn đàn, đội nhóm... "Giờ thì không ai dám làm hoặc nếu có thì quy mô cũng nhỏ hơn nhiều, góp phần minh bạch TTCK, nhà đầu tư cũng có niềm tin hơn" - ông Khánh nhận xét.

Việc minh bạch TTCK, theo các chuyên gia và công ty chứng khoán, giúp tạo niềm tin cho nhà đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài, để họ yên tâm "rót tiền" nhiều hơn. Việc này còn góp phần tích cực trong lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam năm 2024 tổ chức mới đây, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khẳng định sẽ giám sát chặt các hiện tượng như tung tin đồn mang yếu tố trục lợi để gây bất ổn, hoang mang. Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cam kết xử lý nghiêm một số vụ việc điển hình để mang tính răn đe, xác lập kỷ luật, kỷ cương.

"TTCK là thị trường của thông tin nên việc xử lý thông tin sai lệch rất cần thiết. Sắp tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo hành vi vi phạm cũng như phối hợp với các cơ quan để tăng cường kỷ luật trên TTCK" - bà Bình nhấn mạnh.

Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tục có những quyết định xử phạt cá nhân, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và công ty niêm yết do vi phạm các quy định về công bố thông tin, về giao dịch chứng khoán, cả các trường hợp thao túng chứng khoán nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng thường xuyên cảnh báo về tình trạng giả mạo, thủ đoạn lừa đảo để nhà đầu tư phòng tránh.

Nâng hạng mang lại nhiều lợi ích

Nhìn chung, hầu hết biện pháp của cơ quan quản lý đều hướng tới mục tiêu minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh và đặc biệt là nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

Trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Mỹ diễn ra tuần qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương đánh giá việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho TTCK. Cụ thể, thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp; cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, tác động tích cực đến quá trình cổ phần hóa của Chính phủ; gia tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư; thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới. Từ đó, tác động tích cực đến tính thanh khoản và sự phát triển của TTCK theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của DN, quản trị công ty.

"Việc nâng hạng không chỉ là nỗ lực của riêng cơ quan quản lý nhà nước mà còn là nỗ lực chung của các thành viên TTCK" - bà Phương nhìn nhận.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, những bước đi của cơ quan quản lý gần đây đang góp phần giúp TTCK lành mạnh hơn trong lộ trình nâng hạng. Việc kiểm soát tin đồn, ngăn thao túng chứng khoán… sẽ giúp nhà đầu tư tin tưởng đầu tư.

Ông Phương nhận định: "Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết liệt trong vấn đề này, cùng với nỗ lực nâng hạng sẽ giúp TTCK lành mạnh hơn, thu hút dòng vốn cả trong và ngoài nước. Tại chu kỳ xét nâng hạng gần nhất là vào quý I/2025, Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chí của 1 trong 2 tổ chức xét nâng hạng".

TTCK Việt Nam đang ở hạng cận biên, nếu nâng lên thị trường mới nổi sẽ giúp cả DN sơ cấp (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) lẫn thứ cấp (DN đang niêm yết) huy động vốn tốt hơn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong lộ trình này, KRX (hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên TTCK Việt Nam) đang được cấp tập triển khai để kịp vận hành từ cuối năm nay. Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM cho biết sau giai đoạn kiểm thử hệ thống trong quý II/2023, 25/76 công ty chứng khoán đã hoàn thành 100% kịch bản, 36 công ty thực hiện trên 80% và 15 công ty đạt dưới 80%.

Bà Tạ Thanh Bình cho hay hệ thống KRX dự kiến sẽ kết thúc việc kiểm thử và sẽ vận hành vào cuối năm nay. Các công nghệ, tính năng đi kèm dự án KRX sẽ là tiền đề đưa vào vận hành một số sản phẩm giao dịch mới mà giới hạn của hệ thống hiện tại chưa đáp ứng được.

Hai vướng mắc lớn nhất trong lộ trình nâng hạng được đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu ra gồm: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài và tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với DN niêm yết. Về vấn đề này, theo bà Bình, cả Bộ Tài chính lẫn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa thể giải quyết nhưng đang nỗ lực làm việc với các ngân hàng lưu ký, công ty chứng khoán và làm việc trực tiếp với các tổ chức xem xét nâng hạng để tìm giải pháp.

"Thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc huy động và sử dụng vốn (qua các đợt chào bán chứng khoán) để nâng cao chất lượng hàng hóa; tăng cường đánh giá chất lượng báo cáo tài chính của DN... Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán và quản lý quỹ, trong đó tăng cường phát triển các quỹ đầu tư chứng khoán để cân đối giữa nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Số lượng nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỉ trọng lớn và áp đảo trên TTCK sẽ gây hệ lụy không nhỏ" - bà Bình nhận định. 

Theo CafeF


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1