Thị trường Thứ ba, 29/03/2022, 09:46 GMT+7
OPEC+ vẫn thấy không cần thay đổi kế hoạch cung ứng bất chấp cuộc khủng hoảng của Nga

OPEC và các đồng minh tỏ dấu hiệu họ vẫn thấy không cần điều chỉnh các kế hoạch cung cấp dầu của mình ngay cả khi xung đột Nga-Ukraine đe dọa một đợt gián đoạn thị trường lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

m29 opec

Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Suhail Al-Mazrouei cho biết hôm thứ Hai, 28/3, tại một hội nghị ở Dubai: “Chúng tôi sẽ không bổ sung nguồn lực nếu thị trường cân bằng và các nguồn lực đang ở trong thị trường.” OPEC+ không tập trung vào việc liệu lượng hàng từ Nga mất đi có gây mất cân bằng hay không, ông nói thêm.

Một số đại biểu nói riêng rằng họ dự kiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác của tổ chức này sẽ bám sát kế hoạch lâu dài của mình và phê chuẩn một khoản tăng nguồn cung khiêm tốn khác khi họp vào thứ Năm.

Cho đến nay, liên minh 23 quốc gia do Saudi Arabia dẫn đầu vẫn cự tuyệt áp lực bù vào nguồn cung từ Nga, vốn bị một số người mua xa lánh vì cuộc xâm lược Ukraine. Riyadh và Abu Dhabi muốn duy trì các mối quan hệ với Moscow, cho rằng họ không nhận thấy tình trạng thiếu hụt ngay cả khi xuất khẩu của Nga giảm 1/4 và giá gần $100/thùng.

Nếu không có thay đổi nào, OPEC+ sẽ phê duyệt khoản tăng 430,000 thùng/ngày dự kiến cho tháng Năm. Với nhiều thành viên đang gặp khó khăn để hoàn thành các khoản tăng theo kế hoạch trong vài tháng qua và nhu cầu toàn cầu tăng trở lại sau đại dịch, quyết định này có thể khiến thị trường thắt chặt hơn - làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát đối với nền kinh tế thế giới.

Liên minh Nga

UAE cho biết quan hệ đối tác với Nga, nhà sản xuất dầu thô lớn nhất trong OPEC+ sau Saudi Arabia, vẫn vững chắc. Đó là một lập trường có thể làm thất vọng chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác cô lập Tổng thống Vladimir Putin.

Khi OPEC+ họp lần cuối, vào đầu tháng này, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã nỗ lực hết sức để ngăn bất kỳ cuộc thảo luận nào về sự xâm lược của quân đội Nga hoặc hậu quả thị trường của việc này, thúc đẩy kết thúc cuộc họp chỉ sau 13 phút.

Sự thận trọng của Hoàng tử rất dễ hiểu. Mối quan hệ với Moscow có ý nghĩa quan trọng cả kinh tế và chính trị đối với hai nhà xuất khẩu Vịnh Ba Tư, củng cố quyền kiểm soát của họ đối với các thị trường dầu thô thế giới và cho phép họ bớt phụ thuộc vào Washington.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với Riyadh khi ông Biden tìm cách gạt Thái tử Mohammad bin Salman ra ngoài lề sau vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Thị trường dầu mỏ rộng hơn đã chứng kiến phản ứng chia rẽ đối với cuộc tấn công của Moscow vào nước láng giềng. Những công ty dầu mỏ lớn như TotalEnergies SE và Shell Plc đang giảm mua dầu từ Nga trong bối cảnh cuộc xâm lược bị lên án rộng rãi.

Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đang kín đáo mua dầu thô giá rẻ của Nga khi nguồn cung của quốc gia này tiếp tục thâm nhập vào thị trường. Ấn Độ cũng đang tăng khối lượng mua.

Ngay cả khi những người mua bị chia rẽ, các làn sóng của cuộc xâm lược đã được cảm nhận trên toàn thế giới. Giá dầu Brent tương lai từng tăng lên mức đỉnh 13 năm, gần $139/thùng vào đầu tháng này, thúc đẩy thêm lạm phát đang gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cho hàng triệu người. Nếu OPEC+ lựa chọn một lần nữa phản ứng tối thiểu, nỗi đau đó có thể chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Phong Lữ lược dịch
Theo World Oil

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1