Thị trường Thứ hai, 25/12/2023, 09:52 GMT+7
Cước vận tải biển tăng sốc hơn 300% chỉ trong 7 ngày

Giá cước vận tải đã tăng chóng mặt từng giờ sau những gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ.

d25 shipping

Giá cước tăng vọt và hàng hóa bị mắc kẹt đang là mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đã 3 năm hỗn loạn vì đại dịch Covid-19 và áp lực lạm phát dai dẳng.

Trần giá cước vận tải biển đã nhảy vọt trong vài giờ vào ngày 21/12 do nhiều tàu hàng chuyển hướng khỏi Biển Đỏ.

Theo CNBC, các nhà quản lý logistics đã được báo giá cước vận tải biển lên mức 10.000 USD cho mỗi container 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Vương quốc Anh, tăng 317% so với tuần trước (2.400 USD). Giá cước vận chuyển bằng xe tải ở Trung Đông hiện đang được báo giá cao hơn gấp đôi.

Ông Alan Baer, giám đốc điều hành công ty logistics OL USA (Mỹ) cho biết, giá cước bị đẩy lên nhanh chóng do các hãng vận tải biển tìm cách bù đắp chi phí gia tăng do chuyển hướng tàu. 

"Ở một số tuyến thương mại nhất định, giá cước vận chuyển tăng từ 100 - 300%. Điều này dường như không hoàn toàn bị chi phối bởi những thay đổi về cung - cầu", Giám đốc điều hành OL USA lưu ý.

Theo dữ liệu của Kuehne + Nagel, tính đến sáng 21/12, có tổng cộng 158 tàu hàng chuyển hướng khỏi Biển Đỏ, vận chuyển 2,1 triệu container hàng hóa, với tổng giá trị 105 tỷ USD, theo ước tính của MDS Transmodal.

Các tàu hàng di chuyển trên các tuyến đường biển toàn cầu theo "chuỗi". Theo đó, một tàu hàng "cõng" container từ khắp nơi trên thế giới mỗi khi ghé vào các cảng khác nhau trên lộ tuyến vận tải của nó. Như vậy, khi một tàu hàng bị trì hoãn do định tuyến lại, tất cả các chủ hàng có hàng trên tàu đó hoặc đang chờ tàu đó để nhận container của mình đều phải đối mặt với tình trạng chậm trễ.

IKEA là một trong những công ty khẳng định rằng việc chuyển hướng vận tải sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sẵn có các sản phẩm. Tập đoàn bán lẻ đồ nội thất cho biết, mặc dù không sở hữu bất kỳ tàu container nào nhưng họ đang hợp tác với các đối tác vận tải để quản lý các chuyến hàng và đảm bảo an toàn cho những người làm việc trong chuỗi giá trị IKEA. 

Giá cước vận tải hàng không tăng theo

Trong khi các chủ hàng ở Mỹ có nhiều lựa chọn tuyến vận tải biển, thì các chủ hàng ở châu Âu lại không có lợi thế này. Việc định tuyến lại tàu hàng sang châu Âu có thời gian vận chuyển dài hơn sang Mỹ; do đó các chủ hàng châu Âu đang tìm đến hàng không để cứu vãn tình thế.

Việc đẩy mạnh vận chuyển bằng đường hàng không trong tuần này đã khiến giá cước tăng vọt 13% từ 3,95 USD/kg lên 4,45 USD/kg kể từ khi các hãng vận tải biển thông báo định tuyến lại, điều này phản ánh sự gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ đường biển sang đường hàng không.

Theo ông Brian Bourke, giám đốc tăng trưởng (CGO) tại công ty SEKO Logistics, mức độ tác động nghiêm trọng của Biển Đỏ đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đều phụ thuộc vào khoảng thời gian định tuyến lại vận tải biển.

"Bắt đầu với hàng hóa có giá trị cao hơn như hàng điện tử tiêu dùng, hàng tiêu dùng có giá trị cao và quần áo thời trang. Điều này là do thời gian vận tải kéo dài hơn, làm tăng chi phí vận chuyển hàng tồn kho và vốn lưu động, nên chi phí sẽ cao hơn nếu muốn vận chuyển hàng hóa nhanh hơn", đại diện SEKO Logistics nhận định.

Cảnh báo lạm phát toàn cầu

Giá cước vận tải biển tăng sốc và tác động lạm phát của nó phụ thuộc vào thời gian tàu định tuyến lại và khoảng thời gian bên gửi hàng phải chịu trả chi phí vận chuyển cao hơn.

Theo các CEO ngành logistics, khi mốc thời gian một tháng trôi qua, áp lực lạm phát sẽ được cảm nhận rõ và phản ánh vào chuỗi cung ứng. Cuối cùng nó được đẩy sang tay người tiêu dùng.

Phí vận chuyển cao hơn và sự chậm trễ trong việc giao hàng sẽ ảnh hưởng đến 47% đồ chơi, khoảng 40% thiết bị gia dụng và khoảng 40% hàng may mặc được vận chuyển giữa các nền kinh tế châu Á và phương Tây, Rogers cho biết.

Nguồn cung cấp công nghiệp cũng có thể trở nên khó tiếp cận hơn. Việc định tuyến lại sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển 24% hóa chất, cũng như 22% thép cán phẳng được sử dụng trong ngành ô tô và 22% dây cách điện và pin cho ô tô.

Ông Jon Gold, phó chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (Mỹ), cho biết: "Những sự gián đoạn đang khiến thời gian vận chuyển của các nhà bán lẻ tăng thêm từ hai tuần trở lên, dẫn đến giá cước tăng lên". Vị này cảnh báo: "Khi chuỗi cung ứng bắt đầu bình thường hóa trở lại, áp lực gia tăng từ những chi phí bổ sung và sự chậm trễ này có thể gây ra tác động đáng kể".

Theo CafeF


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1