Thị trường Thứ năm, 19/10/2023, 13:07 GMT+7
Hồ tiêu xuất sang Trung Quốc tăng 374% trong 9 tháng đầu năm

Việt Nam là quốc gia giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, chiếm 40% sản lượng và 60% thị phần hồ tiêu toàn cầu.

o19 pepper

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 204.385 tấn hồ tiêu các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 678,1 triệu USD.

So với cùng kỳ năm 2022 lượng xuất khẩu tăng 15,3%, tương đương 27.164 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4%, tương đương giảm 104,5 triệu USD.

Trong đó, đứng đầu là thị trường Trung Quốc với 55.985 tấn, chiếm 27,4% thị phần và tăng 373,6% so cùng kỳ.

Các doanh nghiệp đứng đầu danh sách xuất khẩu hồ tiêu 9 tháng đầu năm 2023 bao gồm: Nedspice đạt 13.541 tấn, tăng 1%; Olam Việt Nam đạt 13.408 tấn, giảm 37,3%; Trân Châu đạt 13.250 tấn, giảm 37,1% và Phúc Sinh đạt 11.607 tấn, giảm 1,1%…

Trong đó, 2 doanh nghiệp đứng đầu xuất khẩu hồ tiêu trong ̣ tháng qua: Nedspice và Olam Việt Nam đều là doanh nghiệp FDI.

Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam là công ty có 100% vốn của Hà Lan thuộc Tập đoàn chế biến gia vị Nedspice - một trong những tập đoàn sản xuất gia vị hàng đầu thế giới. Nedspice Việt Nam được thành lập vào năm 1997 và đang có hai nhà máy chế biến tại Việt Nam.

Một nhà máy ở Bình Dương có công suất 24.000 tấn/năm và khoảng 450 nhân viên. Bên cạnh đó, Nedspice xây dựng một kho nguyên liệu có sức chứa 12.000 tấn với khoảng 90 nhân viên tại Bình Phước.

Cuối năm 2020, nhà kho này được nâng cấp thành nhà máy thứ 2 tại Việt Nam của Nedspice với công suất khoảng 25.000 tấn tiêu nguyên hạt mỗi năm.

Còn Công ty TNHH Olam Việt Nam là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài thuộc Tập đoàn International Olam.

Theo giới thiệu trên hr.asia, công ty bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1997, có trụ sở chính ở TP.HCM và các văn phòng khu vực Bình Định, Long An, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk, Phú Yên, Lâm Đồng, Yên Bái và Gia Lai.

Olam là một trong những nhà xuất khẩu hạt điều, hạt tiêu và cà phê hòa tan, cà phê xanh lớn tại Việt Nam.

Ngoài ra, Olam Việt Nam cũng là một trong những công ty mua gạo hàng đầu trong nước. Olam Việt Nam hiện vận hành 9 nhà máy chế biến nông sản trên khắp miền Trung và miền Nam và có mạng lưới hợp tác với khoảng 2 triệu nông dân.

Với 2 doanh nghiệp còn lại, CTCP Tập đoàn Trân Châu được thành lập vào năm 2006. Theo giới thiệu, sản lượng xuất khẩu hạt tiêu hàng năm của công ty là từ 25.000 đến 28.000 tấn.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu của công ty đã mở rộng tới hơn 100 quốc gia khắp các châu lục, chinh phục hầu hết các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn là ông Phan Thanh Tịnh (SN 1954) và Tổng giám đốc là ông Nguyễn Tấn Hiên (SN 1975). Ông Nguyễn Tấn Hiên cũng đang là Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.

Những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Trân Châu là hồ tiêu trắng, hồ tiêu đen, quế, nghệ, hoa hồi, ớt và các loại rau củ quả.

Từ năm 2017 đến năm 2021, Trân Châu đã mở rộng xây dựng thêm nhà xưởng chế biến quế, hồi tại Hà Nội và Quảng Nam, cung cấp ra thị trường trung bình 4.000 tấn/năm.

Năm 2018, Trân Châu đã bước đầu triển khai mô hình trồng cây quế xuất khẩu theo tiêu chuẩn hữu cơ và đã triển khai trồng được 70ha quế ở 2 vùng xã Tam Mỹ Tây huyện Núi Thành và xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam và 70ha tỉnh Đắk Nông.

Doanh nghiệp đứng thứ 4 trong danh sách là Phúc Sinh. Công ty TNHH Quốc tế Phúc Sinh thành lập từ năm 2001, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT công ty là ông Phan Minh Thông.

Theo giới thiệu trên website, mỗi năm, CTCP Phúc Sinh xuất khẩu khoảng 20.000 đến 25.000 tấn hạt tiêu, chiếm 15% thị phần xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam và 8% thị phần trên thế giới.

Sản phẩm của Phúc Sinh được xuất khẩu đi hơn 120 nước trên thế giới: Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nga, Trung Đông, Úc, châu Á… Ngoài hạt tiêu, Phúc Sinh cũng là một công ty xuất khẩu cà phê lớn.

Trong đó, việc thành lập Cà phê Phúc Sinh, Phúc Sinh Đắk Lắk và Phúc Sinh Sơn La nằm trong chiến lược lấn sân sang lĩnh vực cà phê của công ty.

Cụ thể, Phúc Sinh Đắk Lắk được biết đến là chủ đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất tiêu và cà phê công suất 10 tấn tiêu xanh/tháng, 75 tấn cà phê nhân/tháng, 20 tấn tiêu lép/tháng; còn Phúc Sinh Sơn La sở hữu Nhà máy Phúc Sinh Sơn La có tổng quy mô 45ha, giai đoạn I với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng (hoạt động từ tháng 11/2018), năng suất 20.000 tấn cà phê tươi/năm.

Ngoài ra, Phúc Sinh Consumer thì phát triển trong mảng F&B và bán lẻ tại thị trường nội địa Việt Nam. Phúc Sinh Consumer sở hữu hệ thống các quán cà phê K Coffee có vị trí đắc địa ở các quận trung tâm TP.HCM.

Tính đến tháng 8/2018, Chủ tịch Phan Minh Thông là cổ đông lớn nắm quyền kiểm soát khi nắm đến 70% vốn Phúc Sinh cùng với 2 cá nhân khác là ông Nguyễn Trọng Phúc (10%) và bà Phạm Thị Tuyết Nhung (20%).

Theo CafeF


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1