Thị trường Thứ năm, 15/02/2024, 09:40 GMT+7
Sầu riêng, cà phê... tiếp tục trúng giá

Tết này, nông dân trồng sầu riêng, cà phê, lúa gạo ăn Tết lớn vì trúng giá và vui hơn khi mặt bằng giá cao có thể vẫn duy trì.

f15 coffee

Những ngày đầu năm Giáp Thìn, dù giao dịch trong nước chưa có nhiều nhưng tham khảo giá quốc tế vẫn ở chiều hướng tích cực.

Giá sầu riêng vẫn nóng

Năm vừa qua, sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất khi thu về đến 2,243 tỉ USD với sản lượng gần 595.600 tấn; giá xuất khẩu bình quân 3.766 USD/tấn, tương đương hơn 90.000 đồng/kg. Trong đó, sầu riêng tươi là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất với giá bình quân 93.000 đồng/kg. Sầu riêng Việt Nam thu hoạch nhiều nhất vào các tháng 9 và 10 (khu vực Tây Nguyên) và tháng 5 và 6 (khu vực ĐBSCL). 

Những thời điểm sầu riêng chính vụ, giá bán thấp hơn nhưng chi phí đầu tư thấp, sản lượng cao nên các nhà vườn đạt mức lãi vài trăm triệu đồng/ha. Hiện tại, sầu riêng là loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao nhất, giúp nhiều nông dân trở thành tỉ phú.

Ngay đầu năm Giáp Thìn, nhà vườn trồng sầu riêng nghịch vụ, chủ yếu ở ĐBSCL đã phấn khởi khi giá bán xô tại vườn ở mức từ 120.000 - 150.000 đồng/kg (giống Ri 6) và 170.000 – 200.000 đồng/kg (giống Monthong). Với mức giá này, theo tính toán của nhà vườn, dù phải đầu tư lớn để xử lý ra quả nghịch vụ nhưng lợi nhuận mang về lên đến 1 tỉ đồng/ha.

Dự báo năm 2024, xuất khẩu sầu riêng vẫn còn thuận lợi khi thị trường lớn nhất là Trung Quốc cung vẫn chưa đủ cầu và Việt Nam đã có thêm nhiều vùng trồng có mã xuất khẩu cũng như kỳ vọng vào mặt hàng sầu riêng đông lạnh sớm được Trung Quốc mở cửa.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt hàng sầu riêng khi có thu hoạch quanh năm và gần thị trường tiêu thụ. 

Đây cũng là loại quả có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường ngoài Trung Quốc với đa dạng sản phẩm chế biến. Do vậy, trong vài năm tới, sầu riêng vẫn là "con át chủ bài" của ngành rau quả. Dù vậy, ngành sầu riêng phải giữ vững chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như uy tín trên thương trường để giữ được lợi thế.

Giá cà phê liên tục phá kỷ lục

Bên cạnh sầu riêng, những ngày đầu năm Giáp Thìn, giá cà phê lập đỉnh lịch sử hơn 80.000 đồng/kg vào ngày 12-2 (mùng 3 Tết), ngoài sức tưởng tượng của những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành và cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. 

Trên sàn London, giá cà phê Robusta cao nhất khi giao vào tháng 3, ở mức 3.247 USD/tấn và giao vào tháng 7 là 3.050 USD/tấn do sau tháng 4, thế giới có thêm nguồn thu hoạch từ cà phê Brazil. Dù vậy, so với mức 1.200 USD – 1.400 USD/tấn những năm trước đây thì "vàng đen" của Việt Nam đã có giá hơn hẳn.

Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh, nói rằng các nhà rang xay thế giới nhiều năm qua đã "lệ thuộc" cà phê Việt Nam nhưng lại mua được hàng với giá rẻ và họ đã kiếm được nhiều tiền. Điều này khiến cho nông dân không còn mặn mà với cây cà phê, kéo theo diện tích trồng giảm, sản lượng giảm.

"Các công ty cà phê lớn trên thế giới nên bớt tham lam, cùng chung tay với nhà xuất khẩu và nông dân trồng cà phê mới có thể phát triển bền vững ngành này" – ông Thông thẳng thắn. Như vậy, lâu nay nông dân Việt Nam đã không được chia phần lợi nhuận thích đáng trong chuỗi giá trị ngành hàng cà phê được cầm trịch bởi các ông lớn.

Theo các nông dân, với giá cà phê ở mức 70.000 – 75.000 đồng/kg, lợi nhuận của nhà vườn ở mức từ 100 – 150 triệu đồng/ha/năm – là mức rất tốt trong nhiều năm qua nhưng so với loại cây đang "hot" là sầu riêng vẫn thua xa. Dù vậy, cà phê là cây công nghiệp nên ít tốn công chăm sóc, không gặp áp lực bán ngay như trái cây cũng là lợi thế.

Dự báo của đại diện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, năm 2024, dù sản lượng cà phê sụt giảm nhưng giá trị xuất khẩu có thể đạt từ 4,5-5 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay nhờ giá bán tăng cao.

Trồng lúa thắng lớn

Từ cuối tháng 7-2023, khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo chiếm 40% thị phần toàn cầu cấm xuất khẩu gạo trắng phổ thông, giá mặt hàng này liên tục tăng cao, chỉ trong mấy tuần, giá gạo đã tăng đến 100 – 150 USD/tấn. Giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu, trước đây thường xoay quanh ở mức 450 – 500 USD/tấn cũng vọt lên 640-650 USD/tấn; giá lúa tươi từ mức xoay quanh 6.000 đồng/kg đã tăng lên 9.000 – 10.000 đồng/kg. Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục với giá trị 4,78 tỉ USD, tăng 38% so với năm 2022.

Theo các nông dân, nhờ giá lúa tăng cao trong khi vật tư đầu vào lại giảm khiến nông dân đạt lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Đây là cây trồng có diện tích lớn với hàng chục triệu hộ nông dân canh tác nên khi lúa gạo tăng giá góp phần đáng kể vào tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Lúa cũng là cây trồng có suất đầu tư thấp, tỉ lệ cơ giới hóa cao nên những nông dân có nhiều ruộng hoặc thuê được nhiều ruộng để trồng trên diện tích lớn có thể "sống khỏe" với nghề truyền thống này.

Theo CafeF


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1