Bắc Kinh: Đã đến lúc các công ty phải trả các khoản nợ ở nước ngoài |
Bắc Kinh đang làm rõ một điều với các nhà phát triển bất động sản đang kẹt trong nợ nần của nước này: Hãy trả nợ. Tất cả nợ. Hai cơ quan kinh tế và tài chính lớn hôm thứ Ba, 26/10, đã kêu gọi các công ty trong "các ngành công nghiệp chủ chốt" mua lại tiền gốc và lãi trái phiếu ở nước ngoài của họ, theo một tuyên bố của chính phủ. Các nhà quản lý từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia – cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của đất nước - và Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước đã đưa thông điệp này tới các công ty trong một cuộc họp vào thứ Ba. Họ không cho biết những công ty nào đã tham dự. Nhưng thời điểm là điều đáng chú ý: Chỉ vài ngày trước, gã khổng lồ bất động sản Evergrande đã trả 83.5 triệu USD tiền lãi quá hạn cho trái phiếu mệnh giá dollar đến hạn vào tháng trước, ngay khi thời gian ân hạn 30 ngày sắp hết. (Evergrande không bình luận công khai về khoản thanh toán, nhưng điều này được đưa tin trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.) Trở nên nghiêm túc Khoản thanh toán Evergrande cho thấy nhà phát triển đang nghiêm túc trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ của mình với các trái chủ ở nước ngoài. Trước đây, công ty đã im lặng về một loạt các khoản thanh toán lãi suất bị bỏ lỡ đối với trái phiếu mệnh giá dollar. Khi thời hạn đến và đi, trong nhiều tuần, món nợ duy nhất mà họ gánh là khoản trả lãi cho trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ. Evergrande cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện các dự án nhà ở tại Trung Quốc đại lục, một dấu hiệu cho thấy họ muốn ưu tiên các cam kết với người mua nhà Trung Quốc. Trước hôm thứ Ba, Bắc Kinh cũng im lặng về bất kỳ mối đe dọa nào do Evergrande và các nhà phát triển khác không có khả năng thanh toán các khoản nợ nước ngoài. Tại một diễn đàn tài chính ở Bắc Kinh vào tuần trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nhấn mạnh rủi ro nhìn chung đã được kiểm soát, bất chấp điều ông gọi là "các vấn đề riêng lẻ" trên thị trường bất động sản. Nhưng tuyên bố của chính phủ Trung Quốc hôm thứ Ba có thể cho thấy Bắc Kinh hiểu cần hạn chế bất kỳ hậu quả thị trường nào từ Evergrande. Các cơ quan cho biết họ muốn các công ty giải quyết nợ nước ngoài để bảo vệ danh tiếng của công ty, cũng như "trật tự chung của thị trường." Khi Evergrande lần đầu tiên cảnh báo vào tháng trước họ có thể vỡ nợ, chứng khoán ở Hong Kong, New York và các thị trường lớn khác đều xao động vì lo ngại khả năng lây lan. “Mối quan tâm hàng đầu nên là xếp hạng tín dụng tổng thể đối với trái phiếu ra nước ngoài của Trung Quốc,” theo Iris Pang, trưởng kinh tế của Greater China tại ING, đồng thời bà cho biết thêm Bắc Kinh cũng muốn đảm bảo nhu cầu đối với những trái phiếu như vậy trong tương lai không bị ảnh hưởng. Theo Larry Hu, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng "không muốn thấy thị trường trái phiếu nước ngoài đóng băng do câu chuyện Evergrande" và các nhà chức trách muốn dòng vốn ra vào đại lục ổn định. Rủi ro tăng đối với việc tái cấp vốn Lo lắng về các vụ vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc khiến các nhà đầu tư quốc tế lo lắng và có thể khiến những công ty này khó tái cấp vốn hơn cho các khoản nợ của họ. Hôm thứ Ba, nhà phát triển Modern Land có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết họ đã không trả được cả gốc hoặc lãi cho trái phiếu trị giá 250 triệu USD đến hạn vào ngày 25/10. Họ đổ lỗi cho "các vấn đề thanh khoản không mong muốn" liên quan đến nền kinh tế, ngành bất động sản và đại dịch virus corona. Theo các nhà phân tích của Moody's, rủi ro của việc cần tái cấp vốn đang tăng lên đối với các nhà phát triển Trung Quốc. Theo đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn cho những công ty như vậy bị hạn chế bởi tâm lý nhà đầu tư yếu và các quy định chính phủ thắt chặt. Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế việc các nhà phát triển vay quá nhiều từ mùa hè năm 2020 do lo ngại quá nhiều tiền giá rẻ đang tràn vào lĩnh vực có đòn bẩy tài chính cao. Chính phủ cũng hứa kềm chế giá nhà đang tăng cao để tăng cường bình đẳng xã hội. Ngay cả đối với các công ty không thuộc lĩnh vực bất động sản, các nhà phân tích của Moody's cho rằng "chênh lệch ngày càng tăng trên thị trường nước ngoài có thể thách thức các kế hoạch tái cấp vốn" cho đến khi tâm lý thị trường bình thường trở lại. Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc chiếm 64% trái phiếu phi tài chính của châu Á đến hạn từ 2022 đến 2026, theo Moody's. Rắc rối vẫn chưa kết thúc Evergrande chưa hết khó khăn. Thời gian ân hạn 30 ngày cho khoản thanh toán lãi suất 47.5 triệu USD quá hạn cho một trái phiếu nước ngoài khác sẽ hết hạn vào thứ Sáu. Họ cũng phải đối mặt với nhiều khoản thanh toán trái phiếu khác trong phần còn lại của năm nay. Và không rõ công ty sẽ làm thế nào để có được nguồn vốn cần để thực hiện các khoản thanh toán đó. Theo Bloomberg đưa tin hôm thứ Ba, các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu Chủ tịch Evergrande Xu Jiayin sử dụng tài sản cá nhân của mình để trả các khoản nợ của công ty. Hãng tin lưu ý không rõ liệu ông này có đủ tiền để làm như vậy hay không, do công ty có khoản nợ hơn 300 tỷ USD tính đến tháng Sáu. Evergrande đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNN Business. Các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh khó có thể trực tiếp can thiệp và cứu trợ Evergrande hay các nhà phát triển khác. "Điều này khuyến khích việc chấp nhận rủi ro quá mức trong tương lai", ông Hu từ Macquarie nói và lưu ý cuộc khủng hoảng nợ gần đây bắt nguồn từ việc các nhà phát triển "chấp nhận rủi ro" quá nhiều trong vài năm qua. "Bắc Kinh sẽ đảm bảo tái cấu trúc nợ có trật tự cho những nhà phát triển gặp khó khăn này, để các dự án dở dang có thể được thực hiện và bàn giao." Phong Lữ lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|